Từng là chuyên gia giáo dục của Việt Nam làm việc nhiều năm ở các nước châu Phi trong thập niên 70, 80. Sau đó, về làm chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học sư phạm Huế, thầy Trương Quang Đệ đã có những chia sẻ về nghề giáo ngày nay.
Thầy cũng đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, lấy lại vị thế của người thầy trong xã hội.
Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay chính là làm sao để các các cơ sở đào tạo giáo viên (các trường Đại học sư phạm) tuyển được học sinh giỏi.
Và làm sao để sinh viên sư phạm ra trường có công ăn việc làm, không phải chạy chọt xin việc hay phải đánh đổi những giá trị bản thân để có một suất biên chế?
Thay đổi cách thức và nội dung đào tạo
Thầy Đệ cho rằng, nếu cứ giữ hệ thống đào tạo như hiện nay thì việc tuyển được học sinh giỏi cũng như đảm bảo việc làm cho sinh viên sư phạm ra trường là nhiệm vụ “bất khả thi”.
Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ về vật chất cho giáo viên để thu hút được học sinh giỏi chọn nghề. |
“Cần thay đổi cách đào tạo và nội dung đào tạo. Có nhiều mô hình trên thế giới nhưng theo tôi nên tham khảo mô hình Pháp.
Vì kinh nghiệm cho thấy đội ngũ giáo viên do Pháp đào tạo ngày xưa có năng lực đáng kể và chính đội ngũ đó phục vụ cách mạng rất hiệu quả”.
Thầy Đệ cũng dẫn ra từng bước tiến hành việc thay đổi như sau: Đầu tiên là chuyển các cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay (các trường Đại học sư phạm, Cao đẳng sư phạm…) thành các Khoa thuộc các Đại học Quốc gia hay Đại học vùng với các tên gọi Khoa Tiểu học và Mẫu giáo mầm non, Khoa Sư phạm (đào tạo giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông).
Lên lớp bây giờ, thầy cô phải là đạo diễn để dàn dựng và phân vai cho học trò |
Các khoa này sẽ tuyển “đầu vào” là những học sinh có học lực khá, giỏi trở lên, có đạo đức tốt và đam mê nghề giáo…
“Việc tuyển sinh dựa trên nhu cầu thực tế do các sở Giáo dục (các địa phương) báo cáo hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chẳng hạn, nếu các tỉnh Tây Nguyên thiếu 100 giáo viên trung học cơ sở cho môn Khoa học tích hợp thì Bộ phân chỉ tiêu cho Đại học Tây Nguyên tuyển khoảng 120 sinh viên”.
Cũng theo thầy Đệ, khoa sư phạm không còn dạy khoa học cơ bản mà chỉ đảm nhiệm các môn về giáo dục: Giáo dục học, tâm lí học, phương pháp giảng dạy…
Ngoài ra còn dạy các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết phục, lắng nghe, giải quyết vấn đề....
Môn phương pháp giảng dạy bao gồm: kỹ thuật giảng dạy, lịch sử môn học, tiết lí môn học và thực tập, kiến tập cũng như củng cố kiến thức, rèn luyện tay nghề trong từng môn học. Việc dạy theo kiểu tích hợp cũng sẽ là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.
Có hai mức trình độ cho việc đào tạo sư phạm là mức Thạc sĩ I dành cho sinh viên học một năm để ra dạy trung học cơ sở, mức Thạc sĩ II dành cho sinh viên học hai năm để ra dạy trung học phổ thông.
Rõ ràng với cách tuyển sinh như vậy thì thu hút được học sinh ưu tú vào ngành sư phạm.
Can đảm đầu tư tài chính cho sư phạm
Muốn có một cuộc thay đổi có tính cách mạng thì phải nghĩ đến hai khía cạnh tinh thần và vật chất. Nói cách khác, phải có can đảm mở rộng đầu tư tài chính và có can đảm thay đổi sự gò bó về văn hóa tư tưởng.
“Sư phạm không phải là một lối ra quá chật chội” |
Cụ thể, muốn trở thành những thầy cô có phẩm chất mẫu mực thì đời sống vật chất của sinh viên trong thời gian được đào tạo phải được chăm lo chu đáo.
Thầy Đệ cũng nêu ra các chính sách “ưu đãi” đối với sinh viên chọn học ngành sư phạm như: cấp học bổng ngang với bậc lương tối thiểu, sinh viên có phòng riêng hay phòng hai người có đủ tiện nghi, được cung cấp các thiết bị và phương tiện làm việc như máy tính, sách vở...
“Xây dựng đời sống tự quản cho sinh viên, chẳng hạn tham gia việc lập chương trình, tham gia giảng dạy thực sự trong một số trường, xây dựng các công ty giáo dục”, thầy Đệ góp ý.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, giáo viên phải có mức thu nhập ổn định, lo đủ cuộc sống cho gia đình chứ không phải mức lương “ba cọc, ba đồng” như hiện nay.