Van Persie quan trọng nhưng không phải là mấu chốt vấn đề của Arsenal

30/07/2012 16:48
Trúc Giang (Megafun)
Nếu bạn nghĩ Arsenal quá sợ bị mất số tiền 30 triệu bảng hơn là giữ lại siêu sao của mình cho những dự định sâu xa hơn, bạn chẳng hiểu gì về Arsenal cả!
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi

Khi nhìn lại vào thời điểm của những năm đầu 2004, khi mà Robin Van Persie vẫn đang ngồi ghế dự bị để nhìn huyền thoại Thierry Henry chơi bóng, người ta không trông đợi gì nhiều ở chàng trai 21 tuổi ấy. Lối chơi không có chiều sâu, không thể chơi bóng bằng đầu, chỉ có thể sử dụng một que trái cho tất cả các tình huống tấn công… đã khiến Robin Van Persie trở thành nạn nhân sân cỏ bởi chính sự không linh hoạt của anh. Chấn thương nối tiếp chấn thương dù đó chỉ là những tác động không thực sự nguy hiểm từ phía đối thủ khiến người ta ngay lập tức  phải đặt câu hỏi về năng lực của anh.

Nhưng thật may thế giới còn có một Wenger và chỉ có ông mới đủ lòng tin vào người Hà Lan trẻ chưa bay này. Từ vị trí của một tiền vệ tấn công cánh trái, Wenger vẫn tự tin đưa Robin vào chơi như một trung phong. Điều này không có gì ngạc nhiên nếu như bạn là CĐV của Arsenal từ những năm 90. Wenger có xu hướng đưa những cầu thủ trẻ vào các vị trí khác nhau để rèn luyện sự linh hoạt cho họ. Ông cũng cho rằng một cầu thủ giỏi là phải biết thích ứng hoàn cảnh thay vì chỉ duy trì phong cách chơi bóng đơn giản cho dù nó có là thương hiệu của anh ta hay không.

Những phẩm chất tự nhiên của một cầu thủ gốc Hà Lan dĩ nhiên được phát huy tức thì. Robin Van Persie dù chơi ở vị trí không sở trường lại  phải hoạt động khá độc lập để tự tạo ra cơ hội cho mình nhưng anh vẫn sòn sòn ghi bàn thắng, vẫn phát huy được phẩm chất kỹ thuật điêu luyện làm đối thủ phải kinh ngạc. Tuy nhiên bản tính nóng nảy và dễ bị khiêu khích của anh cũng khiến anh trả giá trên sân cỏ rất nhiều lần bởi những thẻ phạt.


Khi chúng ta nhìn lại những bước “chập chững” thưở ban đầu ấy của một siêu sao chúng ta sẽ nhận ra một điều quan trọng mà một cầu thủ cần phải có để chơi lâu dài ở trình độ cao: Đó là đừng run sợ phải thay đổi! Thay đổi ở đây là cả về nhận thức chơi bóng và cả kỹ thuật chơi bóng. Bergkamp là một bậc thầy về lối chơi kỹ thuật – điều đó là dĩ nhiên – nhưng nhiều người không biết rằng thời trẻ anh vốn là một cầu thủ có nền tảng thể lực kém và có thiên hướng chơi cá nhân; Thierry Henry cũng là từng là một cầu thủ chỉ biết cắm đầu chạy và sút xa vô tội vạ; hay Ray Parlour, người mà ai cũng cho rằng anh thuộc nhóm cầu thủ chỉ biết hùng hục đuổi theo bóng và tắc bóng vô cùng nguy hiểm…

Nhưng dưới màu áo Arsenal theo thời gian, hình ảnh của những cầu thủ trong ấn tượng ban đầu của khán giả đã hoàn toàn thay đổi. Bergkamp thay đổi để trở thành mẫu số 10 kinh điển hiếm hoi còn sót lại của thế giới bóng đá: Vừa kiến thiết, vừa điều chỉnh nhịp độ trận đấu và cũng tự ghi bàn thắng – mẫu cầu thủ chơi tự do không bị bó buộc ở bất cứ vị trí nào. Thierry đã thay đổi trở thành trung phong xuất sắc nhất mọi thời đại của Arsenal – người mà không cần tỏa sáng trong cả 90’ nhưng nếu bạn sơ sẩy một giây là anh ta đã có ngay bàn thắng. Còn Parlour – hay còn biết đến với biệt danh “The Romford Pelé” – là một biểu tượng, một minh họa tiêu biểu về phẩm chất đặc biệt của một cầu thủ Anh quốc: Thể lực dồi dào, chơi bóng bằng cả trái tim và trách nhiệm, kỹ thuật toàn diện và bẩm sinh đã là một người lãnh đạo.

