Người trong cuộc bật mí về một buổi tập huấn sách giáo khoa online

06/07/2023 06:46
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cũng giống như những năm trước, hình thức tập huấn online vẫn được các nhà xuất bản lựa chọn để triển khai đến đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Những tuần vừa qua, các nhà xuất bản đã tiến hành tập huấn online sách giáo khoa cho giáo viên nhằm chuẩn bị triển khai chương trình mới ở các lớp 4, 8, 11 trong năm học 2023-2024 tới đây. Cũng giống như những năm trước, hình thức tập huấn online vẫn được các nhà xuất bản lựa chọn để triển khai đến đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Nhìn chung, đây là hình thức tập huấn, bồi dưỡng gọn nhẹ, đỡ tốn kém cho các đơn vị chủ quản các bộ sách giáo khoa vì chỉ cần một vài buổi online là bồi dưỡng xong cho giáo viên cả nước đối với tất cả các môn học.

Đồng thời, những nội dung tập huấn cũng được các tác giả sách giáo khoa là tổng chủ biên, chủ biên báo cáo nên đến trực tiếp được với giáo viên vì không phải qua các khâu trung gian. Tuy nhiên, mỗi môn học chỉ tập huấn từ nửa buổi đến 1 ngày online vẫn là thách thức không nhỏ cho giáo viên dạy các lớp chương trình 2018 trong những năm vừa qua cũng như những năm học tới đây.

Mỗi sách giáo khoa có rất nhiều tác giả, nếu được tập huấn trực tiếp cũng không phải là điều quá khó khăn (Ảnh minh họa: Nguyên Khang)

Mỗi sách giáo khoa có rất nhiều tác giả, nếu được tập huấn trực tiếp cũng không phải là điều quá khó khăn (Ảnh minh họa: Nguyên Khang)

Việc tập huấn online được thực hiện ra sao?

Mới đây, giáo viên chúng tôi được tập huấn online sách giáo khoa mới và người báo cáo tổng chủ biên bộ sách này. Đầu buổi tập huấn buổi sáng, có 488 điểm cầu của nhiều trường học thuộc nhiều địa phương trên cả nước tham gia nhưng đến cuối buổi chỉ còn lại hơn 300 điểm cầu.

Đầu giờ chiều, khi đến giờ tập huấn (13h30) nhưng chưa đến 100 điểm cầu kết nối, sau đó mới thấy các điểm trường mới túc tắc kết nối dần…

Môn học mà chúng tôi tập huấn là môn có nhiều tiết, với 140 tiết/ năm nên giáo viên được tổng chủ biên sách giáo khoa tập huấn 1 ngày. Buổi sáng, bắt đầu từ 8 giờ đến 11 giờ 30; buổi chiều bắt đầu lúc 13 giờ 30 và kết thúc lúc 17 giờ.

Trong khoảng thời gian này, giáo viên được nghe tổng chủ biên sách giáo khoa giới thiệu về mình, về ưu điểm bộ sách giáo khoa đó mất khoảng 30 phút và chiếu, phân tích 1 đề thi học sinh giỏi lớp 7 của 1 địa phương chắc cũng mất 30 phút.

Ngoài ra, giáo viên được xem video clip 1 tiết dạy thực nghiệm; 1 giáo viên phổ thông ở Yên Bái trình chiếu, thuyết trình 1 giáo án với 9 trang A4.

Đó là chưa kể một số chỗ bị trục trặc kĩ thuật phải đợi chờ…Cả buổi tập huấn gần như giáo viên không thấy người báo báo vì đã ẩn hình ảnh, chỉ mãi khi trục trặc kĩ thuật mới thấy thoáng qua vị tổng chủ biên sách giáo khoa.

Vì thế, dù báo cáo viên giới thiệu mình là “F1” mà giáo viên đang trực tiếp nghe tập huấn “F2” chắc cũng chẳng lĩnh hội được bao nhiêu để làm hành trang cho việc dạy chương trình 2018 cho năm học mới.

Bởi lẽ, những giáo viên dự kiến sẽ dạy lớp mới cho năm học tới cả huyện ngồi trong 1 hội trường và theo dõi qua màn hình ti vi nên thực tế rất khó để tiếp cận trọn vẹn nội dung mà báo cáo viên chuyển tải. Vì thế, cho dù vị tổng chủ biên nói rất nhiều về ưu điểm của tập huấn online nhưng thực tế chất lượng buổi tập huấn cũng khó đạt được theo mong muốn, kỳ vọng.

