Vấn nạn dạy thêm học thêm chính khóa tràn lan, o ép học sinh học thêm để lấy tiền,… khiến nhiều người vô cùng bức xúc nhưng nó vẫn tồn tại, thách thức dư luận.
Trải qua nhiều lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đánh giá học sinh từ kiến thức sang năng lực, phẩm chất vẫn loay hoay chưa định hình được dạy thêm như thế nào cho hợp lý, tình trạng dạy thêm học thêm ngày càng biến tướng, nhiều hơn là điều khó có thể chấp nhận.
Ảnh minh họa - Báo Lao động |
Học sinh mất quá nhiều thứ từ kiểu học thêm chính khóa “tự nguyện” hiện nay
Học sinh phổ thông nhất là ở bậc tiểu học, trung học cơ sở là giai đoạn các em còn quá nhỏ để xác định được mục đích học thêm vì lý do gì hay mình thật sự có nhu cầu học thêm hay không?
Việc học thêm ở đây xuất phát từ việc giáo viên gợi ý đi học thêm hoặc những “o ép” trong quá trình học tập, quá trình làm bài kiểm tra, điểm số và cả áp lực từ phụ huynh.
Nếu giáo viên không dạy thêm, học sinh học tập đúng khả năng của mình, được giáo dục và dạy dỗ điều đúng đắn, được giáo viên thương yêu, không bị o ép, trù dập thì đương nhiên sẽ không học thêm.
Sự thật đáng buồn là hiện nay, một bộ phận nhà giáo đã lạm dụng quyền hạn, ép học sinh học thêm, biến việc dạy học này trở thành hoạt động trục lợi, mua bán khiến nó méo mó, phản cảm.
Nhiều em học sinh vì không học thêm nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập, sinh hoạt.
Trên lớp, một số giáo viên dạy một cách qua loa, thậm chí là khó hiểu, sau đó cho bài kiểm tra khó, học sinh bị điểm kém thậm chí bắt bẻ vô lý khi trả bài, hay vi phạm nhỏ.
Những hình thức điện thoại về gia đình thông báo các em học yếu yêu cầu phụ huynh phải cam kết cho học thêm để đạt điểm cao, lên lớp hoặc lên loại giỏi, khá không còn là hiếm.
Không chịu nổi áp lực, nhiều em đành đăng ký đi học thêm. Ngoài đủ chi phí như học phí và các khoản khác, hàng tháng nhiều gia đình vay mượn hơn cả triệu đồng tiền học thêm.
Nhiều em học sinh học một cách vô định, vô hồn, không mục tiêu bị ám ảnh trong một thời gian dài về hình ảnh người thầy dùng quyền lực của mình o ép học sinh học thêm.
Nhiều trẻ mới lớp 1, lớp 2 đã bị cuốn vào guồng quay của học thêm khi ngày 2 buổi trên lớp, tối luyện viết chữ, làm toán ở nhà thầy cô. Lớn hơn một chút, các em phải làm quen với cảnh "gặm" vội ổ bánh mì để chạy đua với các lớp học thêm.
Việc học thêm theo phong trào đã đổ một khối áp lực cực lớn lên vai con trẻ. Nhiều em đi học thêm bị ngoài bị mất tiền còn phải gánh thêm một số kiến thức nâng cao không cần thiết từ lớp học thêm, học sinh không học thêm thì điểm kém, mất căn bản làm mất đi môi trường học tập lành mạnh, công bằng.
Các em học sinh đã bị mất nhiều thứ từ sức khỏe, tuổi thơ đến cả khoảng thời gian cần thiết để xây dựng kỹ năng sống, vun đắp tình yêu thương, mối quan hệ gia đình, mất đi năng lực tự học, năng lực tư duy, phản biện, vui chơi,...
Nhiều giáo viên còn dạy trước kiến thức cho các em ở lớp học thêm. Điều này khiến các em nảy sinh tư tưởng chủ quan, xem thường học chính khóa, mất đi đam mê học tập, nghiên cứu, lợi bất cập hại.
Quan niệm nhờ dạy thêm để học sinh học tốt đã lỗi thời
Là một nhà giáo nhiều năm đứng lớp tôi cho rằng chúng ta đang mắc hai lỗi sai lớn đó là không tạo điều kiện cho các em tự phát triển khả năng tiềm ẩn của mình và đánh giá người học qua điểm số.
Một thời gian dài học sinh trải qua quá trình học từ lớp 1-12 xếp loại giỏi, khá, xếp hạng nhất nhì trong lớp nhờ học thêm nhưng khi tốt nghiệp đại học ra trường thì không thể xin việc, khi xin được việc thì không thể đi làm vì không có kinh nghiệm, kỹ năng sống, ứng phó, thiếu khả năng tư duy, phản biện, hợp tác và thậm chí không đủ sức khỏe để làm việc theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Trong khi đó những học sinh sức học trung bình nhưng có những yếu tố trên thì lại dễ xin việc ở các công ty lớn, thu nhập cao. Nghịch lý này tồn tại trong một thời gian dài.
