Nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương đang đứng giữa ngã ba đường

09/06/2019 06:14
Thùy Linh
(GDVN) - Ngoài chất lượng đầu vào thấp, khó tuyển sinh, nhiều trường cao đẳng sư phạm đang lúng túng trong định hướng phát triển.

Trong nhiều thập niên qua, các trường sư phạm đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục của cả nước, đào tạo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, với chất lượng ngày càng nâng cao. 

Tuy nhiên, thừa nhận với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, trong vài năm gần đây, hệ thống trường sư phạm gặp nhiều khó khăn, bất cập do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính sách, cơ chế quản lý và các nguyên nhân từ nội tại các trường sư phạm .

Nhận thấy rõ điều này, Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu góp một vài ý tưởng, đề xuất cụ thể về sứ mạng trường sư phạm trong thời gian tới. 

Hiện, các trường sư phạm với đội ngũ đầy tâm huyết, chuyên nghiệp, trình độ cao đã cố gắng nỗ lực tối đa để ổn định, tồn tại và phát triển nhà trường, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà. 

Mặc dù được quan tâm, đầu tư; có sự nỗ lực tự thân, nhưng đa số các trường sư phạm hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là chất lượng đầu vào thấp. Có nhiều lý do, chúng tôi xin đề cập đến vài nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, sinh viên khó tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp do đào tạo cung vượt cầu (đào tạo giáo viên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, không có cơ quan điều tiết kế hoạch, cho đào tạo tràn lan- kể cả các cơ sở ngoài công lập cũng tham gia đào tạo giáo viên - thu học phí, trong khi quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí).

Đồng thời tuyển dụng có quá nhiều bất cập (chưa kể tiêu cực tràn lan) chẳng hạn như tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP (ngày 12/4/2012 của Chính phủ) làm cho đối tượng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm địa phương thiệt thòi hay như giao việc tuyển dụng giáo viên cho cơ quan nội vụ, các cơ sở giáo dục hầu như đứng ngoài cuộc.

Thứ hai, cơ chế tuyển sinh bất lợi cho các trường sư phạm (nhiều trường đại học xét tuyển theo kiểu “lưới quét”); các trường đại học đào tạo cả trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cho nên các trường sư phạm thiếu nguồn tuyển.

Một số cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm (ngành giáo dục mầm non) không tuân thủ quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo;

Thứ ba, cơ chế học phí, học bổng không còn phù hợp (hiện tượng có con em nhà nghèo vào sư phạm – ra trường khó có điều kiện để xin được việc làm – thất nghiệp – tiếp tục nghèo là một thực tế).  

Nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương đang đứng giữa ngã ba đường ảnh 1
Theo Hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cơ chế quản lý trường sư phạm hiện nay còn nhiều bất cập - theo kiểu coi trường sư phạm là trường “phổ thông cấp 4”. (Ảnh: website nhà trường)

Ngoài chất lượng đầu vào thấp, khó tuyển sinh, nhiều trường sư phạm còn lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới. Một số nguyên nhân được đề cập đến là:

Một là, cơ chế quản lý trường sư phạm hiện nay còn nhiều bất cập - theo kiểu coi trường sư phạm là trường “phổ thông cấp 4”. 

Trường Cao đẳng sư phạm thuộc giáo dục nghề nghiệp nhưng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (thường ghép với quản lý giáo dục đại học), lại là đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ trước đây - nay là nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018) và thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ). 

Theo đó, các chỉ số liên quan thay đổi theo hướng bất lợi cho các trường cao đẳng sư phạm như hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị thế của nhà trường, của các tổ chức đoàn thể; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế và tài chính.

Một số ràng buộc bởi các quy định của cấp tỉnh về quản lý tổ chức, bộ máy, quản lý viên chức; tổ chức Đảng, đoàn thể, quần chúng.

Hai là, đầu tư cho trường sư phạm chưa tương xứng với vai trò, vị trí; kinh phí thấp, không thu học phí, không có nguồn thu sự nghiệp.

Ba là, thiếu tiếng nói có trọng lượng của các nhà sư phạm từ trung ương đến địa phương, các nhà trường để giải trình, phản biện hoặc tranh đấu trước những bất lợi cho trường sư phạm.

