Những ưu điểm của chính sách điều chuyển giáo viên tại Quảng Ngãi

12/08/2017 06:34
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Đây được xem là những cách làm hay trong công tác tổ chức, quản lý cán bộ, giáo viên ở tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương khác có thể học tập, nghiên cứu áp dụng.

LTS: Quyết định điều chuyển giáo viên giữa các trường tiểu học và trung học cơ sở của thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên.

Với hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Sông Trà cho rằng việc điều chuyển giáo viên dạy hơn 10 năm và giáo viên là người thân của Ban giám hiệu là một chính sách hợp lý.

Bởi như vậy sẽ khiến giáo viên tích cực hơn với việc dạy học và tránh những tiêu cực trong giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, Ủy ban nhân dân Thành phố Quảng Ngãi vừa có quyết định điều chuyển giáo viên giữa các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

Theo đó, có 114 giáo viên được điều chuyển, trong đó có 60 giáo viên bậc trung học cơ sở và 54 giáo viên tiểu học.

Giáo viên được điều chuyển đã nhận quyết định đến đơn vị mới từ ngày 1/8/2017. Giáo viên thuộc diện điều chuyển là những giáo viên đã có từ 10 năm trở lên giảng dạy tại trường cũ và còn trên 5 năm công tác trong ngành.

Chủ trương điều chuyển giáo viên tại Thành phố Quảng Ngãi mang lại nhiều điểm tích cực. (Ảnh minh họa: Báo Quảng Ngãi)
Chủ trương điều chuyển giáo viên tại Thành phố Quảng Ngãi mang lại nhiều điểm tích cực. (Ảnh minh họa: Báo Quảng Ngãi)

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi, ngoài việc đối chiếu theo số lượng năm công tác tại trường cũ và năm còn công tác trong ngành, Phòng còn xem xét thêm thông tin về chỗ ở của giáo viên để tính toán việc điều chuyển hợp lý, tạo sự đồng thuận tốt hơn trong số giáo viên được điều chuyển.

Lúc đầu nhận được chủ trương này, nhiều thầy cô giáo trong diện phải điều chuyển ở đây có phần hụt hẫng, lo lắng vì đã quen với ngôi trường cũ, vì sợ phải đi dạy xa, vì sợ phải làm mới tất cả lại từ đầu…

Nhưng sau khi được nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố làm tốt công tác tư tưởng và việc sắp xếp, điều chuyển hợp lý nên tất cả 114 giáo viên được điều chuyển đều thoải mái, nhẹ nhàng về tư tưởng và vui vẻ nhận nhiệm ở các trường mới trên địa bàn thành phố.

Những ưu điểm của chính sách điều chuyển giáo viên tại Quảng Ngãi ảnh 2

Điều chuyển giáo viên, người vui vẻ chấp nhận, kẻ nhất quyết không đi

Là một cán bộ quản lý giáo dục, một thầy giáo đã có hơn 20 công tác trong ngành giáo dục, tôi rất đồng tình và đánh giá cao cách làm trên của thành phố Quảng Ngãi.

Cái được của việc điều chuyển giáo viên ở đây là hạn chế tình trạng học sinh xin học trái tuyến, gây quá tải cho các trường học trung tâm thành phố Quảng Ngãi, gây áp lực cho giáo viên, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường ngoại thành.

Cái được tiếp theo là làm mới tư duy, cách làm việc, cách dạy học của các thầy cô giáo.

Ở lâu, ở mãi một trường duy nhất đến lúc nghỉ hưu, một số thầy cô giáo có biểu hiện mỏi mệt, chủ quan, thậm chí ì ạch, ỷ lại… trong công tác chuyên môn và các công tác khác.

Nay được điều chuyển đi đến trường khác; thứ nhất là trau dồi, học hỏi và vận dụng được những cái mới, cái hay của trường mới, đồng nghiệp mới; thứ hai là đem những kinh nghiệm, cái tốt của mình tích lũy được từ trường cũ, trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp ở trường mới, giúp cho hoạt động chuyên môn, giáo dục học sinh ở tổ, nhà trường thêm khởi sắc.

Cách đây gần 10 năm, nhiều thầy, cô giáo của trường trung học cơ sở xã T.B (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) rất bức xúc, khó chịu trước thái độ, cách ứng xử dạng bề trên, ta đây, coi thường đồng nghiệp, cậy thế chồng của một cô giáo, vợ của Hiệu trưởng nhà trường khiến cho nội bộ giáo viên nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất đồng, căng thẳng…

Từ sự việc cụ thể này, năm ấy, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) từng có quyết định rất đáng chú ý, là điều chuyển tất cả vợ hoặc chồng có chồng hoặc vợ là Ban giám hiệu cùng trường đi trường khác.

Những ưu điểm của chính sách điều chuyển giáo viên tại Quảng Ngãi ảnh 3

Điều chuyển giáo viên “miếng mồi” béo bở cho nhiều lãnh đạo

Quyết định vừa ban hành ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh lớn của đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện.

Bởi lẽ, dẹp được tình trạng các “bà huyện”, “ông xã” của lãnh đạo nhà trường làm trời, làm đất, quen thói dựa dẫm, ỷ thế người thân của sếp, thiếu trách nhiệm trong công việc, coi thường anh, chị, em đồng nghiệp…

Mặt khác, giúp cho các Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng không còn vướng bận người thân, thuận lợi, khách quan, công bằng trong phân công, xử lý và đánh giá giáo viên.

Sau một thời gian, nhờ có quyết định sáng suốt, kịp thời ấy, bầu không khí của tập thể đồng sư phạm, đội ngũ giáo viên của các trường có diện trên nhẹ nhàng, thoải mái, cởi mở, dân chủ hơn nhiều, không còn cảm giác bị xói mói, bị đối xử thiếu công bằng nữa. 

Hai quyết định nêu trên được xem là những cách làm hay trong công tác tổ chức, quản lý cán bộ, giáo viên ở tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương khác có thể học tập, nghiên cứu và áp dụng cho mình.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, ỳ ạch… khi dạy học ở một ngôi trường quá lâu năm, khi có người thân làm lãnh đạo nhà trường.

SÔNG TRÀ