Ngoài đặt hàng, CĐSP kiến nghị được cấp thêm chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội

03/06/2023 06:34
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được áp dụng từ năm 2021, tuy nhiên ghi nhận thực tế qua 3 năm triển khai, sự “vào cuộc” của các địa phương vẫn còn rất “mờ nhạt”

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc các địa phương, bộ ngành chỉ tổ chức tuyển sinh đào tạo sau khi uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc bộ ngành giao nhiệm vụ, có kế hoạch cấp kinh phí theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc giao chỉ tiêu ít, hoặc không được giao chỉ tiêu đào tạo gây khó khăn rất lớn cho các cơ sở đào tạo, nhất là các trường cao đẳng sư phạm chỉ đào tạo duy nhất ngành giáo dục mầm non (trình độ cao đẳng).

Kiến nghị Bộ Giáo dục linh hoạt trong việc giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm giảm mạnh, trong đó, nhiều cơ sở phải dừng tuyển sinh do không có đơn đặt hàng từ địa phương. Ảnh minh họa: nguồn Báo Chính phủ

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm giảm mạnh, trong đó, nhiều cơ sở phải dừng tuyển sinh do không có đơn đặt hàng từ địa phương. Ảnh minh họa: nguồn Báo Chính phủ

Mới đây, một số trường cao đẳng sư phạm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo dự kiến các ngành đào tạo giáo viên năm 2023. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phùng Quý Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết, căn cứ dựa trên năng lực đào tạo của đơn vị, nhà trường đã đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo 80 chỉ tiêu.

Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, sau khi đã cân đối nguồn ngân sách của địa phương, đơn vị đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 40 chỉ tiêu cho Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Kết quả, trong thông báo chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đúng 40 chỉ tiêu theo đề xuất của tỉnh.

40 sinh viên khi trúng tuyển và theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp tiền hỗ trợ đóng học phí, đồng thời hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Tuy nhiên, theo thầy Sơn, không phải 100% sinh viên trúng tuyển đều đăng ký nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 116, vì không muốn bị ràng buộc bởi các cam kết về bồi hoàn kinh phí hay lĩnh vực công tác sau khi tốt nghiệp. Do vậy, nhà trường đang làm văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị được cấp thêm chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non theo nhu cầu xã hội, bên cạnh những chỉ tiêu do tỉnh đặt hàng.

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, hiện nhà trường có khoảng hơn 80 sinh viên (của 2 khóa) không nhận hỗ trợ theo Nghị định 116.

“Nhà trường đang xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho đơn vị để được tuyển sinh đào tạo các đối tượng người học theo nhu cầu. Vì thực tế qua một số năm gần đây cho thấy, nhiều em không đăng ký nhận hỗ trợ theo Nghị định 116. Dựa vào năng lực đào tạo của nhà trường, đơn vị đang xin được đào tạo khoảng 80 - 100 chỉ tiêu (bao gồm cả 40 chỉ tiêu do tỉnh đặt hàng) cho năm học 2023-2024”.

Trước đó, có tới 16 cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên không được giao chỉ tiêu đào tạo các ngành giáo viên. Một trong những lý do được nêu ra trong thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “địa phương không có nhu cầu”.

Theo thầy Sơn, Nghị định 116 về đào tạo giáo viên xây dựng căn cứ trên nhu cầu và năng lực của mỗi địa phương. Do vậy, sẽ có tỉnh đặt hàng nhiều, tỉnh đặt hàng ít hoặc có nơi không triển khai (như một số địa phương mà Bộ Giáo dục đã thông báo).

Do vậy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo linh hoạt trong việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các đơn vị, xem xét thêm nhu cầu học của các thí sinh không nhận hỗ trợ Nghị định 116, nhất là ở các địa phương có đông khu dân cư, khu công nghiệp,...

Nhiều "điểm nghẽn" của Nghị định 116 cần sớm được giải quyết

Là 1 trong 2 trường cao đẳng sư phạm được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên nhiều nhất, năm nay Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên được giao 150 chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non (trình độ cao đẳng).

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

“Điện Biên là tỉnh còn nhiều khó khăn, do vậy để cân đối kinh phí đào tạo cho 1 sinh viên (khoảng 100 triệu đồng/sinh viên/khóa học) là không đơn giản. Đề xuất chỉ tiêu 150 là một sự nỗ lực rất lớn của tỉnh”.

Theo cô Mai, ngoài kinh phí, chỉ tiêu đề xuất của các tỉnh còn liên quan tới điều kiện từng nơi. Ví dụ với vùng thuận lợi, điều kiện đi lại, dịch vụ,... phát triển thì nguồn tuyển sinh các nơi về sẽ nhiều hơn, vậy nên các tỉnh sẽ có đa dạng hơn nguồn tuyển giáo viên. Trong khi đó, với những tỉnh miền núi, vùng khó khăn, việc tuyển dụng giáo viên từ các vùng khác là rất khó.

Bên cạnh đó, những bất cập của Nghị định 116, nhất là vấn đề thiếu nhất quán giữa việc đặt hàng với tuyển dụng là lý do khiến nhiều địa phương dè dặt trong đặt hàng đào tạo. Cô Mai phân tích:

Tỉnh bỏ kinh phí đào tạo nhưng sinh viên học xong lại tới nơi khác làm việc, trong khi đó tỉnh lại không “giữ chân” được sinh viên vì theo luật, các em được tuyển dụng ở bất cứ đâu.

Hay vấn đề về tuyển dụng, tỉnh cũng không thể làm chủ. Sinh viên đào tạo theo Nghị định 116 vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục (theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Do vậy khi thi tuyển, có thể các em không trúng tuyển. Như vậy sẽ liên quan tới nhiều vấn đề khác như bồi hoàn kinh phí,... Trong khi đó, các thủ tục theo dõi, đôn đốc và thu hồi tiền bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt vẫn còn chưa rõ ràng.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021. Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu nhưng ghi nhận thực tế qua 3 năm triển khai, sự “vào cuộc” của các địa phương vẫn còn rất “mờ nhạt”.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021 còn 40/63 địa phương chưa triển khai việc giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên.

Năm 2023, theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương “không có nhu cầu” đào tạo giáo viên mầm non ở các trường trên địa bàn gồm Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam.

Bắc Sơn