Robin Van Persie hay giá trị tinh thần của Arsenal

Câu chuyện của Robin Van Persie như một chuyện cổ tích đời thường. Anh ta từ vô danh đến may mắn được trao cơ hội, may mắn có được một môi trường tuyệt vời để rèn luyện như Arsenal. Anh ta bùng nổ, trở thành “người đưa tin” của Wenger – người có thể mang hình ảnh của Arsenal phổ biến ra ngoài thế giới; nhưng rủi thay anh ta lại liên tiếp chấn thương, vật lộn mãi trong đội hình mà việc “được chơi đúng sở trường” bị xem là câu chuyện đùa. Nhưng trải qua 8 năm gian nan, Robin Van Persie ngày nay đã là một trong những siêu sao có ảnh hưởng nhất ở PL và thế giới, câu chuyện thần thoại đó, không thể được viết ra nếu không có Wenger…

8 năm trôi qua ở Arsenal chính là 8 năm để Robin Van Persie rèn luyện phong cách, vượt qua nhược điểm cố hữu của anh – thể lực, bồi đắp tư duy chơi bóng vì tập thể, phát triển khả năng xử lý hai chân hoàn hảo. 8 năm ấy cũng là thước đo phẩm giá một con người, lòng trung thành với đội bóng, tinh thần đấu tranh vì màu cờ sắc áo và quan trọng nhất là để Wenger đánh giá khả năng lãnh đạo của anh. Anh đã vượt qua tất cả những bài test ấy, đã được đồng đội nể trọng, được đối phương kính phục và bây giờ là sở hữu chiếc băng đội trưởng đầy danh dự trên tay.

Wenger đã nhẫn nại chờ Robin hồi phục những chấn thương, ông luôn cho anh một cơ hội ra sân trong đội hình chính thức bất chấp việc anh có những khoảng thời gian thi đấu vô cùng yếu kém. Làm tất cả những điều đó vì một con người, sâu xa hơn là để thế giới thấy được cái gì là “Made in Arsenal”, cái gì là “We don't buy superstars, we make them”: Liệu ban quản trị Arsenal có tầm thường đến nỗi phải gấp rút bán ngay Robin cho ai đó để thu về 30 triệu bảng khi anh ta vẫn còn trên đỉnh thế giới?

Không! Xin đừng tự coi thường thương hiệu của chính mình, hỡi các Gooner!

Vieira, Henry, Cesc, Robin Van Perise… tất cả đều là những sản phẩm tinh thần của Arsenal. Nó đại diện cho ý chí – bản sắc lối chơi – cá tính đội bóng ở các thời kỳ. Nhưng đừng đánh đồng một khi họ ra đi Arsenal sẽ mất đi những điều đại diện đó. Trong bóng đá, việc đi hay ở của một cầu thủ là không quan trọng bằng việc những người ở lại đã làm thế nào để duy trì tính hệ thống và khả năng chiến thắng như thường lệ. Còn ở khía cạnh một CLB, việc ra đi của các cầu thủ là việc hết sức hợp logic, nó phải xảy ra để làm động lực cho đội bóng phát triển mạnh hơn. Sau cái ngày Patrick Vieira đá quả Penalty cuối cùng ở sân Thiên niên kỷ, mang về chiếc Cup FA 2004 - 2005 danh giá cho Arsenal, tất cả danh hiệu tạm thời vắng bóng tại Emirates nhưng Arsenal cũng gặt hái một số thành công quan trọng trong kinh doanh và công tác đào tạo trẻ.

Cũng trong 6 năm trắng tay ấy, chúng ta phát hiện ra rằng sự thay đổi của chúng ta là hợp lý, là hợp với sự phát triển của bóng đá hiện đại mà FiFa đang hướng tới: Giảm tối thiểu trình độ phát triển không bằng nguồn lực sẵn có, cố gắng giảm tối đa khoảng cách giàu – nghèo giữa các đội bóng ở những nền bóng đá khác nhau. Mùa giải 2012-2013 sẽ là mùa giải khó khăn cho tất cả những kẻ thích dùng tiền để mua danh hiệu bởi vì họ phải đối mặt với những điều luật nghiêm ngặt của “Luật công bằng tài chính” do Platini ký quyết định. Arsenal chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ bộ luật này bởi chính sách phát triển của Wenger là cân đối chi thu trong từng năm, lợi nhuận phải luôn được tăng lên dù danh hiệu là vẫn chưa quay lại Emirates.

Robin Van Persie mắc nợ Arsenal hay ngược lại?

“Mắc nợ”, cái từ mà báo chí hay dùng với thái độ khiếm nhã hơn là thông cảm cho Arsenal. Họ gieo vào đầu các Gooner rằng “Robin Van Persie mắc nợ ân tình với Arsenal” và nếu tiền đạo người Hà Lan ra đi, tức là đã đánh đổ đi tất cả những nỗ lực của Wenger, sẽ làm xấu đi hình ảnh của Arsenal với cái cầu thủ khác, hay sẽ khiến cho Arsenal rơi vào tình trạng rắn mất đầu và sẽ tụt dốc không phanh. Họ đã vẽ ra một hình ảnh rất thiếu tôn trọng về Van Persie, như một kẻ sẵn sàng quất ngựa truy phong khi đội bóng gặp khó khăn.


Hãy nhìn lại quá khứ của chúng ta một lần nữa, liệu Arsenal đã từng bị mai một bản sắc, đã rơi xuống một trình độ thấp hơn tại Premier League và châu Âu; liệu Arsenal có từng tan rã chỉ vì một cầu thủ chủ chốt ra đi…?? Không, chúng ta vẫn sống tốt, vẫn mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đường lối phát triển CLB. Không, chúng ta vẫn mang sự hứng khởi, đầy chất lửa của Pháo thủ ra sân. Không, chính nhờ thế mà chúng ta liên tục phát hiện ra những ngôi sao sân cỏ như Laurent Koscielny, Szczesny, Vermaelen, đưa những nhân tài từ tuyến trẻ lên như Jack Wilshere, Frimpong, Francis Coquelin…, đó là chúng ta chưa nói về những con người đã thầm lặng phục vụ đội bóng trong nhiều năm, những ngôi sao đích thực nhưng không thích được kể công như Tomas Rosicky, Alex Song, Sagna, Theo Walcott…

Arsenal cũng không mắc nợ bất kỳ ai. Một số Gooner theo trường phái cuồng thần tượng hơn là nghĩ về đội bóng thường luôn bảo rằng “Arsenal nợ Henry”, “Arsenal nợ Cesc Fabregas” và đó là lý do các siêu sao này phải ra đi để tìm “cái xứng đáng” thuộc về mình. Ở Anh, trong các bài phát biểu hay trong tất cả các hoạt động cộng đồng có liên quan đến đội bóng, họ đều dùng từ “We” để làm đại từ nhân xưng. Có nghĩa là Arsenal là trên hết, không có chuyện Arsenal sinh ra để phục vụ hay làm hài lòng một cá nhân “thiên tài” nào đó. Arsenal được tạo ra bởi các công nhân ở Bắc London và The Gunners sẽ luôn sống theo cách “Hòa hợp để chiến thắng”.

Là một Pháo thủ, khi vẫn còn khoác lên mình màu áo Đỏ&Trắng thì mặc nhiên phải cống hiến tất cả cho đội bóng mà không kêu nài, không đặt cái Tôi của mình lên cao nhất. Anh phải phục vụ đội bóng bởi trách nhiệm, tiền lương và cả cái dũng khí đàn ông của anh. Không ai bắt buộc anh phải sống trọn đời với Arsenal, cũng không ai đòi hỏi anh hy sinh những hoài bão lớn của mình để sống với các mác “huyền thoại”. Tất cả là do ở chính bản thân anh chọn lựa, cách anh ứng xử với đồng đội, với báo chí, với đối thủ và nhất là với các fan sẽ là thước đo giá trị thực sự của anh trong nghề nghiệp.

Vì thế, Robin Van Persie rõ ràng có đặc quyền trì hoãn việc ký kết hợp đồng mới để suy nghĩ về tương lai của anh (nhất là khi anh đã ở tuổi 29). Wenger cũng đã phát biểu thẳng thắn về điều này: “Bóng đá bây giờ là thay đổi quá nhiều so với trước đây 20 năm. Các cầu thủ ngày nay sẽ đặt câu hỏi ‘cái gì cho tôi?” trước chứ không phải là ‘cái gì cho chúng tôi?”. Tôi tôn trọng điều đó và tôi tôn trọng Robin cũng vậy. Tôi là người mỗi ngày đã chứng kiến anh ấy thi đấu, tôi tin nếu ai đó luôn ra sân với 100% tinh thần và ý chí quyết thắng thì đó là Robin. Anh ta đã cống hiến hết mình cho CLB, là một siêu sao thực sự không chỉ trên phương diện tài năng và tôi cũng tự tin rằng Robin Van Persie sẽ ở lại với chúng ta.”

Lời kết

Một số CĐV chỉ nghĩ đơn giản rằng “đã là một đội bóng lớn thì phải có những danh hiệu lớn” và “đã là một đội bóng lớn thì phải chi tiền lớn”. Các CĐV có quyền đòi hỏi điều đó bởi vì không phải ai cũng đến với Arsenal chỉ bởi lối chơi đẹp – hào sảng. Có người đến với Arsenal như một sự khám phá, để mua vui hoặc chỉ để không phải chạy theo MU, Barca, Real như hầu hết số đông. Nhưng khi bạn đã quyết tâm sống chết với đội bóng này thì hãy tập dẹp bỏ những ước muốn – suy nghĩ cá nhân một chiều (như việc bạn luôn chỉ trích cách làm của Arsenal trên sàn chuyển nhượng, hay luôn chỉ trích danh hiệu VĐ Premier League của Man city được mua bằng tiền vậy… ), hãy dẹp bỏ đi cái khái niệm thành công thì phải đánh đổi mọi thứ giống người khác đã làm.

Bởi vì chúng ta muốn chiến thắng nhưng không phải để thỏa mãn sự tức giận, ức chế bị đè nén bấy lâu nay. Mà chúng ta muốn trong chiến thắng ấy phải có niềm vui, có sự ngưỡng mộ đến từ đối thủ. Chúng ta muốn chiến thắng để tôn vinh lối chơi bóng vị nghệ thuật của Arsenal. Chúng ta muốn danh hiệu để tặng cho người Thầy đáng kính của chúng ta – Arsene Wenger. Chúng ta muốn những người xung quanh  có thể khám phá ra những vẻ đẹp mà Arsenal đã mang vào sân cỏ, những nét văn hóa mà Arsenal đã thổi vào đời sống thật – khiến con người mỗi ngày thêm hoàn thiện chính mình hơn!

Nếu đã yêu Arsenal, hãy thể hiện sự tôn trọng đối với những cầu thủ đang khoác trên mình chiếc áo Đỏ&Trắng cho dù họ không quá xuất sắc so với những cầu thủ của đội bóng khác. Hãy thể hiện rằng bạn có sự cao thượng của một Gooner – sẵn sàng bỏ qua những điều vụn vặt (như việc ai đó sẽ đi và ở; ai đó bảo rằng Arsenal không có đẳng cấp…) để tập trung vào cổ vũ đội bóng. Hãy thể hiện rằng sự kiêu hãnh của chúng ta không phải nằm ở bề ngoài, sự kiêu hãnh mà chúng ta có được là do được Arsenal dạy dỗ mà nên!
BẤM XEM ẢNH ĐẸP THỂ THAO
BẤM XEM CLIP HOT THỂ THAO
Điểm nóng
Olympic London 2012 Sao bóng đá đi nghỉ hè
Tây Ban Nha vô địch EURO 2012
Thế giới WAGs Việt
Chuyển nhượng hè 2012
Những hoạt náo viên quyến rũ
Thế giới các nàng WAGs
Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam Bóng đá Việt Nam thập niên 1990
Biếm họa sao bóng đá Video clip hot - Thể thao
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Tin tức FC Barcelona
Tin tức Manchester City
Tin tức Manchester United Tin tức Real Madrid
Tin tức Arsenal FC
Tin tức Chelsea FC
Chuyển nhượng châu Âu 2012
Tin tức Liverpool FC
Công Vinh - Thủy Tiên
Sir Alex Ferguson
Phạm Văn Mách & Cặp đôi hoàn hảo
Tin tức Sông Lam Nghệ An
'Siêu kinh điển' Real Madrid - Barcelona Thị trường chuyển nhượng hè 2012
Trúc Giang (Megafun)