Nguyên nhân nào khiến điểm chuẩn khối ngành Sư phạm ngày một cao hơn?

21/08/2024 06:42
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một khi điểm đầu vào của các trường sư phạm ngày một cao hơn cũng đồng nghĩa chất lượng nhân lực của ngành ngày càng tốt hơn.

Đã có những năm, điểm đầu vào một số ngành, một số trường sư phạm chỉ lấy ở mức điểm sàn thì những năm gần đây, điểm trúng tuyển sư phạm ngày tăng. Nhiều ngành sư phạm có điểm chuẩn cao ở top đầu cả nước.

Mùa tuyển sinh năm nay, ngay sau khi các trường đại học sư phạm công bố điểm chuẩn, nhiều giáo viên, học sinh phải choáng váng vì có những ngành điểm chuẩn lên đến 29,3 điểm mới có thể trúng tuyển. Điều này cũng đồng nghĩa, thí sinh muốn trúng tuyển phải đạt gần 9,8 điểm/ trở lên mới đậu.

Vì thế, những thí sinh trúng tuyển vào đại học sư phạm bây giờ phải là những học sinh giỏi thực sự mới có thể vào được- đây là những tín hiệu tích cực cho ngành Giáo dục về nguồn nhân lực cho ngành trong những năm tới đây.

Người viết là một giáo viên trung học cơ sở cảm thấy tự hào và tin tưởng vào thế hệ giáo viên những năm tới đây chắc chắn chất lượng sẽ được nâng cao.

gdvn-anh-7-7920-6231-619.jpg
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Mộc Hương.

Năm nay, điểm chuẩn sư phạm trường nào cũng cao

Trong 2 ngày (17,18/8) vừa qua, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn đối với hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Điểm chuẩn năm nay của các trường sư phạm đều lấy ở mức cao, đa phần các ngành học đều có mức điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên.

Một số trường đại học sư phạm có truyền thống, bề dày trong đào tạo thì một số ngành lấy điểm chuẩn lên đến trên 28 điểm.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đa số các ngành học đều lấy điểm chuẩn trên 27 điểm. Một số ngành học có điểm chuẩn rất cao, như: Sư phạm Lịch sử 29,3 điểm; Sư phạm Ngữ văn 29,3 điểm; Sư phạm Địa lý 29,05 điểm…

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiều ngành lấy đến trên 28 điểm, như: Sư phạm Ngữ văn 28,83 điểm; Sư phạm Lịch sử 28,83 điểm; Sư phạm Lịch sử- Địa lý 28,42 điểm…

Điểm chuẩn các ngành Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng đáng kể so với năm trước. Có 3 ngành có điểm trúng tuyển trên 28 điểm gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý với 28,37 điểm. Ngoài ra, trường có 9 ngành đào tạo có điểm trúng tuyển từ 27 điểm trở lên.

Trước đó, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn bằng hình thức xét học bạ: Ngành Sư phạm Hóa lấy điểm chuẩn 29,81điểm; Sư phạm Toán, Vật lý với điểm chuẩn lần lượt là 29,55 và 29,48. Hai ngành khác lấy trên 29 gồm Sư phạm Lịch sử, Sinh học. Vì thế, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt trung bình mỗi môn gần 10 điểm mới trúng tuyển.

Một số ngành sư phạm của Trường Đại học Sài Gòn cũng có mức điểm chuẩn khá cao, như: Sư phạm Lịch sử 28,25 điểm; Sư phạm Ngữ văn 28,11 điểm; Sư phạm Toán 27,75 điểm.

Một số ngành học của Đại học Sư phạm Huế có điểm chuẩn cao, như: Sư phạm Lịch sử: 28,3 điểm; Sư phạm Vật lý (đào tạo bằng Tiếng Anh) 28,2 điểm; Sư phạm Ngữ văn 28,1 điểm; Sư phạm Đại lý: 28,05 điểm; Sư phạm Hoá học và Sư phạm Sinh học cùng 28 điểm.

Khoa sư phạm tiếng Anh (Trường Đại học Ngoại ngữ Huế) với 27,1 điểm; Khoa Sư phạm tiếng Trung Quốc (Trường Đại học Ngoại Ngữ) với 26,5 điểm.

