Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái quy định, biến tướng diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ thành thị đến nông thôn, len lỏi cả trong thôn, ngõ, ấp, học thêm từ lớp mẫu giáo,… để lại nhiều hậu quả xấu tác động đến vai trò, vị trí, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức người thầy và ảnh hưởng rất lớn đối với học sinh.
Môi trường dạy học thân thiện, học sinh tích cực bị biến thành môi trường mua-bán, học sinh từ người học trở thành “thượng đế”. Hàng loạt bức xúc, bất công,…sinh ra từ việc dạy thêm, o ép dạy thêm khiến môi trường dạy học méo mó.
Các em cần được học tập, nghỉ ngơi hợp lý - Ảnh minh họa P.L |
Nếu thời gian quay trở lại, em sẽ không bao giờ học thêm ở phổ thông
Học sinh vì thơ ngây, vì theo đám bạn, vì điểm số,… đã bị vắt kiệt sức do học thêm từ lớp 1.
Học thêm đã biến học sinh và gia đình trở thành nạn nhân, phụ huynh mất tiền, học sinh mất đi thời gian vui chơi, tham gia các phong trào, hoạt động xã hội,…
Người viết đã trao đổi với một số em là sinh viên, những người đã ra trường đi làm, trong đó có những giáo viên…đa số đều có nhận định việc học thêm đã khiến gia đình các em tốn kém và quan trọng là những kiến thức từ học thêm hầu như không giúp ích gì cho việc học tập nâng cao, chỉ mang lại điểm số đẹp tạm thời (thường là được giải bài trước).
Qua chia sẻ, một sinh viên năm cuối một trường cao đẳng nghề cho biết, từ thời tiểu học em đã được đánh giá có sức học tốt, thông minh, gia đình kỳ vọng nhiều.
“Dưới áp lực học giỏi để được khen thưởng, tuyên dương, em đã phải lao đầu vào học thêm từ lớp 1, lên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông còn dày đặc hơn, có những môn phải học đến 2 giáo viên, giáo viên dạy chính khóa để lấy điểm đẹp và 1 giáo viên bên ngoài để “hiểu bài”.
Kết quả đúng như gia đình mong muốn, suốt từ lớp 1 đến lớp 12, lúc nào cũng nhận danh hiệu học sinh giỏi.
Lao đầu vào học thêm, có ngày phải học đến 21 giờ đêm, cả ngày chủ nhật, không có thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe suy nhược, thần kinh không ổn định, bản thân em lại không tham gia bất kỳ hoạt động, phong trào nào để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Và, bản thân và gia đình hoàn toàn thất vọng khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm 3 môn xét tuyển đại học chỉ là 17,5 điểm.
Với số điểm này, không thể trúng tuyển các trường đại học công lập có tiếng, chỉ có thể vào dân lập hoặc tư thục nhưng gia đình khó khăn, kiệt sức vì học thêm nên không đủ kinh phí học các trường ngoài công lập.
Gia đình và bản thân em đành chấp nhận học một trường cao đẳng nghề bằng xét tuyển kết quả học bạ.
Nếu không học thêm từ lớp 1-12, nếu không vắt kiệt sức từ sức khỏe, kinh tế để lo tiền học thêm,... có thể em cũng đã đậu vào một trường đại học công lập nào đó, gia đình cũng không kiệt quệ như hôm nay.
Mà nếu chỉ cần vào trường cao đẳng nghề như hiện nay, xét tuyển bằng kết quả học bạ, em cũng không cần học thêm từ lớp 1-12 tốn hàng trăm triệu đồng.
Nghĩ lại, bản thân em thấy hối tiếc, hối hận vì điểm số đã khiến gia đình kiệt quệ, kết quả nhận lại làm gia đình, bạn bè và bản thân thất vọng, em cũng buồn khi một số giáo viên cố tình “chiêu trò” o ép các em học sinh học thêm thu tiền.
Nếu từ lớp 1, hàng tháng gia đình chỉ cần để dành tiền học thêm mỗi tháng 1, 2 triệu học phí học thêm thì gia đình đã không quá vất vả, và có thể đã để dành được một phần kinh phí để lo cho em ăn học hiện nay,…
Vì còn nhỏ không hiểu, em nhiều lần gây áp lực lên gia đình về tiền học thêm, gia đình đôi khi bất hòa khi phải vay mượn tiền để em được đi học thêm.
Em rất tiếc nuối về việc bỏ quá nhiều thời gian, tiền bạc để học thêm, mất đi ý nghĩa cuộc sống thời học sinh.
Nếu được quay lại, em sẽ không bao giờ học thêm mà sẽ cố gắng tự học, tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao, thiện nguyện,…
Em cũng khuyên, các bạn học sinh đừng phí tuổi thanh xuân vào những buổi học thêm quá sức, hãy tận dụng thời gian vàng để vừa học, tự học, trải nghiệm, tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ,…đó là những trải nghiệm cần thiết, đó là những định hướng nghề nghiệp thiết thực nhất mà không cần phải lý thuyết suông.”
Hay tại ngôi trường trung học cơ sở mà người viết đang giảng dạy, theo thống kê gần như đến 70% học sinh học thêm từ lớp 6-9, một số em do học thêm, điểm học bạ lớp 9 rất cao, xếp loại khá, giỏi nhưng khi thi tuyển lớp 10 vẫn trượt trường công lập.
Người viết, cũng tiếp xúc nhiều em, khi còn nhỏ tỏ ra thông minh nhưng học không đúng hướng, kết quả phổ thông toàn được học sinh giỏi nhưng lạm dụng học thêm nên đuối dần, không còn duy trì phong độ, không đạt được các trường đại học mơ ước.
