Về dạy trường chuyên, không có công trình khoa học thì đâu còn là Giáo sư!

17/03/2022 06:50
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo tôi đang có sự nhầm lẫn giữa người có học hàm với giáo viên giỏi. Ở cấp phổ thông, giáo sư chưa chắc đã phát huy được việc truyền dạy kiến thức hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa trình lên Hội đồng nhân dân tỉnh dự thảo nghị quyết thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại Trường Trung học phổ thông chuyên với nội dung hỗ trợ 1 tỉ đồng cho giáo sư, phó giáo sư và 300 triệu đồng cho tiến sĩ cam kết dạy học trong 10 năm trở lên...Ý kiến này đang gây nhiều tranh luận trái chiều.

Thầy Mai Văn Túc - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: T.D
Thầy Mai Văn Túc - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: T.D

Chủ trương không đúng sẽ phản tác dụng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Mai Văn Túc - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Đành rằng mời hiền tài để đào tạo tài năng cho địa phương là rất nên, rất đáng khuyến khích, nhưng chủ trương phải đúng, phải phù hợp không thì mọi ý tưởng tốt sẽ trở thành giấy lộn, thậm chí tác hại ngược lại.

Theo tôi, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nói đề xuất này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế hiện nay, Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ chưa có giáo viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và việc này gây nhiều khó khăn và hạn chế trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực. Chỉ xét riêng điều này đã sai vì:

Thứ nhất, kiến thức được giảng dạy ở Trung học phổ thông chuyên là kiến thức phổ thông (dưới đại học một bậc), không cần đến trình độ giáo sư, tiến sĩ. Vì thế, việc khó khăn và hạn chế trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực không phải do thiếu những người có bằng cấp cao. Lý do là không tuyển được hoặc cơ sở không biết cách khai thác và phát huy nội lực của mình.

Thứ hai, Trường chuyên được thành lập mục đích chính là phát hiện và bồi dưỡng nhân lực nòng cốt và cao hơn là nhân tài giúp đất nước hùng mạnh. Việc đào tạo đội tuyển đi thi lấy thành tích chỉ nên xem là việc rất nhỏ mình tham gia trên con đường đi đến cái đích đặt ra. Nếu trường chuyên nào cũng “sôi sục” về áp lực có giải cao,…nhiều năm nay việc định hướng sai này đã làm thui chột rất nhiều nguyên khí quốc gia.

Như tôi đã nói ở trên, khi vào trường, tất cả các em đều phải học từ rất căn bản một thời gian dài. Sau khi đã thật sự vững kiến thức nền tảng thì mới đến các chuyên đề nâng cao và chỉ khi đó mới có thể cần đến những người có chuyên môn sâu về từng chủ đề đó, nhưng cũng chưa cần đến các giáo sư giảng dạy.

Với các giáo sư giỏi, chuyên môn sâu thì họ không chỉ giảng dạy bậc đại học, sau đại học mà còn làm công tác nghiên cứu khoa học. Đưa các giáo sư đang làm công việc ở tầm cao hạ công việc xuống tầm thấp hơn là rất lãng phí chất xám, lãng phí nhân lực, cũng không đúng cách sử dụng nhân lực”.

Theo thầy Túc: “Nói về thành tích cao, nhiều trường bao nhiêu năm nay, các thầy cô chỉ tốt nghiệp đại học mà vẫn dạy, vẫn bồi dưỡng được nhiều học trò đoạt giải quốc gia, thậm chí đoạt giải quốc tế đó. Bản thân các giáo sư, không phải ai cũng giỏi về kiến thức phổ thông (số này chiếm đa số). Có những giáo sư nổi tiếng ở viện đã từng tâm sự với tôi rằng “được mời dạy đội tuyển, tìm tòi cả tuần được mấy bài tập hay để dạy một buổi. Lên lớp đọc đề bài nào học sinh cũng nói làm rồi và đành phải nghỉ dạy …”.

