Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài từ 09/09/2019 đến 20/09/2019, một trong các nội dung họp là xem xét cho ý kiến về các nội dung về 12 dự án luật.
Trong đó có 4 dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua và 8 dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Sáng 10/09/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật thanh niên (sửa đổi), theo ông Tân "một số quy định của luật (hiện hành - NV) khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác,… nên cần phải sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định bà "ủng hộ thanh niên" nhưng những chính sách trong này quy định thiếu tính đặc thù”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: "Tôi đọc luật này lại thấy đòi hỏi nhiều quá, đòi hỏi quyền lợi cho thanh niên nhiều mà đề cập đến nghĩa vụ của thanh niên thì lại ít.
Tôi thấy luật này thay từ “thanh niên” thành "công nhân" hay "công dân" đều đúng vì đều có nghĩa vụ như vậy. Dự thảo luật này khẩu hiệu nhiều lắm, thiếu tính cụ thể". [1]
Ảnh minh họa: ITN/ Daibieunhandan.vn |
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội “đổi vai” trong quá trình làm luật.
Cụ thể là giao cho người/cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Đề xuất mà ông Long trình bày không nhận được sự đồng tình của một số vị lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội là cơ quan ban hành luật theo quy định của Hiến pháp và không thể “đổi vai”.
Sau Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Dũng nêu quan điểm của Chính phủ:
“Thực tiễn triển khai các dự án PPP trong thời gian qua cho thấy việc đầu tư theo phương thức này PPP tại nước ta vẫn còn nhiều rủi ro do đó cần xem xét có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bao gồm rủi ro của thị trường và rủi ro có nguyên nhân từ các tác động của quyết định hành chính” đối với nhà đầu tư. [2]
Đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư lập tức nhận được ý kiến của hai vị Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội:
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu câu hỏi: “Tại sao lại đặt vấn đề về cơ chế rủi ro về doanh thu trong lĩnh vực này. Ở đây là vấn đề trong hợp đồng thôi nên nếu để cơ chế này là rất dở”.
Quỹ ngoài ngân sách hay nồi cơm của riêng ai? |
Theo bà Nga bản chất các dự án BOT là hợp đồng, do đó, khi ký hợp đồng thì cơ quan nhà nước phải ký cho đúng, chứ không phải làm sai rồi lại chia sẻ rủi ro.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nói thẳng:
“Chúng ta là nước nông nghiệp nhưng đối với nông dân chúng ta đã có chính sách chia sẻ rủi ro với nông nghiệp chưa mà bây giờ đến vấn đề PPP ta lại đặt ra vấn đề chia sẻ rủi ro?”.
Việc nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với các dự án luật được các Bộ trưởng thay mặt Chính phủ trình bày nói lên điều gì?
Một dự thảo luật trước khi trình Quốc hội phải qua rất nhiều bước, chuyên viên soạn thảo, lãnh đạo Bộ và Chính phủ phê duyệt, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng lấy ý kiến nhân dân và các chuyên gia rồi sửa chữa, chỉnh lý,…
Việc trình dự án luật với những khiếm khuyết ra Quốc hội cho thấy hoặc là công tác soạn thảo luật chưa được coi trọng hoặc đã được coi trọng song năng lực, trình độ của đội ngũ tham gia xây dựng dự án luật chưa đáp ứng nhu cầu.
Chính phủ có 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ (Văn phòng, Thanh tra, Ngân hàng nhà nước và Ủy ban dân tộc), trong một kỳ họp phải trình ra 12 dự án luật liệu có phải là quá nhiều trong khi “Trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội,…” chỉ là một phần nhỏ trong 08 nhiệm vụ và quyền hạn giao cho Chính phủ theo quy định tại điều 96 Hiến pháp 2013?
Tạm gác sang một bên những khiếm khuyết (nếu có) về năng lực soạn thảo dự án luật, câu hỏi đặt ra là có sự cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng luật pháp hay không?
Báo Nhân Dân điện tử trong bài “Tháo gỡ “bẫy” trong chính sách” viết:
“Trong một phiên họp hồi đầu năm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cảnh báo, trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật có tình trạng “cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp…
Xây dựng cơ chế chính sách nên chăng cần tính đến việc, một mặt đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động, mặt khác cũng cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát nguy cơ cài cắm trong xây dựng pháp luật, xây dựng quy trình quản lý”. [3]
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng: “Chất lượng dự án luật không được cơ quan trình, cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ, đặc biệt là tình trạng "cài cắm chính sách" vào dự luật”. [4]
“Cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp” là phát biểu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, vấn đề là ông Mai Tiến Dũng không giới hạn “doanh nghiệp” bị “bẫy” là loại doanh nghiệp nào bởi nhiều loại hình doanh nghiệp đang tồn tại như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân (trong nước), doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài và nhà đầu tư Việt và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài…
Nếu việc “cài cắm câu chữ” chỉ giới hạn cho khối doanh nghiệp thì phạm vi ảnh hưởng của “cài cắm chính sách” rộng hơn rất nhiều bởi không chỉ doanh nghiệp mà mọi đối tượng trong xã hội đều bị chi phối kể cả cơ quan soạn thảo luật và cơ quan ban hành luật.
