Phó GĐ Sở GD Thanh Hóa mong Bộ sớm hướng dẫn quản lý dạy, học thêm ngoài trường

13/09/2023 08:51
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành Giáo dục Thanh Hóa không có cơ sở để ban hành các văn bản chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đạt hiệu quả và đúng quy định.

Năm học mới 2023 – 2024 đã bắt đầu được 1 tuần, với ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, năm học mới sẽ là một năm nhiều thách thức trong việc duy trì và đạt được thành tích cao hơn năm học 2022 – 2023 đã đạt được.

Nhằm tìm hiểu những khó khăn, hạn chế của ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa và đề xuất kiến nghị của tỉnh này để tháo gỡ khó khăn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này khi năm học mới vừa bắt đầu.

Thiếu đội ngũ giáo viên, khó quản lý dạy thêm

Nói về những khó khăn, tồn tại của ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa khi bước vào năm học mới, ông Tạ Hồng Lựu cho biết:

"Năm học 2023 – 2024, bên cạnh những kết quả đạt được của năm học trước, ngành giáo dục Thanh hóa còn có những tồn tại, hạn chế như:

Chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các trường công lập và ngoài công lập. Chất lượng dạy văn hóa, dạy nghề ở một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chưa bền vững; chất lượng dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng được so với yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.

Công tác đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân, ý thức tự quản của học sinh, sinh viên ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học được Tỉnh Thanh Hóa, các huyện, thị quan tâm, song chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế và yêu cầu về trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018; kinh phí chi nghiệp vụ ở các đơn vị giáo dục thuộc khối huyện không đảm bảo gây khó khăn cho hoạt động dạy và học; tỷ lệ phòng học tạm, phòng học mượn, nhất là bậc học mầm non, hệ thống phòng học bộ môn còn thiếu. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn một số địa phương còn chậm so với yêu cầu".

Đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề thiếu đội ngũ giáo viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết:

"Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu, bất cập về số lượng, cơ cấu, chất lượng.

Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện nay, toàn ngành còn thiếu 10.474 giáo viên với tỷ lệ thiếu là 19% (mầm non thiếu 3.604, tiểu học thiếu 4.052; trung học cơ sở thiếu 2.466; trung học phổ thông thiếu 352. Ở các cấp học phổ thông, giáo viên tiếng Anh thiếu 376, giáo viên Tin học thiếu 749, giáo viên Âm nhạc thiếu 80, giáo viên Mỹ thuật thiếu 301).

Ảnh minh họa: vov.vn

Ảnh minh họa: vov.vn

Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên năng lực còn hạn chế, thiếu tinh thần vượt khó, còn vi phạm quy định pháp luật và đạo đức nhà giáo".

Một trong những vấn đề đang khiến ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa gặp khó chính là việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: "Ngày 26/8/2019 Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc bãi bỏ 1 số điều quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT (do hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26/11/2014; Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016 bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).

Vì vậy ngành Giáo dục gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, đồng thời không có cơ sở để ban hành các văn bản chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đạt hiệu quả và đúng quy định".

Về cơ sở vật chất, ông Tạ Hồng Lựu cho biết: "Việc mua sắm trang thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 tại Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành danh mục thiết bị mà không có khung giá thiết bị.

Việc đấu thầu mua sắm cũng gặp khó khăn khi danh mục thiết bị có tính chất đặc thù, hạn chế về số lượng đơn vị sản xuất và cung cấp (hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều chậm hoặc không mua sắm được trang thiết bị dạy học) và chưa kịp thời".

Ngoài những khó khăn đã nêu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa còn nói đến khó khăn về công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông hiệu quả chưa cao. Tình trạng dạy thêm, học thêm, thu chi ngoài ngân sách, liên kết đào tạo sai quy định vẫn còn diễn ra.

Trước những khó khăn tồn tại, năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Trong đó có những biện pháp thể hiện sự quyết tâm lớn như tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại quy mô trường, lớp đảm bảo hợp lý, phù hợp với điều kiện hiện có; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất ở những điểm trường chính để mở rộng quy mô, từng bước giảm dần các điểm trường lẻ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giữ vững và duy trì trật tự, kỷ cương, nền nếp các hoạt động giáo dục, phòng ngừa và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực; thực hiện tốt công tác kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, toàn diện, chuyên đề; kiểm tra, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm trong hoạt động giáo dục, nhất là trình trạng dạy thêm, học thêm, thu chi tài chính không đúng quy định...

Đề nghị Bộ có hướng dẫn về quản lý dạy thêm, học thêm ngoài trường

Cũng trên cơ sở khắc phục khó khăn, tồn tại, ông Tạ Hồng Lựu cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng có những kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan.

Trong đó, Thanh Hóa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại Khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, về số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập là các cơ sở giáo dục, đào tạo nên có quy định riêng căn cứ trên quy mô lớp do đặc thù các cơ sở giáo dục công lập ngoài quản lý viên chức, người lao động trong đơn vị thì còn phải quản lý số lượng người học rất lớn.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập; đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3 - 4 tuổi).

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.

Đối với khu vực miền núi có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường Tiểu học theo mô hình bán trú.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng có đề nghị với Chính phủ có chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn với mức phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng; nghiên cứu Chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa có nhiều kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khắc phục khó khăn. Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa có nhiều kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khắc phục khó khăn. Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển

Để giải quyết khó khăn về đội ngũ, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm cho Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ban hành quy định cụ thể thực hiện tinh giản biên chế của ngành giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng.

Ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 hoặc ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường.

Trước mắt, có văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý hoạt động dạy thêm học thêm, nhất là ngoài nhà trường để có căn cứ quản lý hoạt động này tại địa phương.

Rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT) để các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, đặc biệt là bậc trung học phổ thông trong quá trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trong khi chưa giao đủ biên chế, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế, bổ sung kinh phí hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng; đồng thời kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá (đặc biệt là với ngành giáo dục).

Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ quy định số lượng cụ thể (số lượng tối thiểu, tối đa) công chức làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc vì hiện nay, công tác quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc chưa thống nhất về: Chức năng, nhiệm vụ; số lượng công chức làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo

Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đồng bộ các giải pháp khả thi, phù hợp thực tiễn trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là các nội dung liên quan đến mua sắm trang thiết bị, lựa chọn sách giáo khoa, in ấn tài liệu giáo dục địa phương; định mức đội ngũ thực hiện Chương trình phổ thông mới, giải pháp cho giáo viên dạy môn tích hợp, môn tự chọn; việc lựa chọn môn học tự chọn, kiểm tra đánh giá, chuyển trường khi học sinh học không đồng nhất giữa các trường; thi tốt nghiệp, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng đối với học sinh học theo Chương trình mới...

Trần Phương