Đặc biệt, khi tập huấn online thì có thể hình ảnh người báo cáo sẽ xuất hiện nhưng cũng có thể cả người báo cáo và người nghe báo cáo gần như không thấy nhau và cũng không có sự giám sát nào từ lãnh đạo hay bộ phận chuyên môn nào.

Đối với những môn học ít tiết chỉ được tập huấn trực tuyến nửa ngày (3,5-4 giờ) có lẽ còn nhiều bất cập hơn vì thông thường báo cáo viên sẽ giới thiệu về mình, về sách giáo khoa, về phân môn, hoặc đơn vị kiến thức mà họ biên soạn trước khi bước vào tập huấn.

Vì thế, thời gian tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên vốn đã ít ỏi lại còn bị giảm bớt, hao hụt thêm.

Nên kết hợp cả tập huấn online và trực tiếp sẽ hiệu quả hơn

Việc tập huấn sách giáo khoa của chương trình 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hẳn cho các nhà xuất bản, các đơn vị chủ quản 3 bộ sách giáo khoa: Cánh Diều; Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo nên công việc này đang được các nhà xuất bản lựa chọn bằng hình thức online.

Có những báo cáo viên khi tập huấn cho giáo viên vẫn tự ví mình là “F1” nên khi tập huấn cho giáo viên là “F2” thì nội dung tập huấn không phải rơi rụng như tập huấn trực tiếp phải qua khâu trung gian nhiều “F” khác. Bởi vì khi qua nhiều bậc trung gian thì rất nhiều thông tin, ý đồ, tư tưởng của tác giả sách giáo khoa không còn nguyên vẹn nữa. Thế nhưng, nhiều giáo viên không nghĩ như vậy.

Hiện nay, cả nước có 3 bộ sách giáo khoa, nếu các nhà xuất bản muốn các tác giả tập huấn trực tiếp cho giáo viên cũng đơn giản vô cùng. Bởi lẽ, mỗi môn của mỗi bộ sách có ít nhất cũng từ 5 tác giả trở lên. Cá biệt, sách giáo khoa như môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở, có cuốn lên đến 15 tác giả.

Trong khi, việc lựa chọn sách giáo khoa hiện nay trên danh nghĩa là trường lựa chọn nhưng nếu để ý thì đa phần các tỉnh, thành chỉ lựa chọn 1 sách/ môn cho địa phương mình. Vì thế, cả nước có 63 tỉnh, thành khác nhau nhưng mỗi sách giáo khoa chỉ chiếm vài chục % số địa phương lựa chọn mà thôi.

Nếu chia ra, mỗi bộ sách của mỗi môn học chỉ khoảng trên dưới 20 địa phương lựa chọn mà việc tập huấn chỉ diễn ra trong vòng từ nửa ngày đến 1 ngày. Mỗi cuốn sách giáo khoa có nhiều tác giả là tổng chủ biên, đồng chủ biên, biên soạn.

Vì thế, mỗi người chia ra cũng chỉ tập huấn một vài địa phương trong vòng một vài ngày là xong. Chi phí chắc cũng không phải là quá lớn.

Hơn nữa, phần nhiều các báo cáo viên đến các địa phương vẫn thường được các địa phương đón tiếp và bố trí nơi nghỉ ngơi, đi lại, ăn uống.

Vì thế, nếu các tổng chủ biên hoặc các tác giả sách giáo khoa đến các địa phương tập huấn cũng không phát sinh nhiều chi phí mà hiệu quả, sự tương tác sẽ được phát huy. Những khó khăn, giáo viên sẽ trực tiếp hỏi tác giả sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, trên website của các nhà xuất bản cung cấp một số tiết thực nghiệm; một số kế hoạch bài dạy (giáo án) mẫu và giáo viên chủ động tham khảo sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.

Việc tập huấn chỉ một hình thức online như hiện nay và những năm qua không phát huy được hiệu quả kể cả phía báo cáo viên và phía giáo viên tham tập huấn. Mọi thứ vẫn đang được thực hiện một chiều mà có phần hình thức nhiều hơn. Vì vậy, Bộ nên chủ trương kết hợp tập huấn vừa online, vừa trực tiếp sẽ hiệu quả hơn.

Chỉ khi nào giáo viên lĩnh hội được, thấm nhuần được nội dung, phương pháp, cách tiếp cận chương trình mới thì mới có thể làm chủ được nội dung, phương pháp giảng dạy. Thực hiện như hiện nay, phần nhiều giáo viên vẫn còn mơ hồ trong quá trình giảng dạy và mục tiêu của chương trình 2018 cũng rất khó có được hiệu quả như chương trình tổng thể, chương trình môn học đã đề ra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG