LTS: Câu chuyện "chạy biên chế" trong ngành giáo dục vẫn là một bài toán chưa tìm được lời giải.
Sau khi đọc bài viết “Tại sao giáo viên cứ phải cắm đầu 'chạy’ vào biên chế?”, tác giả Chế Linh một nhà giáo tại Khánh Hòa đã có những chia sẻ và quan điểm về chất lượng giáo dục của những “thầy cô tương lai” này.
Tôn trọng ý kiến đánh giá đa chiều của tác giả, tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Suy nghĩ muốn có công việc tốt phải “chạy” thật sự đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều người, từ người già đến người trẻ, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nói đúng hơn, chính suy nghĩ này đã thui chột nhiều người giỏi thật sự, khiến họ bị gạt ra khỏi những môi trường tốt để phát triển và cống hiến.
Thực trạng này đã và đang diễn ra phổ biến và họ vẫn thường ví von đây là cơ chế “không nói ai cũng biết”.
Nếu muốn loại bỏ tư tưởng này trong nhận thức của nhiều người, thì đó là cả một vấn đề cần nhiều thời gian và sự thay đổi toàn diện.
Nói không với chạy biên chế có được không (Ảnh minh họa: laodong.vn). |
Đọc xong bài viết “Tại sao giáo viên cứ phải cắm đầu ‘chạy’ vào biên chế?”, tôi cảm thấy e ngại và có phần lo lắng cho chất lượng giáo dục của những “thầy cô tương lai” này.
Vì sao, thay vì tìm mọi cách “chạy biên chế” chính chúng ta không nỗ lực hoàn thiện kiến thức, năng lực sư phạm để thi tuyển một cách đường hoàng? Và đây là câu chuyện của chính tôi:
Vào năm 2013, tôi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn với tấm bằng thủ khoa trong tay. Cùng lúc đó có đợt thi tuyển viên chức giáo dục của một thành phố lớn tại Khánh Hòa, tôi đăng kí dự thi với sự háo hức nhưng cũng đầy nỗi lo toan.
Vì các anh chị khóa trước đều bảo: “Nếu một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường muốn đi dạy tại một thành phố lớn thì phải chi thật mạnh tay mới mong chen chân được”.
Khi ấy, bản thân gia đình thuộc hộ cận nghèo của phường, chi phí ăn học, đi lại vốn gặp nhiều khó khăn, huống chi là phải “chạy” việc để vào biên chế. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình và thầy cô, tôi vẫn mạnh dạn nộp hồ sơ để dự thi.
Quy định của đợt thi viên chức năm đó gồm hai mục điểm: điểm học tập nhân 2 và điểm thi thực hành cũng nhân 2. Điểm thi thực hành với thang điểm 100, 85% điểm ở phần thi soạn giáo án, 15% điểm còn lại ở phần thi vấn đáp.
So với các thí sinh khác, tôi có lợi thế về điểm tốt nghiệp do là thủ khoa nên quy đổi bảng điểm học tập tôi được xếp đứng đầu. Nhưng điểm thi thực hành sẽ có yếu tố quyết định “người đỗ kẻ trượt”.
Đề thi soạn giáo án rơi đúng vào bài tiếng Việt lớp 7, vốn là phần sở trường, tôi tự tin soạn giảng giáo án theo đúng 5 bước lên lớp; tích hợp kiến thức rõ ràng và thể hiện tốt các phương pháp dạy phân môn tiếng Việt.
Giáo án dù tốt đến đâu cũng cần phải có kĩ năng vấn đáp trôi chảy. Nhờ sự bình tĩnh và nắm chắc phương pháp, tôi cũng đã vượt qua “ải” vấn đáp trực tiếp trước ban giám khảo với điểm số tuyệt đối 15/15 điểm.
Giấc mơ biên chế và chuyện "không thể lý giải" |
Khi Phòng giáo dục và đào tạo công bố bảng điểm và danh sách thí sinh đỗ trong kì thi viên chức, tôi gần như vỡ òa cảm xúc khi tên mình xếp thứ 2, vị trí á khoa trong số những người đỗ.
Có thể vị trí thứ nhất luôn là niềm ao ước của nhiều người. Nhưng riêng tôi, bằng năng lực thực sự của mình, vị trí thứ 2 đã là “món quà” tuyệt vời, ngoài sức tưởng tượng.
Tính từ lúc nhận nhiệm sở về trường đến nay đã gần 5 năm giảng dạy, tôi đã có trong tay danh hiệu giáo viên giỏi; hướng dẫn học sinh giỏi thành phố/tỉnh; hướng dẫn học sinh đã giải Cuộc thi viết thư UPU quốc gia…
Ngẫm nghĩ lại thì số phận vẫn luôn dành cho những người giỏi thật sự một “con đường riêng” để họ chiếm lĩnh và thể hiện đúng khả năng của mình. Nhưng quan trọng họ phải biết nắm bắt và tận dụng cơ hội có “một không hai” này.
Liệu rằng có những trường hợp như tôi sẽ xảy ra nữa hay không? Tôi tin là có “nếu cương quyết nói không với các loại “chạy”.
Để không xảy ra những tình trạng “chạy cửa sau”, “chạy điểm”… thì mỗi bạn thí sinh khi tham gia bất cứ một kì thi tuyển dụng nào, hãy sẵn sàng nói không với tiêu cực. Không có người “chạy” thì sẽ không có người “ăn”.
Khi đó tất cả thí sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá một cách công bằng và công tâm. Năng lực mới chính là thứ quyết định chứ không phải tiền bạc hay những mối quan hệ ngoài luồng.
Ngay cả bản thân những thí sinh nắm trong tay những bằng cấp loại ưu, loại giỏi cũng không nên “ảo tưởng” về chính khả năng của mình. Có thể bạn học giỏi nhưng khi vào thực tế bạn sẽ lúng túng và sai lầm.
Từ kiến thức đến thực tiễn luôn có một khoảng cách nhất định. Nắm kiến thức thật vững, vận dụng nhịp nhàng và biết bổ sung những điều còn thiếu sót của bản thân. Đó sẽ là một phương châm làm việc cho những bạn muốn giỏi hơn nữa.
Cần có một cơ chế thi cử minh bạch
Điều này lại không nằm trong khả năng của các thí sinh mà chính những người quản lí phải thể hiện được vai trò “cầm cân nảy mực” của mình. Phải biết đề cao tư tưởng thi cử để chọn người tài chứ không phải lựa người nhà.
Sau mỗi cuộc thi cần công bố điểm cụ thể ở từng phần thi của mỗi thí sinh, để mỗi người tự so sánh, chứ không phải là cầm trên tay quyết định trúng tuyển hay không trúng tuyển một cách mập mờ, thiếu minh bạch.
Đối với một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, hành chính sự nghiệp… thì nên cho phép người dự thi được ngồi dự phần thi của những bạn khác, chứ không chỉ riêng sự đánh giá của ban giám khảo.
Làm được thế, tự khắc năng lực và trình độ của mỗi người sẽ được “phơi bày” một cách công khai. Đỗ hay trượt sẽ rõ ràng hơn.
Làm đúng chuyên ngành được đào tạo; thi tuyển một cách công bằng; thể hiện đúng khả năng thật sự…đó luôn là niềm mong mỏi của hàng trăm ngàn sinh viên đã và đang cầm trên tay tấm bằng đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp ra trường.
Đừng để sau những cuộc “chạy đua ngầm”, những người giỏi không được trọng dụng, còn những kẻ “kém tài” lại được cân nhắc lên những vị trí cao.
Bất công lắm thay!