Ngay từ những ngày đầu năm mới 2019 này, khi trả lời báo chí thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chọn từ khóa là “giảm áp lực cho giáo viên” khiến cho nhiều thầy cô dưới cơ sở cảm thấy như mình đang được cởi trói.
Song hành với lời nói của Bộ trưởng là Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Đồng thời, có những bước chuẩn bị để sửa đổi Thông tư 21 về thi giáo viên giỏi các cấp…
Điều này cũng đồng nghĩa là Bộ đã có chuyển động nhưng cấp dưới của Bộ mà đặc biệt là Ban Giám hiệu và một số lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương thì hình như vẫn dửng dưng trước những chỉ đạo này.
Tự chủ về chuyên môn vẫn là điều xa xỉ đối với giáo viên ( Ảnh minh họa: Báo Nhân dân) |
Mặc dù từ lâu ngành giáo dục luôn chỉ đạo, hướng dẫn là các đơn vị tự chủ về chuyên môn. Thế nhưng, điều trớ trêu nhất mà mỗi lần Phòng, Sở về trường thanh tra vẫn lật từng trang biên bản họp tổ chuyên môn để soi kỹ từng chi tiết.
Tổ chuyên môn nào họp tổ mà phần thảo luận chuyên môn ghi trong biên bản ít là đương nhiên bị ghi vào biên bản thanh tra.
Theo quy định hiện nay, mỗi tháng họp tổ chuyên môn 2 lần, mỗi tổ có 5-7 người, thậm chí nhiều tổ chỉ có 3 người. Sách giáo khoa thì cơ bản vẫn giống như ngày đầu xuất bản.
Nếu có thảo luận chuyên môn thì cũng chỉ xoay quanh một số chuyên đề, tiết thao giảng hay một vài bài khó, thỉnh thoảng có bài kiểm tra định kỳ mới thảo luận về ma trận, hình thức ra đề…thì lấy đâu ra nhiều nội dung mà ghi trong biên bản họp tổ?
Mỗi người một vài ý, có người chẳng có ý kiến nào thì thư ký ghi khống vào hay sao?
Vậy nhưng, họ cứ lật biên bản mà thấy ngắn, thấy thảo luận chuyên môn chưa nhiều là họ phê…ít- câu này đọc qua thì bình thường nhưng nó lại rất nặng nề trong việc thực hiện quy chế chuyên môn.
Trong khi, thực tế bây giờ các cuộc họp kể cả của nhà trường hay Hội đồng bộ môn tổ chức thao giảng chuyên đề cũng có mấy ai ý kiến gì đâu.
Vậy mà, các cán bộ thanh tra cứ chăm chú và nội dung ghi chép trong sổ ghi biên bản của tổ chuyên môn để hạch sách.
Rồi sau đó là Phòng, Sở tổng hợp những nội dung mà cán bộ thanh tra đã ghi trong biên bản của mỗi đợt thanh tra để gửi đến toàn bộ các trường trong địa bàn để nhắc nhở, phê bình…
Bộ trưởng muốn “giảm áp lực cho giáo viên” nhưng cấp dưới thì sao? |
Khi cán bộ thanh tra dự giờ giáo viên giảng dạy trên lớp thì họ cũng soi từng chi tiết nhỏ nhất của người thầy. Soi từng lời nói, chữ viết, từng dấu câu đến thời gian cho từng tiết học.
Trong khi, nghề dạy học thì ai cũng biết với thời gian 45 phút (tiểu học chỉ 35 phút) chỉ là phần cứng cho một tiết dạy.
Có những bài học thì chỉ trong 1 tiết là phù hợp nhưng gặp những lớp mà có nhiều học sinh yếu thì người thầy phải giảng chậm hơn là điều rất bình thường trong giảng dạy.
Vậy nhưng, trễ giờ một chút họ cũng góp ý. Nhiều cán bộ thanh tra cứ làm như mình không phải và chưa từng là giáo viên nên chỉ cần giáo viên dạy chậm bài cũng góp ý và ghi vào biên bản.
Trong khi, dù quy định bài đó 1 tiết nhưng nếu bài dài, khó thì giáo viên phải căn cứ tình hình thực tế để giảng dạy miễn là làm sao để học sinh hiểu bài và họ sẽ điều tiết thời gian với những bài ngắn.
Nhưng không, chỉ cần tựa bài dạy và phân phối chương trình lệch nhau là thanh tra bắt bẻ, góp ý. Vậy, không biết là tự chủ chỗ nào?
Ngay cả việc sử dụng đồ dùng dạy học trên lớp họ cũng bị góp ý bằng những lời lẽ rất trịnh thượng.
Không sử dụng thì bắt lỗi không sử dụng, sử dụng thì vẫn có ý kiến là khai thác đồ dùng dạy học không tốt và ghi vào biên bản thanh tra. Phải nói rằng giáo viên làm như thế nào thì người dự giờ cũng bị góp ý. Không mặt này thì mặt khác.
Sổ sách thì hiện nay giáo viên có vô vàn các loại sổ sách khác nhau. Nhiều những loại số vô lý vẫn được thanh tra ghi là thiếu. Trong khi, từ lâu Bộ Giáo dục đã hướng dẫn giáo viên có 4 loại sổ.
Mới đây, Bộ lại ban hành Chỉ thị hướng dẫn cho toàn ngành về hồ sơ sổ sách của giáo viên. Nhưng, có lẽ không có trường nào, địa phương thực hiện như hướng dẫn của Bộ.
Vì thế, "phép vua vẫn thua lệ làng" và giáo cứ phải tuân theo "lệ làng" đã hình thành cố hữu từ rất lâu rồi.
Trường quy định thêm nhiều sổ, chuyên viên của Phòng, Sở, cán bộ thanh tra chuyên môn lại “đẻ” thêm những loại “sổ con” nữa.
Vì thế, mỗi lần thanh tra cấp trên về hay nhà trường kiểm tra nội bộ thì các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên phải “ôm” một đống sổ sách lên nộp với vô vàn các tên gọi khác nhau.
Điều mà chúng tôi tin rằng đến 90% hồ sơ số sách hiện nay của giáo viên ở các nhà trường chẳng có tác dụng gì ngoài chuyện làm vừa lòng người thanh, kiểm tra.
Chúng ta đều biết, mỗi trường, mỗi tổ chuyên môn có một đặc điểm tình hình riêng nhưng khi thanh tra lại góp ý kế hoạch này, kế hoạch kia không đúng. Phải như thế này, phải như thế khác.
Nhiều cán bộ thanh tra (chủ yếu là các thành viên Hội đồng bộ môn) không cập nhật được những văn bản mới và họ luôn hạch sách đủ điều.
Nói đi, nói lại với họ cũng đồng nghĩa mất lòng nhau mà càng nói thì họ càng moi ra đủ chuyện và đương nhiên cái sai bao giờ cũng là những giáo viên dưới cơ sở.
Nếu có dịp, lãnh đạo Bộ Giáo dục làm một chuyến “vi hành” tới các trường, giáo viên chúng tôi sẽ “khoe” với lãnh đạo đầu ngành về những loại hồ sơ sổ sách mà giáo viên đang phải thực hiện.
Chúng tôi sẽ "khoe" với lãnh đạo ngành về chuyện cán bộ thanh, kiểm tra của ngành giáo dục địa phương đang đi dự giờ, kiểm tra chuyên môn chúng tôi hàng năm như thế nào.
Lúc đó, Bộ sẽ biết giữa những chỉ đạo của mình và dưới cơ sở đã và đang khác nhau ra sao. Đồng thời sẽ hiểu được vì sao "đường đi" của các văn bản từ Bộ về cơ sở lại khó khăn và dài đến vậy!