Tôi thấy đang có sự nhầm lẫn giữa người có học hàm với người giáo viên giỏi. Đối với học sinh phổ thông, những người có học hàm, học vị cao chưa chắc đã phát huy được việc truyền dạy kiến thức, đấy là chưa kể đến chất lượng của các chức danh này đối với một số trường hợp là chưa sát với thực tế. Phổ thông là kiến thức phổ quát, giáo sư tiến sĩ càng học lên cao lại càng hẹp lại để tập trung vào chuyên môn riêng, không ai làm ngược như vậy, lấy kiến thức hẹp để phổ cập học sinh phổ thông.

Một quan niệm sai rất nguy hiểm nữa cho rằng thầy giỏi tức là thầy luyện học sinh hay có giải; thầy giỏi là thầy có nhiều dạng bài để học sinh làm. Dạy tủ, luyện đề nhiều như hiện nay tôi biết một số tiến sĩ đang “chạy sô” vào mỗi dịp gần thi tôi nghĩ đó là việc làm sai, thiếu lành mạnh. Thật vậy, cứ chuẩn bị vài trăm bài tập có lời giải rồi truyền thụ một chiều thì tôi nghĩ rất nhiều người làm được. Đây là thợ giải bài tập.

Thầy cô giỏi là người hiểu đúng bản chất, hiểu sâu và rộng kiến thức, phải dạy học sáng tạo và phải có “phản xạ” rất nhanh với những cái mới và sẵn sàng gợi mở để học sinh được tự do thảo luận, tự do hỏi thầy. Hiện tôi thấy hầu hết các buổi học của các giáo sư, tiến sĩ về thỉnh giảng chỉ là truyền thụ một chiều. Ví dụ: Cùng giải một đề, nhưng người này làm theo lối mòn rất mất thời gian, ngược lại người khác có sự sáng tạo, làm kiểu khác ngắn gọn, thông minh hơn và vẫn ra kết quả đúng.

Cần phân biệt rất rõ “thợ” giải bài tập. Không ít các giáo viên trường chuyên trước đây có giải quốc gia nhưng thực ra chưa hẳn là giỏi, bởi trước đây họ cũng được luyện và đạt giải quốc gia, sau đó vào trường chuyên dạy và tiếp tục lại luyện học sinh các dạng bài tập học đã được biết, như cách họ đã từng được luyện, chứ không hề có sáng tạo. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh nếu xã hội vấn hiểu sai về việc giải bài tập giỏi và giỏi thì không hy vọng có thể đưa chất lượng dạy chuyên nói riêng và giáo viên nói chung đi lên.

Trường Trung học phổ thông chuyên có cần đến giáo sư, phó giáo sư giảng dạy thường xuyên như một giáo viên cơ hữu không? Câu trả lời là không cần. Rất lãng phí. Không phù hợp và hại nhiều hơn lợi, mất nhiều hơn được. Có thể mời các giáo sư, phó giáo sư về giảng bồi dưỡng ngắn hạn một chuyên đề nào đó, hay trao đổi kinh nghiệm cho học trò thì được, chứ mời về làm giáo viên cấp 3 trường chuyên thì rất không nên.

Đã là giáo sư, phó giáo sư thì số tiết dạy cho đại học cũng không nhiều, mà phần lớn là dạy cho cao học, dạy nghiên cứu sinh, và nghiên cứu khoa học. Về làm giáo viên dạy trường Trung học phổ thông chuyên thì giáo sư không có điều kiện tốt để nghiên cứu khoa học. Không có công trình khoa học, không đủ giờ giảng đại học và sau đại học thì giáo sư đâu còn là giáo sư?”.

Thầy Bùi Xuân Dương - Giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An (tỉnh Bình Định). Ảnh: NVCC.Thầy Bùi Xuân Dương - Giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An (tỉnh Bình Định). Ảnh: NVCC.

Giáo sư, phó giáo sư không được đào tạo để dạy trung học

Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Bùi Xuân Dương - Giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An (tỉnh Bình Định), thầy Dương nói: “Nếu mời giáo sư, phó giáo sự dạy trường chuyên cấp trung học phổ thông, theo tôi chỉ phù hợp với một nhóm nhỏ học sinh, còn với đa số học sinh thì thật sự không phù hợp.

