Thế hệ giáo viên "mở đường"
Để rồi trở thành những thầy, cô giáo mang “cái chữ” đến cho học trò huyện Vĩnh Thuận với mong muốn góp một phần công sức nhỏ nhoi cùng xây dựng lại quê hương sau khi chiến tranh kết thúc.
Thế mà giờ đây, họ đã là hội viên Hội cựu giáo chức, một số người hiện đã ở cái tuổi gần kề lớp người “xưa nay hiếm” và có người đã vĩnh viễn ra đi!
Sau hơn 40 năm cống hiến, thầy Nguyễn Thượng Ngươn đã nghỉ hưu và cũng là Hội viên Cựu giáo chức, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang).
Thầy Nguyễn Thượng Ngươn – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Vĩnh Thuận trong một lần trao quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thầy là những giáo viên thuộc các khóa sư phạm đầu tiên của tỉnh Kiên Giang (từ khóa 1 đến khóa 5) được đào tạo cấp tốc từ 1 đến 3 tháng, dài nhất là 9 tháng.
Thầy Ngươn và một số giáo viên đã dạy học trước năm 1975 đã cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp xây dựng nền giáo dục cách mạng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân sau ngày đất nước thống nhất; trong đó những giáo viên kháng chiến đóng vai trò nòng cốt.
Mặc dù đất nước còn rất khó khăn vì hậu quả mấy mươi năm chiến tranh tàn phá, nhưng các giáo viên vào nghề với tinh thần lạc quan.
Thầy Ngươn kể, các thầy cô giáo ý thức cống hiến cao độ của tuổi thanh niên như lời một bài hát của nhạc sĩ Vân Dung “... kìa chân mây xa xôi, nắng hồng đang vẫy gọi; Ta lên đường phơi phới tuổi hai mươi...”.
Ra trường, các thầy cô với túi hành trang gọn nhẹ, tỏa đi khắp địa bàn trong huyện cùng chính quyền vận động nhân dân đóng góp tiền, vật liệu để dựng lên những phòng học bằng cây lá.
Trường học tuy đơn sơ nhưng vẫn bảo đảm có nơi sạch sẽ để các em đến học tập.
Những năm học đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, với nhu cầu học tập của con em nhân dân rất lớn, huyện nhà đã thành lập 13 trường Phổ thông cơ sở được lấy tên của xã đi kèm với số đếm như: trường Phổ thông cơ sở số 1, 2, 3 Vĩnh Hòa; số 4, 5 Vĩnh Bình Bắc; số 6, 7, 8 Vĩnh Bình Nam; số 9 Thị Trấn; số 10, 11 Vĩnh Thuận; số 12, 13 Vĩnh Phong.
Thầy Ngươn nhớ lại, số thầy, cô giáo sau nhiều đợt được Ty Giáo dục Kiên Giang bổ sung, đến năm 1978 toàn huyện có khoảng 600 người.
Đời sống của thầy, cô giáo lúc đó rất cơ cực. Tiền lương mỗi tháng từ 40 đến hơn 60 đồng, có lúc 3 đến 4 tháng không nhận được lương.
Thế hệ giáo viên “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân như ruột thịt
Ý thức được đất nước còn khó khăn, thầy Ngươn cùng mọi người sống, dạy học bằng tình thương yêu của chính quyền và nhân dân nơi mình công tác. Có nhiều gia đình phụ huynh học sinh nuôi thầy, cô giáo trong nhà nhiều năm không lấy tiền ăn, ở.
Thầy Ngươn chia sẻ, thời đó, giáo viên được quý trọng lắm, có gia đình tuy rất nghèo nhưng cũng tự nguyện đóng góp để làm trường và nuôi thầy cô giáo. Đáp lại tấm lòng trân quý ấy, các thầy cô đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân như ruột thịt.
Có thầy giáo được nhân dân quý mến đã làm mai mối, giúp thầy, cô giáo xây dựng gia đình, rồi sống cùng người dân để toàn tâm làm nghề dạy học.
Những năm đầu sau hòa bình lập lại, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng giáo viên vẫn sống và làm việc với tinh thần lạc quan cách mạng.
Người thầy sống với tinh thần, lý tưởng của người giáo viên nhân dân là, “người thầy giáo cách mạng” hết lòng vì thế hệ trẻ, vì học trò thân yêu của mình.
Giáo viên phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn, kiến thức sư phạm được trang bị đơn sơ vì đào tạo cấp tốc, trường lớp bằng cây lá phân tán khắp địa bàn, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, học sinh trong lớp có nhiều độ tuổi khác nhau.
Tiền lương giáo viên thuộc dạng “dăm cọc, dăm đồng”, tháng có tháng không... Nhiều thầy cô mơ ước có được điều kiện dạy học như các trường học hiện giờ.
Thầy Ngươn bùi ngùi nói: “Dù khó khăn như thế, nhưng chúng tôi vẫn vượt qua, cố gắng nhìn về tương lai mà làm việc... đoàn kết, vị tha, thương yêu để làm tròn trọng trách “trồng người” của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, người “kỹ sư tâm hồn” của thế hệ trẻ”.
Thầy Ngươn không phủ nhận, cũng có những thầy, cô không chịu nổi khó khăn cũng đã bỏ ngành đi tìm việc khác.
Nhiều năm qua đi, nhưng thế hệ giáo viên tiên phong vẫn nhớ mãi hành trang của thầy cô trường sư phạm trang bị trước khi vào nghề. Các giảng viên nhắc nhở thế hệ thầy giáo tương lai: “Lập trường, tư tưởng, kiến thức sư phạm và những bài hát về “nghề giáo” được ngành giáo dục coi như… ngành ca hát”.
Đến tận hôm nay, các cựu giáo chức vẫn nhớ những bài hát ca ngợi người thầy như: “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”, “Ước mơ xanh”, “Quà tháng Năm dâng Người”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”...
Những bài hát ấy khi được nghe lại, đã làm tâm hồn những người thầy cô giáo trẻ năm nào nay tuổi đã xế tà, mãi mãi tâm hồn vẫn “phơi phới tuổi hai mươi”.
Cũng bởi, các thầy cô là “Những người mở đường” và hoàn toàn hãnh diện vì đã không bỏ cuộc, vì đã vượt mọi khó khăn để làm tròn trách nhiệm được Đảng, nhân dân và ngành giáo dục giao cho.
Giờ đây, trở lại cuộc sống đời thường vui cùng con cháu, các thầy cô lại có mái nhà chung để cùng đón nhận và gặp gỡ, sẻ chia tình cảm ngành nghề, đồng nghiệp cùng nhau - là “Hội cựu Giáo chức huyện Vĩnh Thuận”.