Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, dự kiến thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó, điểm mới trong dự thảo là nhà trường sẽ được thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, mỗi trường là một Hội đồng bao gồm: hiệu trưởng, hiệu phó hoặc giám đốc, phó giám đốc cơ sở giáo dục; tổ trưởng tổ chuyên môn; đại diện giáo viên; đại diện ban phụ huynh.
Còn Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định "Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa".
Mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa phù hợp và phải bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) |
Đề cao vai trò của nhà trường, tổ chuyên môn
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) cho rằng, điểm mới trong dự thảo sẽ tạo sự chủ động, tự chủ cho các nhà trường. Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy nên sẽ nắm bắt được tinh thần của bộ sách và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế.
“Hầu hết những đầu sách trường lựa chọn như thế nào thì đều được Sở giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt như thế. Sự tham gia của phụ huynh là điều rất tốt nhưng cũng tùy từng người. Vì sẽ có người chỉ tham gia cho có mặt nhưng cũng có những người nhận thức được và đánh giá đúng bộ sách”, thầy Cương nêu quan điểm.
Thầy Nguyễn Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường) |
Dự thảo mới cũng đề cập đến quy trình lựa chọn sách giáo khoa cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cao vai trò của tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn. Bởi thực tế, điều kiện vật chất cũng như đặc điểm của học sinh ở từng địa phương đều khác nhau. Giáo viên chính là người nắm bắt rõ nhất tâm lý, năng lực của từng học sinh và là người tiếp cận trực tiếp các bộ sách giáo khoa. Chính vì thế, thầy cô sẽ chọn lọc những nội dung kiến thức phù hợp nhất để giảng dạy cho học sinh của mình.
Ngoài ra, quy trình lựa chọn gồm 5 bước theo dự thảo mới cũng rất chặt chẽ gồm: Hội đồng xây dựng kế hoạch; Tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa; Hội đồng đánh giá việc lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa. Cuối cùng, Sở Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Thầy Phạm Huy Thiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) cho rằng: Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo sau khi các nhà trường gửi danh sách lựa chọn lên, Sở sẽ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt những bộ sách phù hợp. Sau đó từng nhà trường một phụ thuộc vào đặc thù của học sinh ở địa phương để lựa chọn tiếp cho hợp lý.
“Hiển nhiên điều đó sẽ thuận lợi hơn cho nhà trường trong việc lựa chọn, phù hợp với học sinh của mình hơn. Những bộ sách nào được đánh giá cao hơn sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay các trường cũng đều chọn sách khác nhau chứ không học nguyên một bộ. Nhưng để đảm bảo sự liền mạch cho học sinh theo học, mỗi môn sẽ chọn xuyên suốt một sách duy nhất. Ví dụ lớp 6,7,8 chọn sách Kết nối tri thức thì lớp 9 sau này cũng sẽ như vậy.
Ngoài ra, về cơ bản các bộ sách giáo khoa đều đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, chỉ có cách viết khác nhau. Giáo viên có thể căn cứ vào nhiều bộ sách làm tài liệu tham khảo".
Cần có sự tham gia góp ý của phụ huynh
Về thành phần của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của dự thảo có thành viên là đại diện phụ huynh học sinh. Điều này được nhiều thầy cô ủng hộ bởi phụ huynh là người sát sao kèm cặp con em học tập. Có thể phụ huynh chưa đủ chuyên môn nhưng họ cũng có những góp ý phù hợp với thực tế.
Thầy Trần Việt Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay nhà trường lựa chọn sách giáo khoa bằng phương pháp các tổ nhóm bộ môn, tổ nghiên cứu về sách giáo khoa sẽ họp lại. Sau đó có biên bản nêu ra điểm mạnh, điểm yếu của từng bộ sách. Tiếp theo, tổ nhóm sẽ chốt lại chọn sách nào. Theo đó, giáo viên cũng có thời gian rất dài từ khi nghiên cứu đến phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng bộ sách. Do đó, việc lựa chọn cũng tương đối hợp lý.
Còn phụ huynh sẽ nhìn vào 3 bộ sách hiện hành để xem hình thức của sách như thế nào, chất lượng giấy in đẹp hay xấu, giá cả bộ sách ra sao. Nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm đến giá cả các bộ sách. Vì họ là người trả tiền nên việc đánh giá giá cả cũng là một yếu tố trong chọn sách giáo khoa".
Thầy Trần Việt Anh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đại Áng,Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường) |
Thầy Việt Anh cũng cho biết thêm, hiện nhà trường đang sử dụng chủ yếu bộ sách Kết nối tri thức và một số cuốn của bộ sách Cánh Diều. Với sách giáo khoa lớp 9 chọn trong thời gian tới nhà trường sẽ căn cứ theo tinh thần đã lựa chọn các bộ sách lớp 6,7,8 trước đó.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Hòa Bình khẳng định: Về cơ bản dự thảo thông tư mới vẫn là Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định. Tuy nhiên, vai trò của nhà trường được đề cao hơn. Nhà trường sẽ nghiên cứu và thành lập Hội đồng lựa chọn sách phù hợp với tình hình thực tế tại trường.
Về việc phụ huynh tham gia vào việc lựa chọn sách giáo khoa, ông Minh cho rằng: “Việc để phụ huynh tham gia lựa chọn sách giáo khoa cũng tùy thuộc vào từng địa phương. Nhưng nhìn chung các trường cũng cần định hướng cho phụ huynh.
Phụ huynh cũng có kiến thức nhưng họ lại không nắm bắt được một quá trình dài trong việc thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa từ đầu nên suy nghĩ của phụ huynh sẽ khác, cũng có thể bất đồng quan điểm với trường. Ngành giáo dục vẫn phải có định hướng chung để việc lựa chọn sách giáo khoa được rõ ràng”
Cũng theo dự thảo, sau khi danh mục sách giáo khoa được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp học sinh và phụ huynh chủ động trong việc mua sách giáo khoa vào đầu năm học.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách cho phù hợp.