Yêu cầu từng giáo viên bộ môn nhận xét là hình thức, không có nhiều tác dụng

18/01/2023 06:44
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thay vì dành thời gian nhận xét từng học sinh hình thức này, giáo viên nên tập trung vào việc soạn giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Những vấn đề được đánh giá hình thức, áp lực lớn khi thực hiện chương trình mới

Trong quá trình giảng dạy, người viết và nhiều đồng nghiệp nhận thấy một số bất cập phát sinh khi thực hiện chương trình mới khiến giáo viên rất áp lực.

Đầu tiên là việc thiếu nhiều giáo viên bộ môn các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ, Ngoại ngữ 2, Giáo dục địa phương, Trải nghiệm, hướng nghiệp, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật,…

Vì thiếu nhiều giáo viên bộ môn nên đương nhiên thực hiện chấp vá, dạy trái chuyên môn hoặc không có chuyên môn nên đương nhiên học sinh không tiếp thu, giáo viên sẽ áp lực, chán nản;

Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý do không có giáo viên giảng dạy, dạy theo chủ đề phân môn nào giáo viên đó giảng dạy nên có giáo viên phải dạy đến 30 tiết/tuần, rất vất vả.

Giáo án chương trình mới dài lê thê, mỗi giáo án lại rất hình thức trong việc thực hiện chương trình mới, không có nhiều tác dụng, mỗi tuần giáo viên phải soạn 4 - 5 giáo án, gần cả trăm trang giấy thì quá vất vả, tốn thời gian, không còn thời gian để chuyên tâm vào nghiên cứu bài giảng để giảng dạy tốt;

Đề kiểm tra định kỳ mới yêu cầu phải có bản đặc tả dài hàng chục trang giấy cũng được đánh giá vô cùng hình thức, không làm tăng chất lượng của đề, tăng chất lượng học sinh;

Giáo viên phải nhận xét từng học sinh được đánh giá rất hình thức, gây áp lực lớn lên giáo viên.

Giáo viên bộ môn nhận xét từng học sinh rất hình thức - Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Giáo viên bộ môn nhận xét từng học sinh rất hình thức - Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Người viết xin được nêu những quy định về nhận xét học sinh theo chương trình mới theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT khi thực hiện chương trình mới ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Quy định về nhận xét học sinh theo Thông tư 22

Tại Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định:

“Hình thức đánh giá

1. Đánh giá bằng nhận xét

a) Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

b) Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.

c) Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.

d) Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

2. Đánh giá bằng điểm số

a) Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

b) Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

3. Hình thức đánh giá đối với các môn học

a) Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.

b) Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học quy định tại điểm a khoản này; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.”

Theo quy định tại Điều 5 này hiện nay có 2 cách hiểu khác nhau, cách hiểu thứ nhất là đối với các môn nhận xét Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ nhận xét mức Đạt và Chưa đạt, không ghi nhận xét bằng lời nói hoặc viết, các môn còn lại giáo viên phải nhận xét học sinh bằng lời nói hoặc viết.

Cách hiểu thứ 2, kể cả các môn học đánh giá bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) và cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số, giáo viên bộ môn phải dùng lời nói hoặc viết nhận xét.

Nhiều địa phương yêu cầu tất cả giáo viên bộ môn phải nhận xét từng học sinh

Trước đây khi ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT đã từng yêu cầu giáo viên nhận xét từng bộ môn, vô cùng áp lực.

Tuy nhiên, nhận thấy bất cập, không phù hợp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn không bắt buộc giáo viên phải ghi nhận xét từng học sinh.

Vì thực tế, việc giáo viên dạy các môn đã đánh giá học sinh bằng điểm số đã thể hiện năng lực cần đạt của học sinh, một số giáo viên dạy mỗi lớp 40-50 học sinh, dạy hơn 10 lớp, không nhớ mặt và tên học sinh để nhận xét vào cuối năm.

Và quan trọng là giáo viên nhận xét học sinh, phụ huynh không xem được, học sinh, phụ huynh chỉ xem được phần nhận xét tổng hợp của giáo viên chủ nhiệm.

Học sinh học 12-13 môn, mỗi giáo viên nhận xét rất hình thức.

Tuy nhiên, đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên tưởng được thoát việc nhận xét hình thức này vì đã được quy định dùng lời nói hoặc viết.

Nhưng, đến giai đoạn này, nhiều địa phương đã quy định bắt buộc giáo viên phải nhận xét từng học sinh bằng cách viết trên phần mềm và trên sổ điểm mà không được dùng lời nói như quy định trong Thông tư 22/2021.

Hướng dẫn sử dụng sổ theo dõi, đánh giá học sinh của một địa phương yêu cầu giáo viên nhận xét từng học sinh.

Hướng dẫn sử dụng sổ theo dõi, đánh giá học sinh của một địa phương yêu cầu giáo viên nhận xét từng học sinh.

Mà việc ghi nhận xét từng học sinh khi đã có điểm số cuối năm là một việc vô cùng hình thức, gây phức tạp thêm tình hình, gây áp lực lên giáo viên và không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Mỗi năm học có giáo viên dạy đến gần cả ngàn học sinh (các môn học 1 tiết/tuần), nên rất khó để nhận xét từng học sinh.

Nên các kiểu nhận xét hiện nay là hình thức, cho có, dựa vào điểm số để nhận xét,…

Hiện nay giáo viên cho điểm vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh giáo viên (gọi là sổ điểm cá nhân), sau đó nhập điểm vào phần mềm vnedu.vn, nhận xét từng học sinh trên phần mềm, sau đó xuất sổ điểm trên phần mềm và phải viết tay phần nhận xét trên phần mềm trở lại sổ điểm cá nhân, vô cùng hình thức, vất vả.

Thay vì dành thời gian nhận xét từng học sinh hình thức này, giáo viên nên tập trung vào việc soạn giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Việc giáo viên nhận xét từng học sinh từ khi ban hành Thông tư 26/2020 đến Thông tư 22/2021 là vô cùng bất cập, gia tăng bệnh hình thức mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét lại, nên bỏ việc giáo viên bộ môn phải ghi nhận xét từng học sinh, việc nhận xét về năng lực, thái độ đã được giáo viên chủ nhiệm nhận xét từng học kỳ, năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam