NGDN Nguyễn Thị Hiền: "Nếu không có thầy giỏi thì không thể có trò giỏi"

02/02/2022 07:02
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoại ngữ là chìa khóa để thành công và cạnh tranh trong môi trường giáo dục ngoài công lập thời đó, và nhà trường đã đi đầu trong việc dạy ngoại ngữ từ lớp một.

“Dù trải qua nhiều khó khăn, song với chiến lược phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội và cha mẹ học sinh, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội luôn chủ động đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; linh hoạt, chủ động trong điều hành và quản lý nhà trường. 25 năm xây dựng và phát triển nhà trường đã có vị thế trong xã hội, là lựa chọn của hàng nghìn cha mẹ học sinh, trở thành một điểm sáng trong ngành giáo dục của Hà Nội và cả nước.

Năm 1997, ngay từ khi thành lập trên cơ sở lớp Tiếng Pháp của trường Bán công chuyên ngoại ngữ, chúng tôi đã xác định: ngoại ngữ là chìa khóa để thành công và cạnh tranh trong môi trường giáo dục ngoài công lập thời đó, và nhà trường đã đi đầu trong việc dạy ngoại ngữ cho học sinh lớp 1”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị, một trong những người sáng lập Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) chia sẻ.

Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tiên phong trong dạy học ngoại ngữ cho học sinh từ lớp Một

Theo cô Hiền: “Những năm 1997 của thế kỷ trước, người Việt chúng ta có 2 điểm yếu khi ra nước ngoài làm việc, đó là ngoại ngữ và tin học. Đặc biệt, việc dạy ngoại ngữ từ lớp Một càng được ban lãnh đạo nhà trường quyết tâm hơn khi 27 học sinh của trường được vinh dự biểu diễn bài hát bằng tiếng Pháp trong Hội nghị Thượng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp.

Hình ảnh các đại biểu nhìn học sinh của trường biểu diễn bài hát “Un jour, je rêverai...- Một ngày, tôi sẽ mơ” khẳng định, để mở rộng hiểu biết và vươn ra thế giới thì ngoại ngữ phải trở thành một kỹ năng mềm của mỗi con người Việt Nam. Quá trình chúng tôi “đi trước” như vậy cũng gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là phản ứng của xã hội, của những nhà chuyên môn về việc dạy ngoại ngữ cho trẻ lớp Một khi chúng còn chưa thạo tiếng mẹ đẻ.

Nhưng với quyết tâm cao, những gì chúng tôi làm đã mang lại hiệu quả rất tốt. Học sinh của chúng tôi đến lớp 5 có thể tự tin nói tiếng Anh, tiếng Pháp với người nước ngoài và cũng vẫn đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi Toán, tiếng Việt trong nước. Vài năm sau đó mô hình của trường chúng tôi được lan tỏa, nhiều trường công lập và ngoài công lập đã đưa việc dạy ngoại ngữ vào bậc tiểu học”.

Chủ động, linh hoạt trong đào tạo đội ngũ

Cô Hiền cho biết: “Cơ sở vật chất chỉ là điều kiện cần nhưng không có vai trò quyết định chất lượng đào tạo học sinh, mấu chốt quyết định chất lượng đào tạo phải là con người. Khi mới thành lập, cơ sở vật chất còn nghèo nàn và khó khăn nhưng nhà trường đã ưu tiên tập trung vào vấn đề đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ. Chúng tôi chủ động tuyển dụng và đào tạo giáo viên.

Trong khi nhiều trường ngoài công lập khác tuyển giáo viên có nghề, có thâm niên vào thỉnh giảng thì nhà trường sẵn sàng nhận sinh viên giỏi mới tốt nghiệp từ trường đại học sư phạm về để đào tạo và phân lớp dạy. Quá trình đào tạo giáo viên qua trải nghiệm dạy học cùng với sự hỗ trợ chuyên môn của Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Phổ thông chuyên Ngoại ngữ và nhiều chuyên gia giáo dục đã giúp trường xây dựng được một đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt tình, yêu nghề, giỏi chuyên môn. Ban lãnh đạo và giáo viên cùng một mục đích xây dựng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trở thành một ngôi trường có vị thế trong giáo dục thủ đô.

Là một nhà quản lí, tôi hiểu rất rõ sản phẩm giáo dục là con người, và đối tượng tạo nên những sản phẩm đó cũng là con người. Với mong muốn các thế hệ học trò được nhà trường chúng tôi đào tạo phải là một thế hệ có chất lượng, có trình độ, sẵn sàng hòa nhập với quốc tế và cung cấp cho đất nước một nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi quan niệm nếu không có thầy giỏi thì không thể có trò giỏi.

Chính vì vậy tôi luôn ưu tiên đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ với các khóa học ở trong và ngoài nước, cũng như mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo. Tôi còn nhớ những năm mới xây trường, còn rất khó khăn về kinh tế, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng tổ chức các chuyến trải nghiệm thực tế tại nước ngoài cho giáo viên cốt cán.

Có lẽ nhờ những quyết sách chiến lược về dạy ngoại ngữ, đào tạo giáo viên và là trường đầu tiên có liên kết với nhiều trường bạn ở khắp các châu lục để trao đổi học sinh, đào tạo giáo viên, từ năm 2001 cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa du học hè ở nước ngoài cho học sinh tiểu học của nhà trường. Các con được giao lưu, học hỏi với các bạn học sinh Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, … Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội cũng đã trở thành trường thành viên trong hệ thống trường quốc tế Cambridge và là trường duy nhất dạy chương trình tiểu học quốc tế của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) tại Việt Nam”.