Chẳng hạn đề xuất “đổi vai” không phải chỉ nhằm đến Quốc hội mà còn các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật địa phương tức là Hội đồng nhân dân các cấp.
Lời cảnh báo trên báo điện tử Nhandan.com.vn [3] được đưa ra từ hơn một năm trước thế nhưng một số dự án luật đưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn cố tình “cài cắm chính sách” khiến một số vị lãnh đạo Quốc hội phải lên tiếng.
Vì sao lại như vậy?
Lãnh đạo “trò chuyện” sao dân ... chóng mặt? |
“Lợi nhuận lên đến 300% thì treo cổ người ta vẫn làm” liệu có phải là gợi ý câu trả lời cho câu hỏi nên trên?
Giả thiết Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thông qua và áp dụng vào các dự án BOT giao thông thì điều gì sẽ xảy ra?
Về phía các bộ, ngành: Nếu người/cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án vì lý do nào đó để tồn tại các vấn đề bất hợp lý, khi dự án đi vào hoạt động, bị doanh nghiệp kêu cứu và xã hội phản đối, buộc phải “chia sẻ rủi ro” thì ngân sách sẽ phải gánh chịu chứ không phải người làm sai phải bồi thường.
Về phía doanh nghiệp: bằng mọi cách kiếm được dự án, khi vận hành lãi thì bỏ túi còn làm ăn thua lỗ đã có ngân sách chia sẻ rủi ro.
Tình trạng bỏ thầu thấp để giành dự án rồi sau đó tìm cách đòi tăng vốn lên gấp nhiều lần xảy ra như cơm bữa tại Việt Nam mà dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ. Cho đến nay chưa thấy công bố hình thức xử lý các đối tượng liên quan?
Với các dự án BOT, liệu đây có phải là một kiểu hợp đồng kinh tế - kỹ thuật bị chi phối bởi sự định hướng của kinh tế thị trường chứ không phải các hợp đồng làm ăn theo thông lệ quốc tế?
Tháng 8 năm 2017, sau khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ 100% các dự án BOT giao thông đều là chỉ định thầu, không đấu thầu rộng rãi theo quy định. Kết luận thanh tra là:
“Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chung, toàn diện đối với những nội dung theo quy định thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó là việc quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc”. [4]
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng “Yêu cầu 2 bộ này phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan”.
Vậy phải chăng phía sau dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mà Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thấp thoáng bóng dáng của hai Bộ và các cá nhân mà Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm?
Không ít bài báo đề cập tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức làm việc cầm chừng vì sợ mắc sai phạm nhưng có phải chỉ như thế hay còn chuyện người ta “cầm chừng” vì chưa hoặc không thể “cài cắm chính sách”?
Phát huy nội lực thông qua việc động viên nhà đầu tư bỏ vốn và công trình là cần thiết song nếu không minh bạch, nếu các dự án không công khai, nếu giá điện, xăng dầu vẫn bị đóng dấu “mật” thì làm sao để biết thực chất doanh nghiệp lỗ hay lãi?
Vậy phải chăng “cài cắm chính sách” vào luật là một giải pháp nhằm bảo vệ cán bộ hoặc cơ quan công quyền, là chiếc bùa hộ mệnh nếu “nhỡ tay” ký các hợp đồng gây thiệt hại cho nhà nước hoặc bất lợi cho nhóm lợi ích mà ai đó là “thành viên giấu mặt”?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/luat-thanh-nien-nen-bot-khau-hieu-20190910095525539.htm
[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/nong-dan-thua-lo-thi-bao-rang-chiu-ma-bot-lai-chia-se-rui-ro-doanh-thu-1126793.html?fbclid=IwAR3xSEbudESkHgS-gdPdS_5H9hhvZc3bZAaLFRzrZvSaUHFRFTnD_TkZvE8
[3] https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/36933502-thao-go-%E2%80%9Cbay%E2%80%9D-trong-chinh-sach.html
[4] https://thanhnien.vn/doi-song/bot-giao-thong-nhieu-khuat-tat-866966.html