Nghĩ về những cái tát học sinh nhân danh giáo dục

31/12/2023 06:46
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên tát học sinh là vi phạm pháp luật, là ứng xử phản sư phạm, có thể để lại hậu quả khôn lường cho cả thầy và trò.

Vừa qua, truyền thông dẫn báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết, ngày 19/12/2023 cô Đ.T.D.T, giáo viên môn khoa học tự nhiên của Trường Trung học cơ sở Mỹ An gọi nữ sinh T.T.B.T, học sinh lớp 6/2 lên trả bài.

Dù đã được cô Đ.T.D.T dặn dò ôn vào tiết 4 trước đó, nhưng em T. không thuộc bài. Lúc này, do quá giận vì đã nhắc T. ôn bài nhưng em T. vẫn không nghe và thường xuyên tái phạm, không chú ý trong giờ học, nên cô Đ.T.D.T dùng tay đánh 1 cái vào má của nữ sinh T. Sau đó, phụ huynh của em học sinh này đã lên trường đánh lại cô giáo. [1]

Trước đó, vào cuối tháng 9/2023, hiệu phó Trường Trung học phổ thông Đào Sơn Tây, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đã tát một nam sinh ù tai vì em này hút thuốc lá. [2]

Những câu chuyện học sinh bị giáo viên tát đã xảy ra rất nhiều vụ từ trước đến nay, được dư luận xã hội quan tâm và tương lai cũng khó chấm dứt.

Ảnh minh hoạ: infonet.vietnamnet.vn.

Ảnh minh hoạ: infonet.vietnamnet.vn.

Dù hiện đã là giáo viên và có thời gian đứng lớp cũng khoảng 20 năm nhưng đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện cô giáo dạy môn Địa lí tát học sinh chúng tôi vào năm lớp 6. Mỗi khi có học sinh không thuộc bài là cô liền tát bôm bốp ngay trên lớp khiến các bạn hoa mắt, tối mặt, vừa đau đớn, vừa tức giận cô, vừa xấu hổ với bạn bè.

Có lần cô gọi kiểm tra bài cũ tôi và một bạn nam, tôi thuộc bài còn bạn ấy thì không. Cô bắt tôi tát bạn ấy và không còn cách nào khác tôi phải miễn cưỡng tát nhẹ bạn một cái. Sau này, chúng tôi họp lớp, những cái tát năm nào vẫn còn hiện về với nỗi đau âm ỉ.

Đến khi tôi làm giáo viên, một phụ huynh cũng là bác sĩ đã từng căn dặn tôi rằng, không được tát học sinh với bất cứ lí do gì.

Tôi nhớ rất kĩ lời của vị phụ huynh – bác sĩ, đánh vào đầu có thể bị tổn thương nặng nề như chấn động não, nứt sọ, dập não, chảy máu, tụ máu não, thủng màng nhĩ... Trường hợp nguy hiểm hơn có thể dẫn tới chấn thương sọ não và dẫn tới tử vong.

Vừa qua đọc báo tôi cũng được biết, có một bị cáo ở Thành phố Hà Nội bị toàn án nhân dân tuyên phạt 7 năm tù vì tội tát người khác vào má dẫn đến người bị tát tử vong. Kết quả khám nghiệm pháp y cho biết, người bị tát khiến vùng đầu chuyển động có gia tốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não và chết. [3]

Trong quá trình dạy học tôi đã từng chứng kiến không ít đồng nghiệp tát học sinh vì nhiều lí do khác nhau. Có thầy cô nói rằng, việc tát học sinh là để dạy dỗ các em nên người, là sự yêu thương chứ không phải trừng phạt.

Tuy vậy, bằng kinh nghiệm của bản thân, tôi hoàn toàn phản đối những cái tát học sinh nhân danh giáo dục.

Giáo viên tức giận và tát học sinh mà không nghĩ về hành vi của bản thân. Một số thầy cô giáo ít kinh nghiệm, non nghiệp vụ chỉ biết đánh học sinh mà không có lời giải thích về lỗi sai hay vì sao các em bị kỷ luật.

Thầy cô chúng ta cần biết rằng, không phải lúc nào học sinh cũng nhận thức được việc các em làm là sai, nhất là bậc tiểu học, trung học cơ sở, cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Đó cũng là lí do nhiều học sinh vẫn thường không nghe lời thầy cô sau khi các em bị phạt.

Đối với học sinh trung học phổ thông, các em nhận thức rõ việc làm của bản thân sai ở đâu nhưng vẫn không phục cách xử lí nóng nảy, cộc cằn của thầy cô giáo vì cảm nhận được bản thân mình bị thiếu tôn trọng, bị coi thường. Thậm chí, có em sau đó vẫn vi phạm kỉ luật và chống đối giáo viên ra mặt.

Cùng với đó, học sinh ở các lớp nhỏ thường rất sợ hãi, hoang mang khi bị thầy cô giáo tát trước khi hiểu tại sao hành động của mình là sai.

Vậy nên, sau đó học sinh có thể nghe lời giáo viên và học tập, làm việc một cách chiếu lệ vì sợ bị đánh chứ không phải vì các em hiểu được điều hay lẽ phải phải làm.

Nghiên cứu Hình phạt thể chất và phản ứng với trẻ (Physical punishment and child outcomes) của Tiến sĩ Anja Heilmann, Tiến sĩ T. Gershoff và Giáo sư Elizabeth đã phát hiện ra rằng, hình phạt thể chất như đánh đập không hiệu quả và không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Nghiên cứu cũng đã phân tích một loạt các tài liệu được công bố trước đó về hình phạt thể chất và cho thấy trên thực tế, loại hình phạt này làm cho hành vi của các em trở nên tồi tệ hơn. [4]

Ngoài ra, về hành lang pháp lí, giáo viên tát học sinh là có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, là ứng xử phản giáo dục. Điều này đã có quy định sẵn trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Chẳng hạn, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông (trích):

“Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh”. “Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh…”.

Về phía học sinh, các em có quyền được bảo vệ thân thể trong bất cứ trường hợp nào, giáo viên nhất thiết phải nhận thức đúng về điều này.

Dùng các phương pháp giáo dục nghiêm khắc để uốn nắn học sinh, đặc biệt là những học sinh hư, lỳ lợm, khó bảo là rất cần thiết. Thế nhưng, dùng bạo lực để xâm phạm thân thể, nhân phẩm của các em là một chuyện khác, không thể chấp nhận được.

Phải thừa nhận rằng, thời nào cũng có nhiều học sinh chây lười trong việc học, thậm chí hư hỗn với giáo viên. Còn giáo viên, do nóng giận, thiếu kiên nhẫn, nhất là thiếu kỹ năng xử lý tình huống sư phạm nên đã gây ra những sự việc đáng tiếc.

Để góp phần giảm thiểu và đi đến chấm dứt tình trạng thầy bạo hành trò (và ngược lại), cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường và gia đình. Trong đó, lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn và các tổ chức đoàn thể ở trường cần đồng hành với giáo viên trong việc giáo dục học sinh.

Cùng với đó, giáo viên cũng cần được các chuyên gia hỗ trợ về tâm lí, kĩ năng kiềm chế cảm xúc, đặc biệt là nâng cao kĩ năng ứng xử các tình huống sư phạm. Thầy cô giáo cần có lối sống và đạo đức chuẩn mực để làm tấm gương cho học sinh noi theo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/bat-tai-hoc-sinh-khong-thuoc-bai-nu-giao-vien-bi-phu-huynh-danh-giua-truong-185231223160649508.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/pho-hieu-truong-thpt-dao-son-tay-tat-hoc-sinh-lop-12-vi-hut-thuoc-la-dien-tu-post238150.gd

[3] https://plo.vn/lanh-7-nam-tu-vi-tat-1-cai-khien-nan-nhan-tu-vong-post731934.html

[4] https://tamlyvietphap.vn/hon-nhan-gia-dinh/cha-me-tat-va-con-khoa-hoc-noi-gi-ve-hanh-vi-nay-2461-62362-article.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên