Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không cần dùng ngân sách làm sách giáo khoa

17/05/2020 06:00
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng không cần phải dùng đến ngân sách để biên soạn sách.

Thực hiện chương trình phiên họp thứ 45, ngày 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa  giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/5 (Ảnh: quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/5 (Ảnh: quochoi.vn)

Thẩm tra báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu rõ:

Về thực trạng biên soạn sách giáo khoa lớp 1 sử dụng cho năm học 2020-2021 thì hiện đã có 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản thực hiện theo chủ trương xã hội hóa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban hành.

Cả 3 nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa đều thuộc ngành giáo dục, trong đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ.

Từ đó, theo ông Phan Thanh Bình, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì biên soạn sách giáo khoa lớp 1.

Vị này phân tích, thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ sách giáo khoa mới.

Việc tập hợp các chuyên gia sẽ gặp khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản.

Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã huy động được nguồn lực các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục, tạo điều kiện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Sách giáo khoa cứ để xã hội hóa, Bộ không nên làm nữa
Sách giáo khoa cứ để xã hội hóa, Bộ không nên làm nữa

Do đó, Thường trực Ủy ban cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đồng thời Thường trực Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đoạn 3, điểm g, khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 88 như sau:

Nội dung đoạn 3, điểm g, khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 88:

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.”

Được sửa lại như sau: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Trường hợp cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”

Toàn cảnh Phiên họp ngày 16/5 (Ảnh: quochoi.vn)
Toàn cảnh Phiên họp ngày 16/5 (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, trước đây khi bàn về chuyện “Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ động biên soạn một bộ sách giáo khoa”, mọi người cũng thấy rằng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một bộ sách thì cũng không phải đã là tốt nhất.

“Bởi nếu có một bộ sách của Bộ giáo dục và Đào tạo biên soạn thì sẽ có thiên hướng các trường lại chọn bộ sách này mà không chọn những bộ sách của các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Như vậy cũng ảnh hưởng không tốt đến chủ trương xã hội hóa và tinh thần một chương trình, nhiều bộ sách”, ông Đam nói.  

Do đó, ông Đam đồng ý với kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không cần phải dùng đến ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa.

Vì sao Bộ Giáo dục chưa tổ chức biên soạn được sách giáo khoa?
Vì sao Bộ Giáo dục chưa tổ chức biên soạn được sách giáo khoa?

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh sự nỗ lực của Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa và thực hiện các nội dung của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

So với Nghị quyết, việc thực hiện bị chậm 2 năm nhưng đến nay đã có 5 bộ sách giáo khoa đưa ra Hội đồng thẩm định để đưa vào giảng dạy trong năm học mới;

Đề nghị phân tích thêm những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết còn chậm.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy nội dung hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa;

Tập huấn giáo viên, lắng nghe sự đồng thuận của phụ huynh học sinh đối với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Riêng về khoản16 triệu USD vay Ngân hàng thế giới để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa hiện nay chưa dùng đến thì Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nên đề nghị khoản vay này giao Chính phủ quản lý và sử dụng hiệu quả, không trái mục đích. Nếu không sử dụng đến thì càng tốt, càng tiết kiệm.

Thùy Linh