Người dân trong dự án Trường THCN và dạy nghề Tây Mỗ: Đi không được ở chẳng xong

10/11/2022 06:36
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sống ở đây từ năm 1972, nhưng vì nằm trên đất quy hoạch dự án nên nhiều hộ dân Khu dân cư cơ khí số 5 vẫn đang ở trong nhà tạm bợ, xuống cấp.

Bài trước: Gần 20 năm, Dự án Cụm trường THCN và dạy nghề Tây Mỗ vẫn "nằm" trên giấy

Nhắc đến những ảnh hưởng của việc Dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ, tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bị "treo" quá lâu, người dân sống trong khu quy hoạch chỉ biết lắc đầu vì họ đã quá chán nản.

Có những người từng sống ở đây hơn 50 năm nhưng đến hiện tại, họ vẫn đang thấp thỏm vì phải sống trong cảnh tạm bợ, lo chết không có chỗ thờ phụng.

Phần đất dự án Cụm trường THCN và dạy nghề Tây Mỗ đã thay đổi ra sao?

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của quận Nam Từ Liêm cho thấy, phần đất dành cho giáo dục được cấp trên phân bổ (mã HT/DGD) cho việc "san nền sơ bộ khu Cụm trường Trung học chuyên nghiệp" Tây Mỗ được bố trí tại vị trí xác định khá giống so với theo quy hoạch ban đầu. Diện tích đất của dự án thời điểm này được thể hiện là 68,9 ha.

Tuy nhiên, trong bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của quận Nam Từ Liêm, diện tích đất dành cho dự án này đã có sự thay đổi.

Một phần Dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ đã bị "treo" gần 20 năm nay. Ảnh: Trung Dũng

Một phần Dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ đã bị "treo" gần 20 năm nay. Ảnh: Trung Dũng

Cụ thể, thể hiện tại bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của quận Nam Từ Liêm, phần đất dành cho giáo dục nói trên đã bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, trong phần đất được quy hoạch cho dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ trước đó, hiện tại có đánh dấu đất giáo dục (mã DGD) dành cho Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Á Châu và Trường cao đẳng Công nghệ cao.

Theo khảo sát của phóng viên trong ngày 13/9/2022, tại các vị trí đánh dấu, có Trường cao đẳng Công nghệ cao đã xây dựng và đi vào hoạt động, riêng phần đất đánh dấu của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Á Châu hiện trạng vẫn là một hồ nước lớn.

Tìm hiểu về sự thay đổi diện tích đất dành cho Dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ nói trên, phóng viên tiếp cận được với nội dung trả lời của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội liên quan đến những bức xúc của người dân sống trong đất dự án và lân cận vào ngày 7/12/2018.

Theo đó, nội dung trả lời trên cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội nêu: "Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 19/3/2008 phê duyệt Dự án giải phóng mặt bằng và san nền sơ bộ Khu Cụm các trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thành phố do Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố làm chủ đầu tư.

Trong bản đồ kế hoạch sử dụng đất quận Nam Từ Liêm năm 2017 vẫn còn phần đất ký hiệu dùng cho giáo dục và có tên dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp dạy nghề Tây Mỗ (trong ô khoanh màu vàng. Ảnh: Trung Dũng

Trong bản đồ kế hoạch sử dụng đất quận Nam Từ Liêm năm 2017 vẫn còn phần đất ký hiệu dùng cho giáo dục và có tên dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp dạy nghề Tây Mỗ (trong ô khoanh màu vàng. Ảnh: Trung Dũng

Trong bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của quận Nam Từ Liêm, đối chiếu tại vị trí trước đó trong bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2017 (ô khoanh màu vàng), hiện không thấy có tên Dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ. Ảnh: Trung Dũng

Trong bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của quận Nam Từ Liêm, đối chiếu tại vị trí trước đó trong bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2017 (ô khoanh màu vàng), hiện không thấy có tên Dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ. Ảnh: Trung Dũng

Nguồn vốn thực hiện ứng từ vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội; Quyết định số 6240/QĐ-UBND ngày 30/11/2008 thu hồi 691.955 m2 đất tại xã Tây Mỗ, xã Xuân Phương huyện Từ Liêm, Hà Nội; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố để thực hiện dự án.

Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm (trước đây) đã phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 02 đợt đối với đất nông nghiệp tại xã Tây Mỗ và di chuyển mộ trên địa bàn xã Xuân Phương. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và di chuyển mộ đã thực hiện là 39.465 triệu đồng (do Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội thực hiện công tác giải phóng mặt bằng).

Trong phạm vi thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận địa điểm cho 05 dự án với tổng diện tích khoảng 22,66 ha (Trường công nhân kỹ thuật cao 4,18 ha; Trung tâm đào tạo lái xe của Học viện cảnh sát 2,2 ha; Trung tâm đào tạo cán bộ ngành tài chính 6,5 ha; Trường đại học mỹ thuật công nghiệp Á Châu 4,78 ha; Học viện dân tộc của Ủy ban dân tộc 5,0 ha).

Hiện nay Dự án Trường công nhân kỹ thuật cao và Trung tâm đào tạo lái xe của Học viện cảnh sát đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Á Châu đã được Ủy ban nhân dân Thành phố cho thuê 18.889m2 đất để thực hiện Dự án Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Á Châu tại Quyết định số 6241/QĐ-UBND ngày 6/9/2017. Diện tích còn lại khoảng 37,59 ha chưa giao chủ đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 4758/KH&ĐT-PPP ngày 06/8/2018 kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét dừng thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng và san nền sơ bộ Khu Cụm các trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 19/3/2008.

Dù sinh sống gần 50 năm tại khu đất nhưng vì vướng vào quy hoạch dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ, gia đình ông Năm không được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thay vào đó họ chỉ được cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai. Ảnh: T.D

Dù sinh sống gần 50 năm tại khu đất nhưng vì vướng vào quy hoạch dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ, gia đình ông Năm không được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thay vào đó họ chỉ được cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai. Ảnh: T.D

Văn bản đề nghị giải quyết nhu cầu nhà ở của các hộ dân trong Khu dân cư cơ khí số 5 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong năm 2017. Đến nay sự việc vẫn chưa có biến chuyển. Ảnh: T.D

Văn bản đề nghị giải quyết nhu cầu nhà ở của các hộ dân trong Khu dân cư cơ khí số 5 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong năm 2017. Đến nay sự việc vẫn chưa có biến chuyển. Ảnh: T.D

Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét thu hồi văn bản chấp thuận địa điểm đối với các Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ ngành tài chính và Học viện dân tộc của Ủy ban dân tộc.

Giao Sở Tài chính hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm thực hiện các thủ tục thanh quyết toán theo quy định; Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm có trách nhiệm quản lý chồng lấn chiếm đối với diện tích đã thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa giao chủ đầu tư trong Khu Cụm các trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề cho đến khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố" [1].

Người dân sống trong đất dự án "đi không được, ở chẳng xong"

Trả lời của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội từ năm 2018 nhắc đến việc: "Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 4758/KH&ĐT-PPP ngày 06/8/2018 kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét dừng thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng và san nền sơ bộ Khu Cụm các trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề".

Việc trèo lên mái nhà để sửa lại các vị trí hư hỏng, dột nát của mái tôn là cảnh tượng thường thấy ở trong Khu đất vướng vào quy hoạch dự án. Ảnh: Trung Dũng

Việc trèo lên mái nhà để sửa lại các vị trí hư hỏng, dột nát của mái tôn là cảnh tượng thường thấy ở trong Khu đất vướng vào quy hoạch dự án. Ảnh: Trung Dũng

Tuy nhiên, thời điểm phóng viên tiếp cận, tất cả các hộ dân sinh sống tại trong đất dự án và khu lân cận khẳng định rằng, đến giờ họ vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo hoặc văn bản nào liên quan đến việc tiếp tục triển khai hoặc hủy bỏ Dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, các hộ dân ở đây cũng cho biết, phương án an cư với gần trăm hộ dân sống tại đây sắp tới như thế nào vẫn chưa được chính quyền sở tại đề cập đến. Có những hộ dân sống tại đây gần 50 năm nhưng khi được nhắc đến chuyện ổn định chỗ ở, họ cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Hiện tại, nhiều người trẻ không đủ kiên nhẫn đã tìm đến nơi khác ổn định và có cơ hội phát triển hơn. Còn những người lớn tuổi thì đành chấp nhận chui ra chui vào trong những căn nhà xập xệ vì "lực bất tòng tâm".

Những vách nhà tạm bợ. Ảnh: Trung Dũng

Những vách nhà tạm bợ. Ảnh: Trung Dũng

Thời điểm ghi nhận thực tế cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án "treo" nói trên tại Khu dân cư cơ khí số 5, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm trong ngày 13/9, phóng viên không khó để bắt gặp cảnh người dân phải tự trèo lên mái nhà để sửa lại mái tôn đã mục nát. Hoặc bắt gặp các cụ già kiếm từng tấm bạt cũ che lỗ thủng tường để tránh mưa dột.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Năm cho biết: "Chúng tôi gồm 38 hộ dân, vốn là các cán bộ của Nhà máy cơ khí xây dựng số 5 (nay là Công ty cơ khí xây dựng số 5) đã đến sinh sống tại đây từ những năm 1972.