Ngay cả những trường đào tạo sư phạm chủ yếu tuyển sinh trong tỉnh như Trường Đại học An Giang cũng có mức điểm chuẩn cao, cụ thể: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý có điểm chuẩn là 27.91 điểm; ngành Sư phạm Ngữ văn với 27.44 điểm; ngành Giáo dục Chính trị với 26.99 điểm; ngành Giáo dục Tiểu học với 26.63 điểm...

Nguyên nhân nào khiến điểm chuẩn sư phạm ngày một cao hơn?

Việc điểm chuẩn vào các trường đại học sư phạm trên cả nước đều tăng, có nhiều ngành phải trên 9 điểm/ môn thì thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển cho thấy đây là những tín hiệu tích cực đối với ngành Giáo dục.

Một khi điểm đầu vào của các trường sư phạm ngày một cao hơn cũng đồng nghĩa chất lượng nhân lực của ngành ngày càng tốt hơn. Khi ra trường, những sinh viên sư phạm hôm nay sẽ là những thầy cô giáo có chuyên môn tốt, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Việc điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay cao có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi cho rằng có một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất: học sinh phổ thông đã có cái nhìn khác về ngành sư phạm so với trước đây. Tư tưởng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã không còn đúng nữa.

Giờ đây, phải là học sinh xếp loại học lực giỏi ở cấp Trung học phổ thông mới có cơ hội xét tuyển vào sư phạm (trừ một số ngành học đặc thù yêu cầu học lực Khá, như: Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục). Vì vậy, điểm chuẩn sư phạm cao cũng là điều dễ hiểu vì đã được sàng lọc.

Thứ hai: chính sách về lương, phụ cấp nhà giáo hiện nay đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGD-ĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01- 042021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nên nhiều giáo viên được chuyển sang hạng mới, lương mới.

Bên cạnh đó là lương cơ sở được điều chỉnh, giúp cho thu nhập hàng tháng của phần lớn nhà giáo công lập từ mầm non đến trung học phổ thông đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều giáo viên hiện nay đã “sống được bằng lương”.

Thứ ba: điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông một số môn năm nay có mức điểm trung bình khá cao. Tỉ lệ thí sinh đạt từ 8 điểm/môn trở lên khá nhiều.

Ví dụ, điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay là 7,23 điểm; điểm trung vị là 7,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,0 điểm.

Cụ thể: điểm 8,0 có 85.990 thí sinh; điểm 8,25 có 70.526; điểm 8,5 có 72.249 thí sinh; điểm 8,75 có 57.136 thí sinh; điểm 9,0 có 49.254 thí sinh; điểm 9,25 có 26.758 thí sinh; điểm 9,5 có 14.198 thí sinh; điểm 9,75 có 1.843 thí sinh; điểm 10 có 02 thí sinh đạt được.

Vì thế, cả nước có 377.956/ 1.050.132 thí sinh đạt điểm Ngữ văn từ 8,0 trở lên, chiếm tỉ lệ 35,99%; nếu tính từ điểm từ 9,0 trở lên có 92.055 thí sinh, chiếm tỉ lệ 8,76%.

Thứ tư: hiện nay, những sinh viên sư phạm đang được áp dụng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116 nên số lượng thí sinh đăng ký vào sư phạm nhiều. Từ đó, tỉ lệ chọi cao, điểm chuẩn sư phạm được nâng lên. Bên cạnh đó, số lượng đào tạo sư phạm của các trường sư phạm hiện nay đang được Bộ siết chặt.

Việc điểm chuẩn các trường sư phạm năm nay đa phần đều tăng có lẽ còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Tuy nhiên, cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì việc điểm chuẩn tăng lên cũng là những tín hiệu tích cực cho các trường sư phạm và tương lai của ngành Giáo dục.

Ở bất kỳ thời đại nào, giai đoạn nào cũng vậy, chỉ khi nào chúng ta có được những nhà giáo giỏi mới có thể đào tạo ra những học trò giỏi. Và năm nay, có những thí sinh đạt tới 9,7 điểm/ môn mà xét tuyển vào một số ngành học vẫn không trúng tuyển cho thấy bức tranh tuyển sinh sư phạm đang là một điểm sáng.

Việc điểm chuẩn khối sư phạm ngày càng cao sẽ giúp cho ngành Giáo dục nước nhà có những thế hệ thầy cô giáo kế cận giỏi, họ sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy, đào tạo ra nguồn nhân lực tốt cho đất nước trong tương lai.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN