LTS: Việc chuyển đổi này theo ông Cảnh có thể hiểu là đang chuyển từ tiểu tiết sang tổng quát.
Trên đây là nhận định của ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ). Ông Cảnh là người từng 40 năm sống và làm việc tại Mỹ, tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch phát tiển và đào tạo nhân lực tại Mỹ, thời gian gần đây ông thường xuyên theo dõi và tham gia phản biện các chính sách giáo dục tại Việt Nam.
Các ý kiến của ông được đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của bạn đọc trong và ngoài nước. Nhìn lại giáo dục trong năm cũ, đặc biệt là giáo dục đại học, ông Trần Đức Cảnh có đôi lời chia sẻ quan điểm cá nhân của ông.
Ông Cảnh cho rằng: “Xuất phát từ Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo và các đề án trước đó, năm 2014 thực hiện như nhập hai kỳ thi THPT và Đại học làm một, đó là khâu đột phá.
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ). |
Tuy có ý kiến khác biệt quan điểm về cách và thời gian thi, nhưng đây là quyết định mang tính cấp thiết, phù hợp với yêu cầu của xã hội và xu thế hội nhập phát triển. Quan trọng hơn hết là dấu hiệu Bộ GD&ĐT chuyển đổi tư duy quản lý giáo dục nhà nước từ tiểu tiết (micro-manament) dần sang tổng quát hơn, tập trung vào việc làm chính sách, định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển giáo dụcvà đào tạo lâu dài. Đây là mô hình quản lý giáo dục ở các nước phát triển.
Tạo không gian mở cần thiết cho các đại học phát huy, trong đó tự do học thuật, tự chủ tài chính và tự quản lý và chịu trách nhiệm là điều cốt lõi. Đây là dấu hiệu đáng mừng”.
Cũng theo ông Cảnh, nếu đi vào tiểu tiết của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thì có rất nhiều vấn đề, từ chất lượng đến cách và quy trình đào tạo…mỗi vấn đề đều có nguyên nhân sâu xa.
Quan điểm của ông Cảnh là cần đánh giá, nhân diện và đưa ra các giãi pháp cho các vấn đề mang tính hệ thống hiện nay một cách tổng thể, bởi nếu chỉ nhìn ở tiểu tiết thì sẽ bị cuốn vào mà không tìm ra một lối thoát. Việc này Không chỉ áp dụng riêng bậc đại học, mà toàn bộ hệ thống giáo dục hiện nay.
Hai kỳ tuyển sinh, học trò muốn học Đại học Quốc gia phải thi những gì?
(GDVN) - Cách thức tuyển sinh này cũng đồng nhất với đổi mới thi của Bộ GD&ĐT là nhằm tuyển chọn được những thí sinh có đầy đủ năng lực vào học đại học.
“Không ít người nhìn giáo dục Việt Nam như ly nước bị cạn một nửa (half-empty), tôi thì lạc quan hơn, nhìn ly nước như một nửa đầy (half-full). Tôi hy vọng cho một bắt đầu mới, mạnh mẽ và thuyết phục hơn, bằng cách chuyển trao các quyền căn bản cho đại học như tôi đề cập trên và tự họ chịu phải trách nhiệm ... là đột phá quan trọng nhất trong giáo dục đại học, và đây là thời điểm phù hợp nhất” ông Cảnh bày tỏ.
Trong năm qua, giáo dục đại học có nhiều đổi mới quan trọng, dấu mốc nhận thấy nhất có lẽ đó là ra đời Điều lệ trường đại học và cao đẳng. Nhận định về sự kiện này, ông Trần Đức Cảnh cho rằng việc ban hành Điều lệ này có hướng mở và thoáng hơn, đó là việc chuyển dần vai trò của Bộ GD&ĐT sang quản lý vĩ mô.
Trong Điều lệ vừa qua, điều mà ông Cảnh quan tâm nhất là đã nói rõ loại hình trường phi lợi nhuận. Tuy nhiên, xét một cách tỉ mỉ thì Điều lệ cho trường cao đẳng và đại học lần này cũng vướng vào các phần tiểu tiết.
Thậm chí, cũng có thể hiểu Điều lệ này gần như trở thành quy định nội bộ riêng của từng trường hơn là quy định chung của Bộ GD&ĐT. Điều lệ chung cần cái khung rộng và thoáng hơn, nhưng không kém phần chặc chẻ.
Cũng trong năm qua, nhiều quan điểm cho rằng giáo dục đại học cần đầu tư chất lượng, điều này sẽ được xiết chặt bằng cách không mở thêm các trường mới. Nhưng luồng khác lại cho rằng cần mở thêm trường để đảm bảo tỷ lệ sinh viên/vạn nhân như mục tiêu đề ra.
Đối với ông Trần Đức Cảnh, giáo dục Viêt Nam hiện nay cần cả về chất lượng lẫn số lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn phát triển mới. Theo ông, trước tiên là cần nhanh chóng chấn chỉnh lại quy trình và chất lượng đào tạo trước khi khuyến khích tăng số lượng trường cao đẳng và đại học. Quá trình tăng số lượng sinh viên và đại học trong hơn thập niên qua, đủ để cho ta rút ra bài học, về mặt tích cực lẫn khiếm khuyết của các vấnđề.
“Chúng ta đang cần một kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội trong chu kỳ 5-20 năm tới, và định hướng lâu hơn nữa. Số trường cao đẳng, đại học, số lượng sinh viên, ngành nghề đào tạo phản ảnh nhu cầu phát triển từng giai đoạn.
Để làm tốt điều này, công tác nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực, cần thực hiện ở quy mô rộng, đầy đủ và chất lượng. Như vậy khâu kế hoạch và thực hiện mới đạt hiệu quả.
Chúng ta đang ở trong một thời điểm lịch sử mà kinh tế-xã hội thế giới đang thay đổi ở độ siêu tốc, nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng như cầu hiện tại và các dự báo ngành nghể tương lai phải tương đối chính xác. ” ông Cảnh nhấn mạnh.
Nhân dịp năm mới, một năm với nhiều sự đổi mới của nền giáo dục, ông Trần Đức Cảnh mong rằng mùa hè này Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan địa phương tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó rút ra kinh nghiệm cho những năm sau. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần tự trị đại học bằng những chính sách và kế hoạch thực hiện cụ thể, từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các trường phát triển...