LTS: Nối tiếp bài “Khi không còn là nhà giáo có phải trả lại học hàm giáo sư, phó giáo sư?”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường Cao đẳng - Đại học Việt Nam) tiếp tục đóng góp một số kiến nghị về vấn đề xã hội hóa giáo dục.
Theo đó, tác giả chỉ ra một số điểm bất cập trong các quy định về loại hình đại học tư thục ở Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết.
Vấn đề thứ ba: Xã hội hóa giáo dục
Về cụm từ “xã hội hóa giáo dục” đã có một số ý kiến nên thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức (chủ yếu là về ngôn từ).
Mười năm trước, cố Giáo sư Bùi Trọng Liễu (Giáo sư Đại học Lille (1963-1969), giáo sư Đại học René Descartes - Paris 5) đã có ý kiến về chủ trương này.
Trong một bài viết đăng trên Vietnamnet.vn ngày 11/12/2007 với tiêu đề “Những kỳ dị đằng sau cụm từ 'xã hội hóa' giáo dục” ông cho rằng:
“Ở các nước phương Tây, dù là người cộng sản hay không, cụm từ “xã hội hóa” (tiếng Pháp là socialisation, từ ngữ mà tôi quen thuộc) từ trước tới nay, vẫn thường được dùng theo nghĩa “tập thể hóa”, “đặt dưới chế độ cộng đồng”, “quản lý hay điều khiển [của nhà nước] nhân danh xã hội”, v.v.
Tôi nghĩ rằng các ngôn ngữ nước khác, qua từ điển, thấy cũng có nghĩa tương đương.
Cho nên tôi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện cụm từ “xã hội hóa” ở Việt Nam ta – có lẽ là xuất hiện từ khoảng mươi năm nay, và càng ngày càng bị sử dụng một cách thản nhiên theo nghĩa ngược lại - theo nghĩa đẩy gánh nặng tài chính lên vai người công dân , và trao cho tư nhân đảm nhiệm một số lĩnh vực thuộc bổn phận nhà nước phải quản lý, đặc biệt là giáo dục đào tạo”.
Việc xã hội hoá giáo dục còn nhiều vấn đề cần xem xét. Ảnh minh hoạ: Phương Vy/TTXVN |
Ông kết luận:
“Thiết tưởng đừng dùng cụm từ “xã hội hóa” để nhập nhằng che đậy việc ép buộc đóng học phí cao hay những chi phí nhì nhằng gì khác trong hệ thống công lập.
Còn các trường tư thì tùy mức độ; tuy nhiên tư bản hoang dã kiểu thế kỉ 19, và kinh doanh giáo dục tàn nhẫn, ngày nay không còn tồn tại ở đa số các nước trên thế giới nữa”. [1]
Chủ trương “xã hội hóa giáo dục” đã được luật hóa trong một số luật ban hành gần đây.
Khoản 3 điều 12 Luật Giáo dục đại học quy định:
“Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận;
Ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi”.
Khái niệm “vụ lợi” được đưa vào luật phải chăng nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng “kinh doanh giáo dục tàn nhẫn” như ý kiến cố Giáo sư Bùi Trọng Liễu?
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 60 trường tư thục và dân lập.
Như vậy là sau 5 năm kể từ khi Luật được ban hành, ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa thể công bố chính xác cả nước có bao nhiêu đại học tư thục?
Vì sao quy định của Luật Giáo dục đại học sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện triệt để?
Quy định trong Luật “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi” nên được hiểu như thế nào?
Từ “vụ lợi” trong tiếng Việt được hiểu là mưu cầu lợi ích cho bản thân, “vụ lợi” thường bị hiểu với ý nghĩa không quan tâm đến lợi ích cộng đồng.
Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế! |
Trong các văn bản chính thức, Đảng và Nhà nước đã đề cập đến nguyên tắc cốt lõi là xây dựng một quốc gia “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong năm mục tiêu đó, mục tiêu đầu tiên là “dân giàu”, dân không giàu nước không thể mạnh.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công bố bốn trụ cột của học tập là:
Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together (học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác). [2]
Hai trong bốn trụ cột đó là “học để làm và học để xác lập mình” cho thấy mục đích của học tập không tách rời những quyền lợi cá nhân (tất nhiên là phải phù hợp với khuôn khổ pháp luật).
Từ định nghĩa của UNESCO, có thể thấy việc cá nhân (tư nhân) tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo không thể bị tước đoạt quyền và lợi ích hợp pháp là thu lợi nhuận từ nguồn vốn bỏ ra.
Quy định “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi” là chưa rõ ràng nếu chỉ giải thích “vụ lợi” với ý nghĩa xấu, trong khi nhà nước khuyến khích người dân, nhất là tầng lớp trẻ “làm giàu trên quê hương mình”.
Tư nhân bỏ vốn thành lập đại học với mục đích “có lợi nhuận” tức là “vụ lợi”, điều này không thể cấm bởi nếu cấm thì đương nhiên Nhà nước chỉ cho phép tồn tại loại trường tư thục “phi lợi nhuận”.
Vấn đề là các quy định hiện hành về loại hình đại học tư thục “vì lợi nhuận” hiện nay đã hợp lý? Trả lời câu hỏi này xin nêu một số điều trong Luật và văn bản dưới luật:
Khoản 2, 3 điều 17 Luật Giáo dục đại học:
2. “Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường…”.
3. Thành viên hội đồng quản trị:
a) Đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định;
b) Hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên.
Khoản 4 điều 69 Luật Giáo dục đại học:
“Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ;
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; thực hiện xã hội hoá giáo dục đại học;
Bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học tại địa phương”.
Quan niệm sai lầm về “địa phương chủ quản” - thực trạng và kiến nghị |
Quy định này được cụ thể hóa bởi Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg (Quyết định 70) ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Khoản 3 điều 21 Quyết định 70:
“Chủ tịch hội đồng quản trị được bầu trong số các thành viên của hội đồng quản trị theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng quản trị đồng ý.
Chủ tịch hội đồng quản trị có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Là chủ tài khoản của nhà trường;…”
Điều 22 Quyết định 70 quy định những người đứng ra thành lập trường phải:
“Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính cử đại diện tham gia hội đồng quản trị; đề nghị tổ chức Đảng, đoàn thể của trường cử đại diện tham gia hội đồng quản trị;
Tổ chức để tập thể các thành viên góp vốn, tập thể giảng viên bầu các đại diện của mình tham gia hội đồng quản trị; báo cáo danh sách thành viên hội đồng quản trị với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Trong cả Luật Giáo dục đại học và Quyết định 70, ít nhất có 5 thành viên Hội đồng quản trị không phải là người góp vốn gồm: Đại diện chính quyền, Đảng, đoàn thể (công đoàn, thanh niên), giảng viên và Hiệu trưởng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị là chủ tài khoản, nhưng lại được bầu trong số các thành viên của Hội đồng quản trị, còn các thành viên của Hội đồng quản trị lại phải có ít nhất 05 đại diện không phải là người góp vốn.
Một cá nhân bỏ toàn bộ vốn xây dựng trường, nếu Hội đồng quản trị buộc phải có 7 thành viên theo luật định và nếu có từ 4 đến 6 thành viên không bầu cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư không thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trong trường hợp này ai sẽ là “chủ tài khoản của nhà trường”?
Liệu nhà đầu tư có yên tâm giao tiền bạc, tài sản của mình cho người khác quản lý mà khả năng mất trắng không phải là không tồn tại?
Những người không góp vốn, không phải là cổ đông như: đại diện chính quyền địa phương, đại diện các tổ chức, đoàn thể quần chúng, đại diện giảng viên tham gia Hội đồng quản trị tức là trở thành “đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường” liệu có phải là một quy định hợp lý, phù hợp với quyền sở hữu tài sản (hợp pháp) của nhà đầu tư?
Người viết cho rằng quy định chính quyền địa phương - nơi các đại học ngoài công lập đặt trụ sở chính - và đại diện các tổ chức đoàn thể, giảng viên được quyền cử người tham gia Hội đồng quản trị nhà trường cần phải được xem xét lại để bảo đảm nhà đầu tư có quyền quyết định với đồng vốn mình bỏ ra.
Trong trường hợp nhà nước vẫn muốn các thành phần nêu trên tham gia Hội đồng quản trị đại học tư thục thì phải nên xem lại hình thức quản trị nhà trường.
Trong trường hợp này thay thế Hội đồng quản trị bằng “Hội đồng trường”, đồng thời bỏ đi quyền “chủ tại khoản” của Chủ tịch Hội đồng trường liệu có phải là biện pháp khả thi như một số ý kiến đã đề cập? [3]
Hội đồng trường chịu trách nhiệm chủ yếu về mặt học thuật chứ không phải tài chính.
Quản trị theo mô hình này có thể xuất hiện mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và các thành viên Hội đồng trường, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến là giải thể trường.
Khi đó quyền lợi của người lao động và người học sẽ được giải quyết thế nào?
Liệu có nên bắt buộc chủ đầu tư phải “lập quỹ đề phòng rủi ro” như ngành ngân hàng, xăng dầu,… đang thực hiện?
Rõ ràng là hiện tại một số điều khoản liên quan đến đại học tư thục hoặc là chưa rõ ràng, tự mâu thuẫn, hoặc là nửa vời, không bao quát được mọi tình huống có thể xảy ra vì thế việc sửa đổi là cần thiết và việc sửa đổi này cần đến sự tham gia của đội ngũ chuyên gia luật có kinh nghiệm.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vnn.vietnamnet.vn/10nam/donghanh/2007/12/759151/
[3]http://www.thesaigontimes.vn/119179/Quan-tri-dai-hoc-tu-thuc-the-nao?.html