Nếu thuộc ngành nghề độc hại, GVMN có thêm phụ cấp và được nghỉ hưu sớm

06/08/2023 06:38
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Có trường mầm non đầu tư hệ thống bếp điện nhưng có nơi dùng bếp gas, than, củi để nấu ăn gây độc hại cho GV, nhân viên khi hít khí gas, than.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Trước thông tin này, lãnh đạo một số trường mầm non bày tỏ niềm vui, sự đồng tình và mong muốn các Bộ sớm quan tâm bổ sung giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Minh Thu Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hưng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, nếu đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ rất thuận lợi cho đội ngũ giáo viên mầm non vì có thêm chế độ chính sách, phụ cấp, nghỉ hưu sớm.

Cụ thể, Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 quy định người “làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi”

Như vậy, nếu được bổ sung là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ.

Chưa kể, các giáo viên mầm non sẽ được hưởng chế độ nâng lương, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích khác theo quy định chung đối với người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm được quy định tại Điều 103 Bộ Luật Lao động 2019).

Học sinh Trường Mầm non Tân Hưng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh website nhà trường.

Học sinh Trường Mầm non Tân Hưng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh website nhà trường.

“Hiện tại, giáo viên mầm non đang hưởng phụ cấp 35%. Nếu giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên sẽ có thêm chế độ phụ cấp.

Cụ thể, ở một số trường mầm non vùng cao, giáo viên còn sử dụng bếp củi, than tổ ong để nấu ăn cho trẻ. Ở Hà Nội, dù kinh tế xã hội phát triển, có trường được đầu tư hệ thống bếp điện nhưng có nơi vẫn dùng bếp gas để nấu hàng trăm suất ăn nên vô cùng độc hại (vì hít khí gas) cho giáo viên. Chính vì thế, giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, có thể các cô sẽ được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định Bộ Luật lao động 2019”, cô Giang chia sẻ.

Cũng theo cô Giang, hiện nhà trường mới chỉ có 2,3-2,5 định mức giáo viên/lớp. Nhà trường bố trí giáo viên mang thai làm việc ở những lớp có 2,5 giáo viên để được hỗ trợ, san sẻ nhưng không đáng kể vì khối lượng công việc nhiều, thời gian đón, trả trẻ thường sớm và trễ.

“Khi giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, mong giáo viên khi có thai sẽ được giảm giờ làm việc/ngày mà không bị cắt giảm tiền lương, quyền lợi”, cô Giang mong muốn.

Cô Giang cho biết thêm, trong thời gian dịch COVID-19, nhà trường có một số giáo viên bỏ việc. Sau dịch, số lượng giáo viên bỏ việc tăng lên gấp 3-4 lần. Riêng năm 2022, cả huyện Sóc Sơn có trên 20 giáo viên, nhân viên mầm non bỏ nghề dẫn đến thiếu giáo viên. Chính vì thế, giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại có thể sẽ giúp giữ chân và thu hút được nhiều người theo nghề.

Cùng chia sẻ với phóng viên, cô Ma Thị Yến – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết, việc xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại có ý nghĩa lớn đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

“Do tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải đến trường sớm để đón trẻ và kết thúc công việc muộn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định. Có giáo viên một ngày di chuyển đến điểm trường và làm việc trung bình hết 10 giờ, chưa kể thời gian các cô chuẩn bị bài giảng, đồ chơi cho trẻ, ít có thời gian cho gia đình.

Trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn, các điểm trường lẻ chỉ có 1 giáo viên/lớp nên khối lượng công việc càng vất vả hơn.

Do vậy, tôi rất đồng tình với việc đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại để từ đó có thêm những chế độ chính sách, phụ cấp xứng đáng với công sức, tính chất công việc, giúp giáo viên yên tâm ổn định đời sống”, cô Yến cho biết.

Hiện nay, ngoài hưởng lương, giáo viên mầm non của trường có thể hưởng cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút với người mới đi làm trong vòng 5 năm, phụ cấp dành cho giáo viên làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn. Nếu có thêm phụ cấp độc hại, thu nhập của giáo viên mầm non phần nào được tăng lên, có nhiều điều kiện để chăm lo cho gia đình.

Cô Yến chia sẻ, thông thường, giáo viên mầm non được nghỉ hè 2 tháng được hưởng lương nguyên và nghỉ Tết theo quy định chung.

Theo khoản 1, Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau: 14 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Như vậy, giáo viên mầm non khi là ngành nghề độc hại, nặng nhọc sẽ được nghỉ phép năm dài hơn so với những người làm công việc bình thường.

“Nhà trường có nhiều giáo viên quê ở các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các cô phải xa gia đình, chồng con, và rất ít thời gian được về quê. Chính vì thế, nếu giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên của trường có thể tranh thủ thời gian nghỉ phép dài ngày để về quê thăm người thân, gia đình, chồng con nhiều hơn.

Ví dụ như các dịp Tết, giáo viên có thể nghỉ dài hơn; hay thời tiết mùa đông quá lạnh, học sinh không ra lớp, giáo viên nghỉ phép để về với gia đình, thăm bố mẹ, các con ở quê.

Tăng thời gian nghỉ phép năm, nhà trường sẽ phải cân đối, sắp xếp để luân phiên giáo viên được nghỉ, không để giáo viên nghỉ phép dài ngày hàng loạt dẫn đến thiếu giáo viên tại các điểm trường”, cô Yến chia sẻ.

Cũng theo cô Yến, hiện số giáo viên của trường còn thiếu theo định mức là 8 người. Nếu giáo viên mầm non là ngành nghề độc hại, nặng nhọc, sức hút của ngành đối với người học sẽ tăng, giúp giáo viên gắn bó lâu hơn với nghề.

Ngọc Mai