LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến sẽ giúp giải đáp thắc mắc của nhiều giáo viên lớn tuổi có mong muốn về hưu sớm.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thực tế, không ít giáo viên cận tuổi hưu, sức khỏe không còn như ý, có ý muốn được nghỉ hưu trước tuổi, thế nhưng không biết chế độ ra sao.
Thầy giáo Ph. tâm sự “Mình thấy sức cũng yếu lắm rồi, muốn dạy tốt nhưng “lực bất tòng tâm”; cũng thấy xấu hổ với học trò, với cả chính mình.
Muốn nghỉ, hỏi chế độ người nói này, người nói khác; có người khuyên ráng cày thêm chút, để lương hưu đủ sống; về trước thiệt thòi lắm”.
Do không biết rõ ràng, “giáo già” làm khổ mình, khổ học trò.
Khác với người lao động trong các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức còn có thể nghỉ hưu trước tuổi nếu không thuộc diện tinh giản biên chế.
Nghỉ hưu trước tuổi, giáo viên được tính chế độ như thế nào? (Ảnh minh hoạ: Vietnamnet.vn) |
Trường hợp giáo viên không thuộc diện tinh giản biên chế
Nếu công chức không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu được tính như sau:
- Được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội (nghỉ hưu từ năm 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm và từ 2022 trở đi là 20 năm); sau đó cứ mỗi năm được tính thêm 2%.
- Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm đi 2%.
Ví dụ: Năm 2030, ông A 55 tuổi và nghỉ hưu trước tuổi. Giả sử ông A đã có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mức lương hưu hàng tháng của ông A được tính là:
+ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội = 45%; 15 năm còn lại x 2% = 30%. Tổng là 75% mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.
+ Tuy nhiên, ông A nghỉ hưu trước tuổi 5 năm, nên bị giảm đi 10%. Như vậy, mức lương hưu của ông A là 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Giáo già thường hay bệnh tật, còn đi dạy, khám chữa bệnh bảo hiểm ý tế phải đóng phụ thu 20%; nếu nghỉ hưu, chỉ đóng 5%; tỷ lệ đó cũng một phần quan trọng mà “giáo già” nên tính đến trong nghỉ hưu trước tuổi.
Nếu công chức thuộc diện tinh giản biến chế
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi với công chức thuộc diện tinh giản biên chế được quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
* Trường hợp 1:
Áp dụng với công chức nam đủ 50 tuổi - đủ 53 tuổi, nữ đủ 45 tuổi - đủ 48 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội) đủ 20 năm trở lên, trong đó có 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên:
- Hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi
- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tuổi tối thiểu tại điểm b, khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội (nam từ đủ 55 - 60 tuổi; nữ từ đủ 50 - 55 tuổi).
- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội; từ năm tứ 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên làm gì khỏi ngã gục trên bục giảng? |
* Trường hợp 2:
Áp dụng với công chức nam từ đủ 55 tuổi - đủ 58 tuổi; nữ từ đủ 50 - đủ 53 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
- Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi
- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội; từ năm tứ 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tuổi tối thiểu tại điểm a, khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội (nam từ đủ 60 tuổi; nữ từ đủ 55 tuổi).
* Trường hợp 3:
Áp dụng với công chức nam trên 53 tuổi - dưới 55 tuổi; nữ trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên; trong đó có 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
- Hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi
* Trường hợp 4:
Áp dụng đối với công chức nam trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi; nữ trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi; đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
- Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Khi nghỉ hưu trước tuổi, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng chế độ hưu trí như quy định nêu trên của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nếu thuộc trường hợp tinh giản biên chế mà phải nghỉ hưu trước tuổi, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng thêm nhiều chế độ hơn.
Giáo già, hay bệnh tật, nghỉ nhiều, nếu đánh giá khách quan, trung thực, khó mà xếp hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, giáo già hiện nay khó mà đáp ứng các “tiêu chí” bằng cấp, chứng chỉ; hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt “chuẩn”; thuộc đối tượng tinh giản biên chế.
Vì thế, cách đánh giá cuối năm khoa học, khách quan; “chuẩn giáo viên” … nhiều khi đang giúp đỡ chính “giáo viên già” chúng ta.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Luat-Bao-hiem-xa-hoi-2014-259700.aspx
http://vbpl.vn/bonoivu/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?dvid=320&ItemID=37919
https://luatvietnam.vn/can-bo/nghi-dinh-113-2018-nd-cp-sua-doi-nghi-dinh-108-2014-nd-cp-ve-chinh-sach-tinh-gian-bien-che-166675-d1.html
https://luatminhgia.com.vn/tu-van-phap-luat-bhxh/doi-tuong-xet-tinh-gian-bien-che.aspx
https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/chinh-sach-tinh-gian-bien-che-2019-nhung-dieu-can-biet-230-17771-article.html