Báo chí: Không "câu khách" trên nỗi đau của trẻ

06/06/2012 01:17
Tạ Thủy
(GDVN)- Đôi khi, vì một thông tin - bức ảnh nhạy cảm, báo chí đã vô tình gây cho trẻ em những ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống hiện tại và tương lai.

Trẻ em là một trong những đối tượng cần được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Với vai trò tích cực của mình, báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng và giáo dục thế hệ trẻ. Viết về trẻ em là 1 vấn đề khó, công việc này không chỉ đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn đòi hỏi trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút.

Khi viết về vấn đề xâm hại, bạo lực mà nạn nhân là trẻ em, nhiều tờ báo đã công khai hình ảnh, thông tin của nạn nhân trên mặt báo. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của gia đình và bản thân các em. Các em đã là nạn nhân của kẻ bạo hành, nay lại tiếp tục là nạn nhân của giới truyền thông. Hình ảnh một bạn nữ sinh bị bạn hành hung, túm tóc, lột quần áo đã được đăng tải cận cảnh, chi tiết trên một trang báo mạng điện tử mà không hề được xóa mờ.

Chắc chắn sẽ chẳng ai muốn lưu lại trong mắt thầy cô, bạn bè những  hình ảnh không mấy tốt đẹp này. Mặc dù là nạn nhân nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh này, nỗi đau của em lại bị cứa sâu hơn.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương về tinh thần do các em còn quá non nớt trong nhận thức. Phản ánh những vấn đề có tính nhạy cảm này, báo chí cần thực sự chú ý tới ngòi bút của mình.

Vụ một tờ báo giật “tít”: “Người mẫu nhí 12 tuổi L.H.B.T lộ hàng trên sàn catwalk” đã gây không ít phẫn nộ trong dư luận xã hội. Sự việc ngoài ý muốn của một tài năng nhí đã bị báo chí soi mói tới mức khó chấp nhận. Tên tuổi và hình ảnh của em được công khai trên phương tiện truyền thông. Liệu em còn dám đứng trên sân khấu khi bị đặt ngang với các ngôi sao lớn tuổi bởi độ nóng của việc “lộ hàng”? Như vậy, chẳng phải báo chí đã có thể vô tình làm thui chột một tài năng? Nhìn gương mặt trẻ thơ  trên mặt báo mà thấy đau lòng quá, sao có thể nhẫn tâm với em đến như vậy?

Không chỉ cần nghiêm túc trong vấn đề viết về trẻ em là nạn nhân của những vụ bạo hành, báo chí cần thận trọng hơn trong khi viết về hành vi phạm pháp của trẻ trong độ tuổi vị thành niên. Trẻ em chưa thực sự kiểm soát được hành vi của mình cũng như chưa đủ bản lĩnh để vượt qua những áp lực của dư luận xã hội.

Trong nhiều sự kiện trẻ vị thành niên phạm pháp, tên tuổi và hình ảnh của trẻ được đưa lên mặt báo một cách công khai. Vẫn biết các em đã sai lầm khi gây ra  hành vi không tốt cho xã hội, nhưng các em cần được sự quan tâm của gia đình, xã hội hơn là những bản án của pháp luật và truyền thông. Tuổi còn nhỏ, các em cần sự bao dung của xã hội, sự thông cảm của cộng đồng. Nhiều tờ báo vô tình đã đè nặng áp lực lên tuổi thơ các em. Rồi các em có thể đứng vững trước áp lực của xã hội, sự gièm pha, chế giễu của bạn bè? Đây chính là tính nhân đạo trong lĩnh vực hoạt động báo chí.

Trong khi nền báo chí đang tích cực bảo vệ “mầm ươm” của đất nước thì nhiều tờ báo đã vô tình “câu khách” trên nỗi đau của trẻ. Công việc cầm bút không phải là viết ra những bài báo chân thực một cách trần trụi và phũ phàng, mà nó đòi hỏi ở mỗi nhà báo tính nhân văn và nhân đạo trong từng trang viết.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (1-10/6) : Báo chí với trẻ em
 
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

 Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Tạ Thủy