Chiến lược hướng nghiệp đặc biệt cho thanh niên

29/03/2012 18:42
Nguyễn Văn Tập, Bùi Thị Thuỳ
Đọc bài "Nếu tôi là cán bộ Đoàn Hải Phòng", chúng tôi thấy cần bổ sung thêm chiến lược này.

Một bộ phận thanh niên hiện nay đang không có công ăn việc làm, sa vào lối sông buông thả. Đặc biệt, ở những địa phương được đền bù đất, từ nghèo thành giàu, mất đất nông nghiệp, thực trạng này diễn ra không hiếm.

Ví dụ như làng Văn Cao, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng quê tôi có 134/136 hộ được đền bù hơn 30 tỷ… Nhìn bề ngoài, bộ mặt của địa phương thay đổi nhanh chóng như trong mơ. Nhà nhà xây dựng khang trang, người người có phương tiện đi lại…

Nhưng không vì thế mà vội vui mừng. Nhiều thanh niên nhàn rỗi sa vào rượu chè, cờ bạc, cá độ bóng đá, lô đề… Đồng chí Nguyễn Văn Tọa, Bí thư Chi bộ thôn Văn Cao cho biết: “Từ khi có tiền đền bù, bỗng dưng bà con nông dân trong thôn trở nên lười lao động. Trước đây, nhà ai cũng có trong chuồng từ 1 đến 2 con lợn, bây giờ chẳng ai chịu chăn nuôi. Vận động mãi bà con bảo nuôi không có lãi. Hiện tại, trong làng có lực lượng lao động nữ tuổi từ 45 trở lên chỉ ở nhà nội trợ, chơi dài vì độ tuổi này không có công ty, xí nghiệp nào thuê. Cứ như thế này, thì bao nhiêu tiền từ đền bù đất cũng phải đội nón ra đi. Và cái nghèo lại quay trở lại”.

Thực trạng trên đòi hỏi trung ương Đoàn cần có chiến lược cụ thể cho các đơn vị và cán bộ Đoàn địa phương:

Hướng nghiệp cho thanh niên ở địa phương
Hướng nghiệp cho thanh niên ở địa phương

1.    Tập hợp những đoàn viên thanh niên trong thôn, xã tham gia sinh hoạt đoàn, giác ngộ các cá nhân yếu kém, đưa ra chương trình hành động, mục tiêu phấn đấu của tuổi trẻ để cùng làm giàu chân chính và chung sức xây dựng quê hương đổi mới.

2.    Đề xuất với chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên tiến bộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; đào tạo ngành nghề thủ công; mở rộng chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng cánh đồng hiệu quả kinh tế cao, sản xuất theo hướng hàng hóa, cung cấp cho thị trường trong và ngoài khu vực.

3.    Mời các chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn nông dân cách chuyển giao công nghệ và trực tiếp cầm tay chỉ việc. Quan tâm sâu sắc đến các đối tượng lao động phụ nữ và trẻ em học sinh tranh thủ hỗ trợ gia đình sau giờ học.

4.    Mở rộng chăn nuôi: khi lương thực làm ra dồi dào (khoai tây, khoai lang, ngô…) thì tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, VAC khép kín, để tăng thêm nguồn thu và giảm phần chi.

5.    Xây dựng hiệp hội kinh tế, mở trang web có địa chỉ tin cậy để cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cho nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm và các cơ sở dịch vụ khác…

6.    Kêu gọi các nhà đầu tư, Việt kiều hướng về quê hương, các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học chuyển giao công nghệ, khai thác các kênh ngân hàng tạo nguồn vốn vay cho nông dân.

7.    Khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia các chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng môi trường học tập, đôi bạn cùng tiến và các phong trào xung kích, tình nguyện… ở địa phương.

Nguyễn Văn Tập, Bùi Thị Thuỳ