Nhiều trường ĐH khối sư phạm kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết với DN

06/10/2023 09:23
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại diện các trường ĐH thuộc CLB khối Sư phạm Kỹ thuật đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai cũng như giải pháp tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Chiều 5/10, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) tổ chức hội nghị “Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học – Hướng đi Hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp”.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức hội nghị “Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học – Hướng đi Hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp” (Ảnh: PL)

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức hội nghị “Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học – Hướng đi Hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp” (Ảnh: PL)

Hội nghị tập trung tham luận về cơ chế, chính sách hỗ trợ và cách thức hoạt động thương mại hoá các sản phẩm công nghệ giữa trường đại học - doanh nghiệp để hình thành “Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ" trong khối các trường sư phạm kỹ thuật.

Các giải pháp thúc đẩy hình thành “Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ” cũng như những kinh nghiệm chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ của các trường đại học thuộc Câu lạc bộ khối Sư phạm kỹ thuật - thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là “chiến lược mũi nhọn”

Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi – đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đẩy mạnh liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp sử dụng lao động có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bởi đây là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Thách thức đặt ra đối với các trường đại học là phải thay đổi trong công tác đào tạo để phù hợp với yêu cầu tất yếu khách quan của quy luật cung - cầu.

Do đó, cần dịch chuyển quá trình đào tạo từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực với định hướng ứng dụng nghề nghiệp.

Phương thức giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn này, chính là cần phải đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác và khai thác hiệu quả các giá trị của mối quan hệ liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một “chiến lược mũi nhọn", là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (Ảnh: PL)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một “chiến lược mũi nhọn", là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (Ảnh: PL)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi đề xuất 4 giải pháp giúp hoạt động liên kết với doanh nghiệp, phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, song song đó là phát triển những đề tài khởi nghiệp của sinh viên có thể được triển khai vào thực tế, phục vụ cho đời sống xã hội.

Thứ nhất, cần cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, có chuyên môn cho hoạt động khởi nghiệp, đào tạo kiến thức và kĩ năng về hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên và tổ chức các cuộc thi, sự kiện khởi nghiệp để tìm kiếm các ý tưởng, dự án và hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Thứ hai, trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm trường đại học có trách nhiệm đào tạo; nâng cao năng lực các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như kết nối với các nguồn lực từ tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước.

Thứ ba, cần có các cơ chế, nội dung, quy định, chính sách ưu đãi, rõ ràng, cụ thể trong các biên bản và dự án đầu tư vào khoa học,công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa trường với quỹ đầu tư và doanh nghiệp, khai thông quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp

Thứ tư, tạo điều kiện và khuyến khích các nhà khoa học tham gia và tích cực trong hợp tác với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Chiều rộng và độ sâu của mối liên kết này tùy thuộc nhiều vào sự định hướng của các cơ quan chức năng, sự lựa chọn phương thức cũng như sự thỏa hiệp của các chủ thể.

Hiệu quả trong những hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong những năm qua đã đem đến lợi lịch bền vững cho cả 3 phía: nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên. Việc tăng cường mỗi liên kết với đã giúp đã giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là kỹ năng thực hành cho sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.

Giảng viên cần làm gì để có được hợp đồng nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp?

Còn theo Thạc sĩ Lê Tấn Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, để tăng cường khả năng liên kết được với các doanh nghiệp, ứng dụng được các kết quả nghiên cứu khoa học và có thể chuyển giao cho doanh nghiệp thì trước tiên, doanh nghiệp và giảng viên phải được gặp nhau.

Thạc sĩ Lê Tấn Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những điều giảng viên cần lưu ý khi thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp (Ảnh: PL)

Thạc sĩ Lê Tấn Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những điều giảng viên cần lưu ý khi thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp (Ảnh: PL)

Trong đó, nhà trường cần phải có những cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện cho giảng viên có điều kiện gặp mặt trao đổi, khảo sát và làm việc cụ thể với doanh nghiệp.

Về phía giảng viên, để thực hiện việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thì giảng viên cần phải có năng lực cộng tác với doanh nghiệp. Người giảng viên trong trường đại học phải là chuyên gia trong lĩnh vực mình nghiên cứu.

Để trở thành "chuyên gia" trong lĩnh vực của mình, giảng viên nên định hướng cho mình chuyên sâu vào một hướng chính và một vài hướng phụ để tập trung nỗ lực lâu dài, tránh lan man và có khả năng đạt hiệu quả cao.

Đầu tư chuyên sâu cho chuyên môn mà mình được đào tạo trong nhà trường thông qua việc tham gia trao đổi học thuật với đồng nghiệp hay các buổi hội thảo khoa học công nghệ từ các công ty trong và ngoài nước tổ chức.

Ngoài kiến thức lý thuyết chuyên sâu còn cần đầu tư thêm các kỹ năng thực tiễn về thiết bị, máy móc và các dụng cụ chuyên dùng cho lĩnh vực mà mình nghiên cứu.

Giảng viên cũng cần hiểu được bài toán và những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải để từ đó, phân tích và đưa ra các giải pháp thực hiện. Dù không tham gia trực tiếp triển khai nhưng giảng viên có thể làm cố vấn kỹ thuật cho đội ngũ của công ty.

Ngoài ra, giảng viên cũng cần nắm được đặc thù của các doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam đa số là doanh nghiệp sản xuất nên họ cần các nghiên cứu cụ thể để áp dụng vào sản xuất, nhanh sinh ra lợi nhuận.

Doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam hiện chỉ có bộ phận kỹ sư cho việc bảo trì và vận hành thiết bị mà chưa đầu tư nhiều cho bộ phận nghiên cứu và cải tiến trong nhà máy. Muốn cải tiến hệ thống thì cần nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên gia kỹ thuật. Đây cũng là cơ hội cho việc chuyển giao công nghệ từ giảng viên. Để làm được điều đó, giảng viên cần phải nghiên cứu và triển khai thật chuyên nghiệp.

Nhằm hỗ trợ giảng viên, hiện Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có tư cách pháp nhân và đại diện bảo lãnh cho giảng viên khi thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp.

Giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với doanh nghiệp

Đóng góp tham luận tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn – đại diện cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm định hướng hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo gắn với doanh nghiệp.

Cụ thể, cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đến chuyển giao công nghệ và thương mại hoá. Trong đó, lấy công trình khoa học hoặc sản phẩm, sáng chế có giá trị đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội làm thước đo đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên trong trường.

Các cơ sở giáo dục đại học luôn phải nhận thức việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ gắn với doanh nghiệp công nghệ là động lực cho sự phát triển và là nguồn thu của trường khi tự chủ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn – đại diện cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm định hướng hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo gắn với doanh nghiệp (Ảnh: PL)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn – đại diện cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm định hướng hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo gắn với doanh nghiệp (Ảnh: PL)

Bên cạnh đó, cần coi xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những giải pháp quan trọng, then chốt góp phần thiết thực triển khai đổi mới khoa học và công nghệ một cách căn bản và toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong nhà trường thông qua: Thực hiện các đề tài nhiệm vụ chương trình khoa học và công nghệ các cấp, phát triển cả về số lượng và chất lượng các công trình công bố khoa học của cán bộ, giảng viên trên các tạp chí trong nước và quốc tế thuộc danh mục Wos/Scopus. Đồng thời, xây dựng và tổ chức các chương trình hội thảo quốc gia, quốc tế gắn với các ngành đào tạo trong nhà trường và xu hướng phát triển chung của thế giới về khoa học và công nghệ.

Phạm Linh