Nhóm nhỏ học sinh ở đây là những em “mũi nhọn”, những em có năng khiếu thật sự mà số này thường rất ít, mỗi lớp chuyên có 1 đến 2 bạn là nhiều. Nhưng nhóm học sinh này cũng phải học kiến thức nền giống như các bạn học sinh cùng lớp, nên chăng chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt có thể nghe giảng thêm từ các giáo sư, phó giáo sư nhưng cũng chỉ là tham khảo mà thôi, chứ hoàn toàn không thể học như vậy hàng ngày.

Còn nếu mời giáo sư, phó giáo sư dạy thay thế hoàn toàn các thầy cô phổ thông, theo tôi sẽ có hại nhiều hơn lợi. Thứ nhất, nhiệm vụ của giáo viên phổ thông rõ ràng là vừa dạy, vừa giáo dục. Giải một đề toán, đề văn,... phát huy được năng khiếu của học sinh phổ thông phải là người hướng về năng lực giảng dạy hơn năng lực nghiên cứu. Đặc trưng này lại càng không phải là điểm nổi bật của giáo sư, phó giáo sư.

Thứ hai, giáo sư, phó giáo sư học càng cao lại càng theo một chuyên môn rất hẹp, như vậy là khác rất xa so với công việc của một giáo viên phải làm. Nên những chuyên viên cao cấp này chỉ phù hợp chuyên sâu cho một nhóm đối tượng làm nghiên cứu, còn dạy đại trà cho học sinh phổ thông hoàn toàn không phù hợp.

Thứ ba, giáo viên phổ thông được đào tạo qua hệ thống sư phạm. Trong khi giáo sư, phó giáo sư có thể không qua đào tạo sư phạm mà qua quá trình nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ, họ được đào tạo để giảng dạy ở đại học và sau đại học, không được đào tạo để dạy trung học, như vậy khó có thể dạy được phổ thông một cách hiệu quả.

Và khi về biên chế ở trường phổ thông thì giáo sư đã từ bỏ chức danh được trường đại học bổ nhiệm, trong khi trường phổ thông không có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh giáo sư. Hơn nữa, lấy đâu ra mà nhiều giáo sư, phó giáo sư như vậy mà mời về dạy, quỹ lương ở đâu ra mà trả cho các thầy cô vì đây là mức lương trả cho chuyên viên cao cấp. Nếu trong một trường mà công việc giảng dạy như nhau, một bên là thầy cô phổ thông hưởng lương thấp, một bên các giáo sư hưởng lương rất cao tới vài chục triệu đồng một tháng thì sẽ sinh tâm lí tiêu cực, ai mà còn tâm trạng để dạy nữa, như vậy mất sự cân bằng lâu nay”.

Theo thầy Dương: “Là giáo viên trường chuyên thì ngay từ ban đầu đã được tuyển chọn rất kĩ lưỡng, có một số điều kiện riêng không giống như tuyển giáo viên các trường không chuyên. Dạy trường chuyên cần người thầy có kiến thức uyên thâm, biết khơi dậy niềm say mê sáng tạo với học trò, như vậy mới đáp ứng được việc giảng dạy học sinh.

Một giáo viên giỏi không nhất thiết phải có bằng cấp cao, mà là người có phương pháp tốt, có phương pháp dạy học hay, giúp học sinh hào hứng theo học. Một người có bằng cấp cao như phó giáo sư không có nghĩa người đó dạy học tốt. Để dạy tốt, tôi thấy ngoài kiến thức chuyên môn, còn phải có kỹ năng thông tin, kỹ năng lắng nghe và hiểu học trò của mình”.

Trước đó, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về dự thảo, bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết: “Đề xuất này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế. Hiện nay, Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ chưa có giáo viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và việc này gây nhiều khó khăn và hạn chế trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực.

Chúng tôi quan niệm có thầy giỏi mới có trò giỏi. Học sinh trường chuyên được tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Trường chuyên là nơi hội tụ những học sinh có học lực tốt nhất. Vì vậy, môi trường này rất cần giáo viên có trình độ cao về chuyên môn, giúp các học sinh phát triển tối đa trí tuệ và năng lực sẵn có. Người có trình độ cao, ngoài giảng dạy, còn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh”.

Tùng Dương