Liều thuốc nào cho hội chứng “cuồng” thần tượng?

20/07/2012 16:49
Lan Anh
(GDVN) - “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng cũng biết điều và để mình đi…”, có lẽ câu nói “bất hủ” này đã nói lên tất cả sự mù quáng của các fan cuồng.

 Mới đây, khi vấn đề văn hoá thần tượng được đưa ra bàn luận trong đề thi Văn ĐH khối D năm nay đã khuấy đảo cộng đồng fan, nhất là các K-pop fan. Trong khi nhiều bạn nhận xét đề bài rất thực tế và mang tính giáo dục cao thì các fan cuồng lại cật lực fan đối, họ coi đó là sự xúc phạm đến thần tượng cũng như sở thích riêng tư của họ, nhưng xét cả đề thi, ta chỉ thấy đề yêu cầu nêu ra cái lợi của ngưỡng mộ thần tượng và cái hại của mê muội thần tượng, phải chăng đề đã “nói trúng tim đen” nên bị các fan cuồng “ném đá” kịch liệt như vậy?

Hội chứng “cuồng”

Trước sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng Hallyu, các bạn trẻ Việt Nam đã quen với hình ảnh những ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc, từ đó cũng dần dần xuất hiện thuật ngữ “fan cuồng”. Hiện nay, fan cuồng đang trở thành một vấn đề thời sự, ảnh hưởng đến tư tưởng cũng như lối sống của nhiều bạn trẻ trót mê thần tượng.

Gần đây, khi một số nhóm nhạc Hàn Quốc sang biểu diễn tại Việt Nam đã thu hút một lượng lớn fan hâm mộ tham gia, trong đó có cả những fan cuồng. Những bạn này không chỉ gào thét, khóc lóc khi nhìn thấy thần tượng ngoài sân bay, mà còn xô đẩy, bao vây thần tượng cốt sao chạm được vào… vạt áo của thần tượng.

Không những thế, các fan cuồng còn gây xôn xao dư luận bởi những hành động, phát ngôn phản cảm, thiếu suy nghĩ của mình. Có bạn sẵn sàng bày tỏ tình yêu với thần tượng bằng cách hôn ghế mà thần tượng vừa ngồi. Để sở hữu một chiếc vé xem thần tượng biểu diễn, nhiều bạn đã doạ tự tử, rồi giết bố mẹ nếu không được đi xem các “oppa“.

“Không có fan xấu, chỉ có fan không biết mình xấu”

Điều này có lẽ đúng với các fan cuồng. Phải khẳng định rằng fan cuồng cũng yêu quý thần tượng, chỉ có điều họ quá cuồng nhiệt, cuồng nhiệt đến mức bị ám ảnh, mất tự chủ dẫn đến có những lời nói, hành động làm ảnh hưởng đến cộng đồng Kpop fan Việt Nam.

Với họ, khóc lóc, gào thét, thậm chí đòi từ mặt, giết bố mẹ chỉ để được nhìn thần tượng trong vài phút là cách thể hiện tình yêu mãnh liệt của mình với thần tượng mà lâu nay họ chỉ được gặp trên… truyền hình. Nhưng điều quan trọng là họ không biết những việc làm của mình không chỉ giảm giá trị của chính bản thân mình trong mắt mọi người, mà còn làm xấu đi hình ảnh người Việt Nam trong mắt các sao và cộng đồng fan quốc tế.

Nếu coi hội chứng “cuồng” thần tượng là một căn bệnh, thì liều thuốc tốt nhất cho những con bệnh “cuồng” chính là lý trí, làm chủ chính mình. Thiết nghĩ việc các fan hò reo, sung sướng đến chảy nước mắt khi được tận mắt nhìn thấy thần tượng là điều dễ hiểu, chỉ có điều, hãy biết lắng nghe mình bằng cả lý trí và tình cảm, yêu thần tượng nhưng không đánh mất mình, bởi vì các “oppa”, “unnie” cũng không biết ơn bạn dù bạn sẵn sàng hôn ghế của họ, hay không ngần ngại bỏ câu 3 điểm trong đề thi đại học chỉ vì lý do “bảo vệ thần tượng”.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (10-20/7): Hội chứng "cuồng" thần tượng

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Tác giả có bài viết được đọc nhiều nhất xin mời đến toà soạn để nhận học bổng tiếng Anh. Tác giả có bài viết được chuyên mục bình chọn và bài viết được đăng liên hệ số điện thoại: 01252582843 để nhận thưởng
Lan Anh