Nguyên HT chuyên Ngữ: Nhiều học sinh chuyên ra nước ngoài không muốn về

04/04/2022 06:38
Đặng Lường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thực tế, nhiều học sinh giỏi của các trường chuyên, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài không muốn về Việt Nam.

Năm 2020, trường chuyên trở thành chủ đề gây tranh cãi và nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận khi có ý kiến cho rằng nên bán cho tư nhân hoặc bỏ mô hình này với nguyên nhân đầu tư cho trường chuyên gây bất bình đẳng trong giáo dục; mô hình chỉ nặng về luyện gà nòi…

Hiện nay, một số nơi đầu tư xây dựng trường chuyên lên đến trăm tỉ đồng, thu hút giáo sư và phó giáo sư về trường chuyên với mức đãi ngộ cao nhằm luyện đội tuyển học sinh giỏi cũng làm nóng dư luận bởi nhiều ý kiến cho rằng giáo sư, phó giáo sư chủ yếu nghiên cứu khoa học nên sẽ không phù hợp giảng dạy cấp phổ thông…

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Thành Văn - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những người làm khoa học cơ bản thì sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi làm quen với chương trình phổ thông nếu họ tâm huyết với việc đào tạo học sinh năng khiếu, nhất là đối với những cá nhân đã trưởng thành từ các trường chuyên.

Phó Giáo sư Nguyễn Thành Văn - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh website nhà trường)

Phó Giáo sư Nguyễn Thành Văn - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh website nhà trường)

Theo thầy Văn, các thầy cô với trình độ từ tiến sĩ trở lên thường có tầm nhìn rộng hơn, do đó, nếu ở một trường chuyên mà có những cá nhân như vậy thì sẽ có ảnh hưởng tích cực từ chuyên môn đến đội ngũ giáo viên, đặc biệt khi họ có một vị trí nhất định trong nhà trường.

Tuy nhiên theo thầy Văn cái khó nhất của chính sách thu hút là môi trường làm việc bởi họ đang là những người có học hàm, học vị ở các trường đại học, viện/ trung tâm nghiên cứu,… tức là đang có môi trường công tác thuận lợi, phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, nên việc chuyển về công tác tại trường chuyên, nhất là các trường không ở các thành phố lớn, là một quyết định không dễ dàng.

“Môi trường làm việc có vai trò rất quan trọng bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính”, thầy Văn nhấn mạnh.

Thực tế, nhiều học sinh giỏi của các trường chuyên, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài không muốn về Việt Nam, bởi bên cạnh sự đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc thuận lợi là yếu tố không thể thiếu, quyết định tính hiệu quả của công việc.

Cũng theo thầy Văn về những hạn chế của trường chuyên, cần phải thừa nhận rằng không phải học sinh nào tốt nghiệp các trường chuyên cũng phát huy được khả năng vốn có như kỳ vọng của xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mô hình đào tạo này đã đem lại một đội ngũ nhà khoa học hùng hậu và có uy tín cho Việt Nam.

“Tôi cho rằng, với Việt Nam, việc duy trì trường chuyên là cần thiết. Bởi nó góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, thầy Văn nhận định.

Theo thầy Văn về phía học sinh, các em học sinh chuyên vẫn phải học đều các môn học khác nên không thể tập trung hoàn toàn sức lực vào môn chuyên. Điều này đã hạn chế chất lượng đào tạo chuyên sâu.

Mặc dù các em rất giỏi nhưng phải có một cách nào đó giảm tải các môn khác để các em có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn tập trung vào môn chuyên, nếu học sinh quyết tâm để học môn chuyên thì buộc phải hy sinh môn khác.

Đến nay, tuy đã có khung chương trình môn chuyên của Bộ nhưng thực tế, các trường chuyên vẫn phải tự xây dựng hệ thống giáo trình phù hợp với yêu cầu đào tạo. Vì vậy, cần có một chương trình chi tiết và chuyên sâu hơn.

Cùng về vấn đề này, một vị Phó giáo sư- nguyên Hiệu trưởng một trường chuyên tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) lại cho rằng: “Dạy phổ thông với dạy đại học là hai công việc khác nhau và dạy phổ thông chuyên lại càng khác nhau một trời một vực do đó tôi cho rằng chính sách mời giáo sư về trường chuyên là không thực tế”.

Từng lãnh đạo trường chuyên vị này cho rằng, kiến thức dạy cấp 3 không phải dùng nhiều kiến thức cao siêu. Hiện nay chỉ một số ít giáo sư, phó giáo sư thực sự giỏi mới dạy trường chuyên.

Nền giáo dục đã lâu ít quan tâm đến việc đào tạo giáo viên giỏi, nhiều nơi đến lúc chuẩn bị thi giải cấp quốc gia thì mời thầy cô ở các tỉnh khác về luyện thi, như vậy chỉ làm được ở cái ngọn chứ không đào tạo từ gốc.

Theo Phó giáo sư này, các địa phương nên định nghĩa lại trường chuyên, tiêu chuẩn quy tắc tổ chức, tiêu chuẩn giáo viên về trình độ trường chuyên là gì.

Được hỏi về việc có nên đầu tư đào tạo nhân tài bằng một hình thức khác thay vì chỉ đầu tư vào trường chuyên như hiện nay thì vị này cho rằng, làm trường chuyên phải hiểu rõ ý đồ của mô hình này. Ngay từ khi thành lập trường chuyên đầu tiên thì mục đích của chúng ta là đào tạo tài năng bởi khi đó đất nước còn chiến tranh. Thời điểm đó nhiều nước ở Đông Nam Á, châu Á từng đến thăm Việt Nam và rất khâm phục trường chuyên.

Ban đầu trường chuyên chỉ có Chuyên Tổng hợp, Chuyên Sư phạm, Chuyên Nghệ An rồi đến chuyên Thành phố Hồ Chí Minh sau đó tỉnh nào cũng thành lập.

Nhưng khi mô hình này được đưa về các địa phương thì một số nơi làm không đúng, làm méo mó cách đào tạo mô hình này. Tất nhiên, ở trường chuyên vẫn có rất nhiều giáo viên dành hết tâm huyết vào đó.

Đặng Lường