Nghịch lý lao động trình độ cao xuất khẩu khi tổng tỷ lệ đào tạo trong nước thấp

24/09/2022 06:50
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu kinh tế không phát triển theo hướng công nghệ kỹ thuật cao thì không tạo được nhu cầu lao động trình độ cao.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%. Tỷ lệ này vào quý IV năm 2021 là 26,1%, vào quý II năm 2022 là 26,2%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với cơ cấu nhân lực như hiện nay, chúng ta còn nhiều khó khăn để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chính sách FDI và chính sách giáo dục chưa tạo được lực lượng lao động trình độ cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu lao động hợp lý là vấn đề cần phải quan tâm hiện nay.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo (trong đó tỷ lệ lao động trình độ đại học) còn thấp cho thấy chúng ta chưa có một sự gắn kết chặt chẽ giữa chính sách kinh tế với hoạt động đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, tỷ lệ nhập học đại học chi phối bởi quy luật cung và cầu của lao động trình độ cao. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, tỷ lệ nhập học đại học chi phối bởi quy luật cung và cầu của lao động trình độ cao. (Ảnh: NVCC)

Tỷ lệ lao động qua đào tạo chi phối bởi quy luật cung và cầu của lao động trình độ cao cho nên cần phải có các giải pháp từ chính sách kinh tế, phát triển thị trường lao động đến hoạt động đào tạo để sớm đạt mục tiêu này.

Về mặt kinh tế, chúng ta chưa phát triển đủ mạnh những ngành công nghiệp và dịch vụ cần nhân lực trình độ cao đẳng và đại học. Trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất và chế biến, các công ty hầu hết đều sử dụng lao động trình độ thấp với thao tác đơn giản.

Chúng ta có chính sách phát triển kinh tế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phần lớn giai đoạn đầu chỉ nhận được đầu tư ở những ngành nghề, những lĩnh vực có yêu cầu lao động giản đơn. Cụ thể như lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến thực phẩm… ngay cả lĩnh vực kỹ thuật cũng chỉ là công việc của công nhân lắp ráp, không có nhu cầu lao động trình độ cao.

“Chính thị trường nhân lực trình độ thấp thu hút lao động sau bậc trung học, người ta thấy không cần học cao đẳng, không cần học đại học cũng có thể đi làm kiếm tiền nên không có nhu cầu học cao hơn nữa, nhất là đối với người nghèo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

Chính sách kinh tế, thị trường lao động và đào tạo nhân lực tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Kinh tế không phát triển theo hướng công nghệ kỹ thuật cao nên không tạo được nhu cầu lao động trình độ cao.

Mặt khác, hoạt động giáo dục và đào tạo của chúng ta cũng chưa tạo được nguồn nhân lực lao động trình độ cao để cạnh tranh với các nước, thu hút đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao.

Có một giai đoạn, chúng ta mở rộng quy mô đại học nhanh nhưng chất lượng lại khó kiểm soát, đào tạo trình độ học đại học mà người học tốt nghiệp nhưng không đủ năng lực, đi làm thu nhập thấp nên nhiều người không chọn theo học đại học. Đó cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó có tỷ lệ lao động trình độ đại học của Việt Nam còn thấp.

Hơn nữa, đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học chưa tương xứng, học phí ngày càng tăng cao, nhiều học sinh nghèo không có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học thì tỷ lệ này sẽ khó cải thiện.

"Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy: Chỉ có 7,3% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất được tiếp cận giáo dục đại học, so với tỷ lệ 49,8% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất.

Đào tạo trình độ cao đẳng và dưới cao đẳng ở khu vực thành thị cao hơn gần 2 lần ở khu vực nông thôn; đào tạo trình độ đại học và trên đại học ở thành thị cao hơn gần 4 lần ở khu vực nông thôn.

Đó là lý do cần có chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo vay để học đại học", thầy Tống khẳng định.

