Lương giáo viên là vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Điệp khúc lương giáo viên không đủ sống, lương giáo viên thấp… được phân tích mổ xẻ rất nhiều.
Đến năm 2018, trong văn bản góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, nội dung này đã không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
Tuy nhiên, mới đây, khi góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục, Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất lương giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã nhận được sự đồng thuận cao của nhiều nhà giáo và những người tâm huyết với ngành giáo dục.
Bởi lẽ nhiều chuyên gia cho rằng, nếu có tiền lương thích đáng thì có thể thu hút người giỏi vào ngành sư phạm hơn nữa, Nghị quyết 29/NQTW xác định ưu tiên xếp lương xếp cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương của khối hành chính sự nghiệp tuy nhiên đến nay đã hơn 5 năm nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, muốn tăng lương giáo viên cần mạnh dạn cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém (Ảnh: Thùy Linh) |
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) rất đồng tình với ý kiến của Giáo sư Trần Hồng Quân tuy nhiên thầy Khang cũng còn băn khoăn về việc lấy kinh phí từ đâu để tăng lương cho nhà giáo như trên khi mà ngân sách còn hạn hẹp, nợ công vẫn còn ở mức cao…
Từ đó, thầy Khang cho rằng, chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất và tiền bạc, chính sách không vẽ được ra tiền.
Vì vậy, ngành giáo dục cùng với ngành nội vụ cần phải xốc lại đội ngũ; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; giảm biên chế thừa; mạnh dạn cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém...
"Làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững", ông Khang nhấn mạnh.
Mức lương tối thiểu của giáo viên phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng |
Hiệu trưởng Trường Marie Curie cũng nhận định, nghiêm túc mà đánh giá 100 giáo viên thì chỉ khoảng 75 có chất lượng đảm bảo, điều đó có nghĩa ít nhất ¼ giáo viên làm việc không hiệu quả, bám vào ngành chỉ để nhận lương.
Do đó nếu chúng ta mạnh dạn giảm đi ¼ đội ngũ đồng thời tăng năng suất làm việc của ¾ số lượng giáo viên còn lại thì chắc chắn lương sẽ tăng lên, thậm chí lương giáo viên cao hơn cả lực lượng vũ trang cũng không sao cả.
Theo thầy Khang, nguồn gốc của nâng lương là tăng năng suất lao động. Đó là nguyên lý của thực tiễn.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Chế độ tiền lương cho giáo viên không nên thua kém so với những ngành nghề như công an, quân đội và khi sinh viên ra trường phải được phân công bố trí việc làm”.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Cường còn nhấn mạnh: “Đối với chế độ lương cho các giáo viên cần một chế độ thỏa đáng để đúng với vị thế một nghề mà xã hội tôn vinh là cao quý.
Chế độ lương tốt để các thầy cô toàn tâm toàn ý hết lòng vì sự nghiệp giáo dục”.
Cũng theo vị này: “Đầu tư cho giáo dục không phải đầu tư cho ngày hôm nay mà đầu tư cho tương lai. Trong đầu tư cho ngày hôm nay thì đầu tư cho người thầy - bộ máy cái là đầu tư trực tiếp nhất cho giáo dục.
Rõ ràng không thể xem nhẹ, hay chế độ lại thấp so với các lĩnh vực khác”.
Ông Hoàng Văn Cường khẳng định: “Nếu thực sự có chế độ tiền lương thỏa đáng cho giáo viên thì sẽ tác động lớn mang tính mấu chốt của ngành Giáo dục”...