Hiệp hội gửi Thủ tướng văn bản kiến nghị về hệ thống trường sư phạm địa phương
Hiệp hội gửi Thủ tướng văn bản kiến nghị về hệ thống trường sư phạm địa phương

Ngoài ra, quy mô đào tạo ngày càng giảm, do cắt giảm nhu cầu, chỉ tiêu, nguồn tuyển ít, khó tuyển sinh; cộng thêm thiếu sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp (chẳng hạn như không giao thêm nhiệm vụ liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng; chưa giải quyết nhanh chóng, dứt điểm hoặc tháo gỡ những tồn tại của trường sư phạm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo,…);

Vị thế trường sư phạm bị hạ thấp. Đa số các trường sư phạm được nâng cấp từ trường Trung học Sư phạm theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, quyền hạn, vị trí tương đương cấp sở, ngành.

Thực hiện nghị định 115/2010/NĐ-CP (nay là nghị định 127/2018/NĐ-CP), trường sư phạm là đơn vị trực thuộc cấp sở (hạ một cấp), quyền hạn, vị trí tương đương cấp phòng.

Để giải quyết tồn tại, bất cập, khó khăn cho trường sư phạm, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình, đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học, Cao đẳng, trong đó có quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm.

Theo đó, định hướng phát triển trường sư phạm nói chung, trong đó có các trường cao đẳng sư phạm địa phương được gắn với việc xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong những năm tiếp theo.

Còn về đào tạo giáo viên, cứ tạm tính, đội ngũ giáo viên năm học 2017-2018 (nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo) là đủ (không thừa, không thiếu) với 1.190.557 người, thì nhu cầu giáo viên cần bổ sung hàng năm thay thế cho số nghỉ hưu là 37.200 (giáo viên), cụ thể là:

Giáo viên mầm non bình quân đứng lớp trong 25 năm, tương đương 4% nghỉ hưu hàng năm; số giáo viên cần tuyển dụng mới hàng năm là 9.100 người (227.559 x 4%). 

Tương tự như vậy, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bình quân đứng lớp trong 30 năm, tương đương 3.3% nghỉ hưu hàng năm; số giáo viên cần tuyển dụng mới hàng năm là 13.100 giáo viên tiểu học, 10.100 giáo viên trung học cơ sở và 5.000 giáo viên trung học phổ thông.

Bảng 1: Thống kê học sinh toàn quốc trong năm học

ĐVT: 1.000

Năm học

Mầm non

Tiểu học

THCS

2015-2016

4.627

7.791

5.138

2016-2017

5.085

7.801

5.235

2017-2018

5.385

8.041

5.373

(Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo số liệu thống kê trong bảng 1 cho thấy, số học sinh mẫu giáo tăng bình quân hàng năm khoảng 300.000 cháu, tương đương 10.000 lớp (30 cháu/lớp) và 20.000 giáo viên (2.0 giáo viên/lớp).

Số học sinh tiểu học tăng bình quân hàng năm khoảng 100.000 em, tương đương 3.300 lớp (30 học sinh/lớp) và 5.000 giáo viên (1,5 giáo viên/lớp).

Số học sinh trung học cơ sở tăng bình quân hàng năm khoảng 100.000 em, tương đương 3.300 lớp (30 học sinh/lớp) và 7.000 giáo viên (2.2 giáo viên/lớp). 

Như vậy, nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hàng năm tại các trường sư phạm (chủ yếu là cao đẳng sư phạm) để bổ sung số nghỉ hưu và đáp ứng nhu cầu phát triển trường, lớp là tương đối lớn, bình quân khoảng 64.300, trong đó giáo viên mầm non 29.100; giáo viên tiểu học 18.100; giáo viên trung học cơ sở 17.100 (xem bảng 2).

Bảng 2: Nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hàng năm 

ĐVT: 1.000

Giáo viên

Bổ sung số

nghỉ hưu

Đáp ứng nhu cầu phát triển trường, lớp

Tổng nhu cầu đào tạo giáo viên

Mầm non

9.100

20.000

29.100

Tiểu học

13.100

5.000

18.100

THCS

10.100

7.000

17.100

Cộng

32.300

32.000

64.300

(Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ngoài nhiệm vụ đào tạo, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là rất cần thiết và không kém phần quan trọng.

Với đội ngũ 1.190.557 giáo viên và 269.858 nhân viên các nhà trường hiện nay (số liệu năm học 2017-2018), thì nhiệm vụ bồi dường cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hàng năm là rất lớn, đặc biệt là bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên đến nay nhiều ý kiến, có cả của những người trong cuộc đang rất băn khoăn, lo lắng và lúng túng trong việc xác định phương hướng phát triển của các trường sư phạm.

Giải thể trường trung cấp sư phạm, không đào tạo giáo viên ở các trường đa ngành
Giải thể trường trung cấp sư phạm, không đào tạo giáo viên ở các trường đa ngành

Một số người thiếu lạc quan cho là khó xác định lối ra; một số khác lại cho rằng, trường sư phạm đang đứng giữa “ngã ba đường”, hoặc phát triển thành trường đại học đa ngành, trong đó có các khoa đào tạo giáo viên.

Hoặc thành phân hiệu, vệ tinh của trường đại học sư phạm (mà trong thực tế, là phân hiệu của trường đại học sư phạm cũng sẽ gặp rất nhiều bất cập, cần phải đánh giá lại mô hình này), hoặc thậm chí giải tán, xóa sổ.

Căn cứ vào phân tích nêu trên, chúng tôi thấy rằng với vai trò “máy cái”, trường sư phạm cần được đầu tư về mọi mặt để Trường sư phạm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tại các địa phương và là trung tâm văn hóa, khoa học sư phạm của địa phương.

Sứ mạng này nhằm thực hiện chính sách trong thời gian sắp được quy định trong Luật Giáo dục, Luật giáo dục đại học sửa đổi, Điều lệ trường Cao đẳng Sư phạm và trung cấp sư phạm.

Để thực hiện được sứ mạng đó, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh kiến nghị, trước hết phải xác định rõ ràng bằng quy định, trường Cao đẳng Sư phạm thuộc giáo dục đại học hay giáo dục nghề nghiệp hay cả hai?

Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) quy định “Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng”.

Theo quy định này, nếu trường sư phạm là trung tâm văn hóa (học tập cộng đồng), là cơ sở nghiêm cứu khoa học sư phạm thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật.

Thứ hai, cần phải phân tầng đào tạo. Theo đó, trường đại học sư phạm đào tạo trình độ sau đại học là chủ yếu và đào tạo trình độ đại học (một số ngành trường sư phạm địa phương không đào tạo được hoặc nhu cầu không lớn); trường cao đẳng sư phạm đào tạo trình độ chuẩn; liên kết, phối hợp với trường đại học sư phạm đào tạo trình độ trên chuẩn (đại học).

Sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm theo hướng có phân nhóm (các trường sư phạm địa phương nơi có trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đào tạo giáo viên trình độ đại học;

Các trường sư phạm địa phương khác) để thành phân hiệu trường đại học sư phạm hoặc sáp nhập với đại học hoặc phát triển thành trường Sư phạm với tên gọi (Trường Sư phạm + địa danh); 

Sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm có lộ trình cụ thể tương ứng với các điều luật liên quan. Chẳng hạn, trong giai đoạn trước mắt có thể giao trường sư phạm đào tạo chuyển tiếp cho các trường đại học sư phạm.

Trường sư phạm là hệ thống vừa đào tạo giáo viên vừa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; đồng thời nên là trung tâm học tập cộng đồng, có hệ thống trường chất lượng (mầm non, phổ thông) là các cơ sở thực hành, thực tập sư phạm.

Trước mắt, cần có những quy định bằng văn bản điều hành hoặc văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương (mà trực tiếp là các Sở Giáo dục và Đào tạo) giao nhiệm vụ cho trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục;

Sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 127/2018/NĐ-CP về quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo (thay nghị định 115/2010/NĐ-CP); Điều lệ trường Cao đẳng sư phạm (thay thế thông tư 01/2015/TT-BGDĐT).

Trong những năm trước mắt, giao nhiệm vụ cho trường sư phạm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục.

Thùy Linh