Nếu tôi là Bộ trưởng Giáo dục: Thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân

05/05/2012 12:08
Hồng Hạnh
(GDVN) - Khi bạo lực học đường xảy ra, cơ quan có thẩm quyền thường xử lý, răn đe bằng những hình phạt nặng nhất. Tuy nhiên, biện pháp này xem ra không hiệu quả.

Ngọn nguồn dẫn đến những hành vi bạo lực đều xuất phát từ nhận thức lệch lạc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần phải đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giáo dục nhân cách đạo đức của các em học sinh, sinh viên từ gia đình, nhà trường và xã hội. 


Gia tăng… “tội phạm trẻ con”


Điểm qua một vài báo mạng điện tử cứ vài ba ngày độc giả lại thấy xuất hiện những thông tin về các vụ, việc liên quan đến bạo lực học đường. Những tiêu đề bài viết: “Học sinh lớp 8 giết bạn, cướp xe đạp”; “Nữ sinh lớp 7 bị lột áo, đánh cho đến ngất”, hay mới đây nhất là “Bé gái 6 tuổi bị học sinh lớp 10 cưỡng bức”… Chúng ta không khỏi giật mình khi nhận ra xu hướng trẻ hóa của chủ thể có hành vi bạo lực học đường.

Những hình ảnh trong các clip học sinh đánh nhau
Những hình ảnh trong các clip học sinh đánh nhau


Cách đây 2-3 năm trở về trước, những vụ, việc bạo lực học đường phức tạp như xâm hại tình dục hoặc dẫn đến án mạng, thường chỉ diễn ra ở những đối tượng trên 18 tuổi. Nhưng hiện nay, độ tuổi gây án đang ngày một hạ xuống, thậm chí có  những học sinh chưa đến tuổi vị thành niên. Điều đáng nói ở đây là, khi báo chí nỗ lực thông tin về kết quả xử lý những học sinh, sinh viên có hành vi bạo lực để răn đe các đối tượng khác thì hiện tượng này vẫn ngày một gia tăng.


Chỉ có một cách để lý giải cho điều này. Đó là, các cơ quan chức năng đang giải quyết nạn bạo lực học đường ở phần ngọn theo kiểu “tỉa cây cảnh”. Khi có vụ, việc vi phạm xảy ra mới bắt đầu “cuống cuồng” xử lý một cách bị động mà chưa chú tâm “triệt tiêu” mầm mống có thể phát sinh bạo lực.


Định hướng nhân cách ngay từ nhỏ


Nhân cách có tác động rất lớn đối với hành vi, thái độ của con người. Trong những hoàn cảnh không được như mong đợi, người có nhân cách đạo đức tốt luôn biết cách điều chỉnh cảm xúc, cư xử và hành động hợp tình hợp lý nhất.


Ngược lại, nếu nhận thức không đúng đắn, phẩm chất đạo đức kém thì chủ thể rất dễ bị ức chế, nóng nảy và giải quyết bằng bạo lực, gây hậu quả xấu cho bản thân và những người xung quanh. Do đó, hình thành nhân cách trong sáng cho học sinh là cách tốt nhất để đẩy lùi nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng và diễn biết hết sức phức tạp như hiện nay. Để làm được điều này cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.


Trước tiên, mỗi người lớn tuổi trong gia đình phải là một tấm gương sáng để con, cháu mình học tập. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh, những thói quen, tính cách của ông bà, bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của con em mình. Khi tư duy chưa phát triển, trẻ học hỏi chủ yếu thông qua sự bắt trước người lớn. Lớn lên, các em hình thành nhân cách thông qua nhiều con đường, từ những trò chơi thường ngày, đọc sách, báo. Do đó, các bậc phụ huynh không đươc lơ là khi lựa chọn cho con mình các loại đồ chơi, sách, báo…


Việc các bậc phụ huynh cho con mình đọc những cuốn truyện, những bộ phim có nội dung giáo dục về lòng nhân ái, sự bao dung, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghị lực vượt khó… hay tham gia các hoạt động xã hội bổ ích như: tình nguyện vì người nghèo, vệ sinh môi trường… sẽ giúp các em dần dần hình thành nên nhân cách đạo đức trong sáng và bản lĩnh vững vàng trước khó khăn, không hành động một cách thiếu cân nhắc.


Đạo Đức, Giáo Dục Công Dân phải là bộ môn chủ đạo 


Đạo Đức hay Giáo Dục Công Dân là những bộ môn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục nhân cách con người. Thông qua những kiến thức về quy phạm đạo đức, quy phạm pháp luật, những bài học ứng xử có văn hóa giữa người với người, các em học sinh sẽ rút ra được những bài học quý báu cho bản thân, vận dụng nó trong cuộc sống, hình thành thói quen và tạo nên nhân cách.


Tuy nhiên, trong các bộ môn giảng dạy trong nhà trường, Đạo Đức hoặc Giáo Dục Công Dân thường bị xem nhẹ. So với những bộ môn chủ đạo như Toán, Văn…, lượng thông tin của những cuốn sách này thường chỉ bằng 20%. Do đó, giáo viên bộ môn Đạo Đức hoặc Giáo Dục Công Dân chỉ phải dạy 45 phút/tuần. Bên cạnh đó, tình trạng chỉ học lý thuyết suông mà thiếu dẫn chứng, thiếu thực hành cũng là một nguyên nhân khiến học sinh không mặn mà với môn học này.


Đã đến lúc những người lãnh đạo ngành giáo dục cần nhìn nhận lại tầm quan trọng của môn học này. Phải đưa Đạo Đức, Giáo Dục Công Dân trở thành bộ môn chủ đạo, quan trọng không kém các môn học khác như Toán, Văn. Thậm chí, phải đưa Giáo Dục Công Dân vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THCS, THPT và đại học, cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp… để tạo ra ý thức trách nhiệm dạy và học cho cả giáo viên và học sinh.


Bên cạnh đó, các thầy cô cần quan tâm hơn nữa đến các em học sinh để phát hiện những tư tưởng lệch lạc, không lành mạnh. Qua đó kịp thời uốn nắn, điều chỉnh suy nghĩ của các em. Khi học sinh mắc sai lầm, nhà trường cần kết hợp chặt chẽ hai phương diện lý lẽ và tình cảm để vừa có tác dụng răn đe các thành viên khác, vừa giúp học sinh nhận ra sai lầm và sửa chữa.


Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (30/4- 6/5): Bạo lực học đường
 
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

  Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Hồng Hạnh