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm được vinh dự biểu diễn bài hát bằng Tiếng Pháp trong Hội nghị Thượng đỉnh các nước có sử dụng Tiếng Pháp. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm được vinh dự biểu diễn bài hát bằng Tiếng Pháp trong Hội nghị Thượng đỉnh các nước có sử dụng Tiếng Pháp. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Lễ ký kết hợp tác với Úc. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Lễ ký kết hợp tác với Úc. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cô Hiền tâm sự: “Tôi khá may mắn khi có được một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt thực sự tâm huyết, gắn bó với nhà trường từ khi thành lập. Tôi là một giáo viên dạy tiếng Nga, “rẽ ngang” sang làm công tác quản lí, không có chuyên môn Tiểu học. Chính vì vậy tôi luôn chú trọng đào tạo thường xuyên đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, nâng cao trình độ với các khóa học trong và ngoài nước.

Hiện nay trong nhà trường, hầu hết từ tổ trưởng chuyên môn trở lên đều có thể trao đổi, giao lưu tốt bằng tiếng Anh, còn với đội ngũ ban giám hiệu cũng đã được nâng lên trình độ thạc sĩ. Có thể nói sự quan tâm bồi dưỡng đội ngũ rất quan trọng, nó quyết định sự thành công, phát triển của nhà trường chúng tôi, và có thể sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều trường”.

Linh hoạt, quyết đoán để thích nghi và đáp ứng với tình hình mới

Cô Hiền chia sẻ: “Trong 2 năm vừa qua, Việt Nam và thế giới oằn mình chống dịch Covid-19. Giáo dục cả thế giới bước vào khủng hoảng, nhưng nhờ sự quyết đoán, linh hoạt của nhà trường mà mọi hoạt động không hề bị gián đoạn. Khi toàn bộ học sinh phải tạm ngừng đến trường vì dịch bệnh, ban giám hiệu cùng cán bộ giáo viên nhà trường phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, nhưng vừa đảm bảo được chương trình dạy cho học sinh. Nhà trường chưa dừng một buổi học nào của học sinh trong suốt thời gian dịch bệnh.

Những tháng học sinh được nghỉ hè, các thầy cô trong trường vẫn tham gia các khóa đào tạo công nghệ số bởi các chuyên gia nước ngoài, học tập, tìm hiểu các công cụ, phần mềm phục vụ cho việc dạy học trực tuyến, để thích nghi với tình hình mới. Dựa trên chương trình của Bộ, nhà trường đã xây dựng một giáo án riêng để dạy học linh hoạt trực tuyến, trực tiếp. Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã triển khai được việc dạy học trực tuyến cho học sinh toàn trường một cách hiệu quả, an toàn. Học sinh lớp Một của trường sau một thời gian học trực tuyến đã đọc được, viết được chữ như đi học trực tiếp tại trường”.

Cô Hiền nhấn mạnh: “Người làm công tác quản lí rất cần sự chủ động, phải có tính quyết đoán, linh hoạt trong từng thời kì, tạo điều kiện, tạo cơ hội và khuyến khích, chấp nhận sự đổi mới của đội ngũ. Cách đây vài năm thì không ai nghĩ đến việc dạy học trực tuyến. Nhưng hiện nay, đó là trách nhiệm của các nhà trường. Người lãnh đạo phải tìm mọi cách để làm tốt việc này, có như vậy chất lượng đào tạo mới đáp ứng được tình hình thực tế. Bài dạy năm trước không thể áp dụng cho năm sau, phải có đổi mới, nếu chỉ dập khuôn thì chất lượng đào tạo sẽ giậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thụt lùi”.

Tập thể ban giám hiệu và các thầy cô giáo trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tập thể ban giám hiệu và các thầy cô giáo trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Phụ huynh học sinh luôn đồng hành cùng nhà trường

Cô Hiền nói: “Một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của nhà trường là mối quan hệ với cha mẹ học sinh. Trong hơn 25 năm qua, cha mẹ học sinh đã trở thành một thành viên trong nhà trường chứ không đơn thuần chỉ là “khách hàng”. Cha mẹ học sinh luôn đồng hành, chia sẻ với các hoạt động của nhà trường, không chỉ học sinh được trải nghiệm học tập mà chính cha mẹ học sinh cũng được trực tiếp tham dự các hoạt động cùng con của mình.

Với quan điểm mọi hoạt động “không có người tham dự, chỉ có người tham gia”, chúng tôi tổ chức nhiều chương trình có các bậc cha mẹ học sinh cùng tham gia, đồng hành. Qua những hoạt động như vậy, cha mẹ học sinh có dịp để hiểu rõ việc học tập, cũng như mọi hoạt động trải nghiệm của con mình trong nhà trường. Hình ảnh các cuộc họp cha mẹ học sinh đầy ắp tiếng cười, những phiên tranh cử, những chương trình văn nghệ, hội chợ, dã ngoại cùng nhau… đã trở thành những hình ảnh thật đẹp trong ký ức của bất kỳ “cựu phụ huynh” nào của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

25 năm đối với một ngôi trường chưa phải là quá nhiều, nhưng đối với một ngôi trường ngoài công lập, lại ở bậc tiểu học mà thành công, có chỗ đứng trong xã hội là sự cố gắng vượt bậc của ban lãnh đạo nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo, của mỗi cán bộ nhân viên nhà trường”.

Tùng Dương