Trước đây, Nhà máy cơ khí xây dựng số 5 đã cho thuê hoặc giao đất cho từng hộ dân với mục đích để chúng tôi được sinh sống và ổn định lâu dài. Tuy nhiên, từ thời điểm quy hoạch Dự án Trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ đến nay, chúng tôi lại phải sống cảnh tạm bợ trên chính mảnh đất mình được Nhà máy phân cho.

Những hộ dân ở đây cho biết, họ ở trong chính căn nhà trước đây được Nhà máy cơ khí xây dựng số 5 (nay là Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 5) phân cho nhưng hiện tại không thể xây mới hoặc cơi nới. Ảnh: Trung Dũng

Những hộ dân ở đây cho biết, họ ở trong chính căn nhà trước đây được Nhà máy cơ khí xây dựng số 5 (nay là Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 5) phân cho nhưng hiện tại không thể xây mới hoặc cơi nới. Ảnh: Trung Dũng

Vì vướng quy hoạch nên toàn bộ người dân sống trong khu đất này đều không được cấp quyền sử dụng đất, không được xây dựng nhà kiên cố, chỉ được phép sửa chữa chứ không cơi nới, xây thêm tầng. Nhà nào xây lên thì sẽ bị chính quyền đến cưỡng chế, tháo dỡ ngay.

Những người trẻ thì bỏ đi tìm nơi khác yên ổn hơn, còn những người già như chúng tôi thì đành chấp nhận ở lại trong khu nhà xập xệ như thế này. Ở đây có những trường hợp định cư từ những năm 1954 đến giờ, thế nhưng đến lúc già yếu thì vẫn phải ở nhờ. Đến lúc chết, con cháu cũng phải nhờ nhà để làm chỗ thắp hương.

Sống trên mảnh đất mà không có cái quyền gì cho bản thân, tôi cũng đang lo sợ rằng, mai này mình chết đi, không biết có nơi thờ phụng hay không".

Ông Nguyễn Duy Khối, trước đây từng là Cụm trưởng Khu dân cư cơ khí số 5 tiếp lời: "Về việc này chúng tôi cũng đã rất nhiều lần gửi đơn cầu cứu lên chính quyền các cấp ở Hà Nội, dai dẳng nhiều năm nay nhưng vẫn không có biến chuyển.

Ông Khối (bên phải) và ông Năm chia sẻ về thực trạng tại Khu dân cư cơ khí số 5 với phóng viên. Ảnh: Trung Dũng

Ông Khối (bên phải) và ông Năm chia sẻ về thực trạng tại Khu dân cư cơ khí số 5 với phóng viên. Ảnh: Trung Dũng

Thực tế, vì khối lượng đơn từ các hộ dân ở đây đồng lòng gửi đi là rất lớn, nên thời điểm năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã có văn bản nêu rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 5 là phải liên hệ với công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để được hướng dẫn về thủ tục chuyển giao quỹ nhà tập thể theo quy định.

Đến tháng 10/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan để phối hợp rà soát tìm ra căn cứ để xác định phương hướng giải quyết. Tuy nhiên trong văn bản đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại không đưa thời hạn phối hợp và lịch trình giải quyết.

Vì thế, đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy tín hiệu nào khả thi từ các cơ quan có liên quan và từ phía Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 5. Sự chậm trễ của dự án này gần vài chục năm nay đã khiến cho hàng chục hộ dân phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn và mất an toàn".

Thông tin thêm về việc này, ông Đỗ Việt Dũng - Tổ phó Tổ dân phố Nhuệ Giang cho rằng: "Hiện tại, có gần 40 hộ dân sống tại Khu dân cư cơ khí số 5 thì đều nằm trong đất dự án. Hầu hết không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các nhà ở đây đều không được phép cơi nới, xây thêm tầng mà chỉ được sửa chữa và thay thế các hạng mục bị xuống cấp".

Tư liệu tham khảo:

[1].https://vanban.hanoi.gov.vn/danhoiubndtptraloi/-/hn/xLe53OgCrEUu/7501/191401/48/cau-hoi-e-nghi-thanh-pho-cho-biet-du-an-cum-truong-trung-hoc-va-day-nghe-tren-ia-ban-phuong-tay-mo-co-tiep-tuc-uoc-thuc-hien-nua-hay-khong.html;jsessionid=90gOw-WSLQTCH6eVIn13RDkt.undefined

Trung Dũng