Tuyển sinh đại học: siết đầu vào nhưng chưa bảo đảm chất lượng đầu ra

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề, sự xuất hiện của các công ty nước ngoài cũng giúp giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân nhưng có sử dụng công nhân trình độ cao không?

Chính sách FDI với những ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng thực tế các nhà sản xuất cũng lựa chọn Việt Nam vì chúng ta có nhiều lao động trình độ thấp mà họ cần.

Và ngay trong nước cũng thiếu chính sách khuyến khích tư nhân mở những ngành sản xuất cạnh tranh chất lượng, sử dụng lao động trình độ cao.

Một số người được đào tạo đạt trình độ cao cũng lựa chọn ra nước ngoài làm việc.

Vì vậy cần có chính sách ưu đãi cho những ngành sản xuất ứng dụng công nghệ cao, một khi đất nước có nhu cầu lao động trình độ cao với mức lương cao thì các cơ sở đào tạo cũng phát triển để đáp ứng.

Những năm gần đây chúng ta nhận được đầu tư FDI về công nghiệp điện tử của các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Canon, Foxconn… sử dụng lao động kỹ thuật cao. Nhu cầu lao động trình độ cao của các tập đoàn này cũng tác động đến các cơ sở đào tạo bậc cao đẳng và đại học Việt Nam.

Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 cho thấy chỉ có 23,6% người lao động đã qua đào tạo mà 10,9% có trình độ đại học trở lên, 3,7% trình độ cao đẳng, 4,3% trình độ trung cấp và 4,7% trình độ sơ cấp.

Như thế trên 75% người lao động không qua đào tạo trước. Do đó cần nắm rõ nhu cầu về cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn nguồn nhân lực và có các giải pháp, có kế hoạch đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế. Người làm chính sách giáo dục cũng phải nghiên cứu kỹ, tiên đoán trước và có giải pháp để không xảy ra khủng hoảng về nguồn nhân lực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng, bên cạnh việc mở rộng quy mô giáo dục đại học cần chú trọng đến chất lượng đào tạo và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.

Một vấn đề nổi cộm của giáo dục đại học hiện nay là tuyển sinh siết đầu vào nhưng chưa bảo đảm chất lượng đầu ra.

Có trường đại học hiện nay lấy học phí làm nguồn thu chính, tăng học phí, tuyển sinh nhiều lên nhưng lại chưa đảm bảo được chất lượng, chưa đảm bảo về chuẩn đầu ra.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học cũng chưa được quan tâm, ngân sách chủ yếu dành cho hệ thống viện nghiên cứu ở ngoài hệ thống trường đại học. Đó cũng là nhược điểm về tổ chức quản lý của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về sự tách rời giữa các trường đại học với viện nghiên cứu khoa học.

Sự tách rời này làm cho những người làm khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên đại học cũng bị hạn chế trong việc tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít được tiếp cận những tri thức từ những nhà khoa học giỏi.

“Thêm một vấn đề cần phải quan tâm là đào tạo sau đại học của chúng ta cũng chưa chất lượng. Chúng ta chưa có cơ chế chính sách để cấp học bổng, để trả lương cho nghiên cứu sinh khi học tiến sĩ và nghiên cứu khoa học.

Vì vậy mà hiện nay đang xảy ra tình trạng xuất khẩu lao động trình độ cao của số người học tốt nghiệp đại học loại giỏi, họ được học bổng của đại học nước ngoài để làm nghiên cứu sinh, vừa có lương, vừa có bằng, vừa có điều kiện thuận tiện để làm việc sau này ở nước ngoài.

Cần có chính sách và cơ chế hợp tác về nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa đại học và doanh nghiệp với kinh phí đóng góp của nhà nước và của doanh nghiệp để sớm giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên, nhằm thúc đẩy giáo dục đại học thực sự phát triển, tăng cả số lượng và chất lượng cho nguồn nhân lực lao động”, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống khẳng định.

Phạm Minh