Người lớn bắt trẻ chạy theo điểm số, bằng cấp. Sự có mặt của hệ thống trường chuyên, lớp chọn, dạy thêm học thêm tràn lan… khiến cuộc chạy đua này không hồi kết và sự học mất đi tính bình đẳng.
Thực tế hiện nay lấy lý do nhiều học sinh học yếu, sĩ số đông học sinh không theo kịp chương trình, nên giáo viên phải dạy thêm để học sinh học tốt hơn.
Tất cả chỉ là bao biện, bằng chứng qua nhiều năm nay học sinh học thêm quá nhiều đã gây biết bao hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, sa sút trí tuệ, mất đi khả năng tự học,… mà kết quả học tập chung cũng không tăng.
Dạy thêm học thêm tràn lan nhưng kết quả thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cả tuyển sinh đại học đều không tăng mà có xu hướng giảm chứng tỏ học thêm chỉ làm cho điểm số trên lớp đẹp hơn, không tăng chất lượng thật qua các kỳ thi chung.
Phải có sự nhìn nhận đúng đắn, khoa học về dạy thêm mới giúp chúng ta đánh giá đúng về dạy thêm và có giải pháp phù hợp.
Cứ mãi giải thích, bao biện, tranh luận… thì chỉ có học sinh và phụ huynh là người chịu thiệt.
Theo tìm hiểu của tôi tại đất nước có nền giáo dục được coi là tiên tiến như Hoa Kỳ thì tại nhiều bang không có tình trạng dạy thêm thu tiền học sinh phổ thông và bậc học từ mầm non đến phổ thông các em sẽ không đóng học phí.
Tại nhiều nước khác như Nhật Bản, Phần Lan, Singapore… cũng không có tình trạng dạy thêm thu tiền tràn lan như ở ta nhưng giáo dục họ vẫn phát triển rất tốt, đó là những bài học quý mà chúng ta nên xem xét.
Nên cấm dạy thêm với học sinh chính khóa
Theo tôi, giáo dục không phải là một ngành nghề kinh doanh, học sinh không phải là một thứ hàng hóa, kiến thức cũng không phải hàng hóa mà mua với bán, giáo dục có đặc thù riêng là đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Nó thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách và tiến bộ xã hội.
Nếu đã dạy tốt trong chính khóa rồi thì không cần dạy thêm học thêm nữa, đấy mới là sự vươn lên của giáo dục, nếu sự vươn lên lấy việc dạy thêm học thêm là bắt buộc thì không nên.
Mục đích của giáo dục là làm sao giáo viên trong lớp dạy hết sức mình, thương yêu học sinh, xem toàn bộ các em như con, em của mình, không phân biệt đối xử,… nhưng dạy thêm học sinh chính khóa khiến việc trên méo mó.
Giáo viên không thể thần thánh hóa, không thể có việc dạy học sinh chính khóa thu tiền hàng ngày, hàng tháng mà đối xử công bằng với các em không có điều kiện học thêm.
Các em ngoài học kiến thức còn thời gian tự học, trải nghiệm, rèn kỹ năng sống, thái độ sống,... nên nếu lao đầu vào học thêm thì sẽ mất đi những con người có bản lĩnh, làm chủ kiến thức và xã hội, khiến xã hội thụt lùi.
Tôi cho rằng đã đến lúc nghiêm túc xem xét lại việc cấm giáo viên công lập dạy thêm học sinh chính khóa, tiến tới hạn chế tối đa dạy thêm. Nếu như cấp phép dạy thêm học thêm thì đối tượng kinh doanh chính là các em học sinh, lại phát sinh thêm giấy phép con.
Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo giảm tải nhưng bệnh thành tích vẫn còn rất nặng nề và cũng chưa ban hành văn bản cụ thể về dạy thêm khiến cho việc dạy thêm học thêm ngày càng biến tướng, phức tạp dẫn đến một bộ phận nhà giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đổi mới trong thi cử, đánh giá người học và tránh bệnh thành tích góp phần quan trọng đẩy lùi vấn nạn “dạy thêm, học thêm”.
Bên cạnh đó một vấn đề không thể thiếu đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiên trì kiến nghị các cấp, các ngành để từng bước cải thiện lương, thu nhập của nhà giáo tương xứng với tầm vóc, vị thế của nghề để giáo viên chuyên tâm vào dạy thật và từng bước đẩy lùi dạy thêm tiêu cực tiến tới nền giáo dục công bằng, hợp lý, phù hợp xu thế phát triển của trẻ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.