Báo chí cũng phản ánh học sinh kiệt sức vì học thêm quá mức, lạm dụng học thêm mất đi khả năng tự học, sáng tạo.
Khi các em trưởng thành, suy nghĩ chín chắn hơn, nhiều em tỏ ra tiếc nuối về thời gian, công sức và tiền bạc mà bản thân và gia đình đã mất do học thêm, cùng chung mong muốn việc quản lý dạy thêm, học thêm được chặt chẽ hơn.
Đã đến lúc, cần ban hành quy định cụ thể, rõ ràng về dạy thêm, học thêm
Khi mà dạy thêm học thêm không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, đồng nghĩa với công nhận dạy thêm là hoạt động, kinh doanh mua bán hợp pháp thì tình trạng dạy thêm diễn ra tràn lan, giáo viên dùng mọi cách để mở lớp dạy thêm thu tiền, bất chấp nguyên tắc dạy thêm được quy định trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục khó quản lý.
Để việc dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp, thực chất rất cần thiết phải ban hành quy định dạy thêm, học thêm cụ thể, chi tiết từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như phân cấp, phân quyền quản lý dạy thêm, học thêm.
Theo người viết, việc học thêm là nhu cầu có thật của một số học sinh để củng cố, nâng cao kiến thức và nhu cầu có thật của một số giáo viên để cải thiện thu nhập, bồi dưỡng kiến thức,…
Nhưng tất nhiên, hệ lụy của dạy thêm quá đà, học sinh học quá sức sẽ để lại những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học sinh, nhiều em thi vào ngành sư phạm chỉ với ước mơ được dạy thêm, để có thật nhiều tiền, những em sinh viên sư phạm với lý tưởng trên tai hại vô cùng.
Giáo viên dạy thêm quá nhiều thì sức khỏe suy kiệt, tâm lý không bình thường, vì lý do kinh tế nhiều giáo viên “giấu” kiến thức trên lớp để dạy thêm, o ép học sinh học thêm bằng nhiều cách trong đó có cả bạo hành thể xác, tinh thần, dạy thêm quá nhiều thì sẽ không còn thời gian nghiên cứu bài, tham gia các phong trào,…kết quả giảng dạy sẽ không cao, học sinh sẽ thiệt thòi,…
Để việc quản lý dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp, người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các ban ngành liên quan quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế dần việc dạy thêm, tăng cường cơ sở vật chất để cả nước dạy 2 buổi/ngày theo định hướng chương trình mới.
Bên cạnh đó, khi ban hành Thông tư mới quy định về dạy thêm học thêm thay thế Thông tư 17, nên quy định các trường hợp không được dạy thêm như sau:
Không được dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày;
Không được dạy thêm học sinh chính khóa, Thông tư 17 quy định giáo viên được dạy thêm học sinh chính khóa khi hiệu trưởng đồng ý. Người viết kiến nghị cần cấm dạy thêm học sinh chính khóa, dạy thêm học sinh chính khóa là nguyên nhân gây nhiều bất cập của dạy thêm học thêm, méo mó môi trường giáo dục,..
Về thời gian, nên quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh trước 6 giờ và sau 20 giờ, không được dạy thêm lúc 11-13h, 16-17h30 vì đây vào các khoảng thời gian để các em nghỉ ngơi, tham gia thể dục thể thao, phong trào khác.
Giáo viên hay than thở công việc nhiều, giao công việc thực hiện chậm trễ nhưng lại dành thời gian dạy thêm quá nhiều.
Quy định hiện nay, giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần, ngoài thời gian trên còn phải tham gia các công việc khác như soạn bài, chấm bài, hội họp, bồi dưỡng thường xuyên, các phong trào,…nếu dạy thêm quá mức sẽ không khoa học, vắt kiệt sức giáo viên, nên người viết cho rằng nên quy định cụ thể giáo viên được dạy tối đa 12 tiết /tuần (tối đa 3 nhóm, mỗi nhóm tối đa 4 tiết/tuần).
Giáo viên đã dạy 17 – 19 tiết/tuần, quy định được dạy thêm tối đa 12 tiết/tuần là phù hợp với thực trạng dạy học, thời gian, sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tiếp theo, người viết cho rằng nên có văn bản hướng dẫn, quản lý để chấn chỉnh các buổi dạy thêm học thêm thu tiền dưới hình thức câu lạc bộ, như câu lạc bộ anh văn, tin học, kỹ năng sống,…
Ở bậc tiểu học đã cấm dạy thêm nhưng các câu lạc bộ núp bóng dạy thêm thu tiền lại xuất hiện dày đặc, vắt kiệt sức học trò, kiệt sức phụ huynh.
Dạy thêm, học thêm trái phép, trá hình hiện nay đang là “ung nhọt”, làm điêu đứng nhiều gia đình, làm học sinh kiệt sức, không tự học, không tích cực, không tham gia các hoạt động trải nghiệm theo chương trình mới nên cần có liều thuốc cao để chữa căn bệnh trên, từng bước đem lại sự trong sạch cho giáo dục.
Hơn ai hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng ban hành quy định mới cụ thể, chi tiết về dạy thêm học thêm, quy định rõ trường hợp cấm, giáo viên nào vi phạm phải bị xử lý nghiêm, sa thải và xử lý cán bộ địa phương nào để tình trạng dạy thêm trái phép tràn lan, mất kiểm soát.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.