Quỹ lớp mua quà cho nhà trường, phong bì cho giáo viên ngày lễ, nên chấm dứt

30/09/2020 06:33
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có thầy cô vì lòng tự trọng, vì thương học sinh không muốn nhận những món quà ấy. Thế nhưng không dễ để chối vì chuyện đó đã trở thành tiền lệ, thành phong trào.

Mặc dù không có quy định về quỹ lớp nhưng hiện nay không ít trường học trong cả nước vẫn tồn tại loại quỹ này, tiêu tốn không nhỏ tiền đóng góp của cha mẹ học sinh.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Vũ Phương / GDVN.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Vũ Phương / GDVN.

Trường thu ít, một em cũng phải nộp 100 ngàn đồng, mức trung bình của nhiều trường là 200 đến 300 ngàn đồng/năm, có trường lại thu tới 600 đến 700 ngàn đồng một năm học.

Đặc biệt, có những trường không thu một lần vào đầu năm học mà phân ra làm 2 kỳ hoặc thu hàng tháng, hàng quý (3 tháng) thu một lần để ít ai để ý. Vì thế, tổng số tiền phải nộp quỹ lớp hàng năm lại không hề nhỏ.

Với số tiền lớn như thế, sẽ có không ít người tò mò kiểu quỹ lớp làm gì mà bắt buộc học sinh nộp nhiều đến thế?

Quỹ lớp dùng vào những việc gì?

Nếu thu quỹ lớp 300 ngàn đồng/học sinh như nhiều trường học hiện đang làm thì một lớp khoảng 40 em số tiền quỹ lên đến 12 triệu đồng.

Đó là chưa nói đến việc, có trường quy định thu nhiều hơn, có lớp chi hết lại xin thu bổ sung thì số tiền quỹ một lớp đôi khi lên đến hai chục triệu đồng hoặc hơn thế nữa.

Quỹ lớp thường được dùng để làm những việc sau:

- Phô tô đề ôn tập để giáo viên ôn cho học sinh trước những kỳ kiểm tra.

- Trang trí lớp học.

- Mua chổi quét lớp.

- Chi quà Trung thu cho học sinh (bậc tiểu học).

- Chi phần thưởng cho học sinh (phụ một phần với nhà trường).

- Mua giấy vệ sinh cho các em.

- Mua hoa các ngày lễ.

- Mua quà để thưởng học sinh trong các đợt thi đua.

- Hỗ trợ học sinh nghèo…

Nếu chỉ bấy nhiêu các khoản chi thì có cần một khoản tiền quỹ lớp lớn đến thế không? Chắc chắn không cần nhiều đến như vậy. Nhưng vì sao, có trường thu quỹ lớp nhiều nhưng vẫn luôn kêu rằng thu không thể bù chi?

Bởi vì, ngoài những khoản chi chúng tôi liệt kê bên trên, có 2 khoản chi chiếm khá nhiều tiền quỹ lớp mà không phải ai cũng biết. Chắc chắn khi nghe những người trong cuộc “bật mí” thì không ít người sẽ cảm thấy giật mình.

Dùng quỹ lớp tổ chức sinh nhật cho giáo viên chủ nhiệm và phong bì cho thầy cô vào các ngày lễ, Tết

Những nhà giáo chân chính sẽ lấy làm xấu hổ khi nói ra điều này. Thế nhưng, đây là chuyện đang tồn tại khá phổ biến ở không ít trường học hiện nay.

Một giáo viên tại một trường trung học phổ thông ở Bình Thuận không giấu được vẻ bất ngờ khi nói rằng ngày 20/11 học sinh trong lớp đã mang quà (phong bì) lên tặng cô.

Cô giáo thấy ngạc nhiên vì cô vừa chuyển về trường, đồng nghiệp của cô dạy nơi này lại thấy đó là chuyện bình thường vì năm nào vào các dịp lễ, tết thầy cô của trường cũng đều được nhận quà như vậy.

Chị D. một phụ huynh tại Hà Nội cũng cho biết: “Đi họp phụ huynh thì Chi hội trưởng phụ huynh trong lớp nói năm ngoái phụ huynh đóng quỹ lớp 400 ngàn học sinh đến lúc đi biếu lễ các cô thì mỗi cô được có 69 ngàn nên năm nay phải đóng thêm lên 600 ngàn/học sinh /năm mới đủ tiền đi biếu.

Một số giáo viên bật mí, phong bì cho giáo viên chủ nhiệm thường “nặng” hơn những phong bì cho các giáo viên dạy bộ môn của lớp.

Một năm, học sinh thường tặng quà thầy cô ngày 20/11, Tết Nguyên đán và ngày 8/3 (cho giáo viên nữ). Mỗi lớp một giáo viên chủ nhiệm nhưng có hàng chục giáo viên bộ môn.

Nếu tính phong bì cho giáo viên chủ nhiệm 1 triệu đồng (hoặc 500 ngàn đồng) còn các giáo viên bộ môn 500 ngàn đồng (hoặc 200 ngàn đồng)/người thì một năm, một lớp phải bỏ ra trên dưới chục triệu đồng chứ ít đâu. Vậy là, khoảng 2/3 hoặc phân nửa tiền quỹ lớp đã chạy vào túi một số thầy cô giáo.

Nhà giáo nói không với quà cáp, tiền quỹ lớp sẽ ít đi

Người viết bài cũng đã từng thẳng thừng từ chối khi chi hội phụ huynh dùng tiền quỹ lớp để mua quà tặng vào dịp 20/11 và ngày Tết Nguyên đán.

Nộp quỹ lớp, không ít phụ huynh nghèo cũng phải chạy vạy khắp nơi để đủ tiền đóng cho con. Những tưởng số tiền ấy sẽ được dùng vào việc nâng cao chất lượng học tập của các em, thế nhưng nó lại biến thành quà biếu để lấy lòng thầy cô giáo.

Sẽ có nhiều thầy cô vì lòng tự trọng, vì thương học sinh không muốn nhận những món quà ấy. Thế nhưng cũng không dễ để chối bởi chuyện đó đã trở thành tiền lệ, thành phong trào.

Bởi thế, chúng tôi nghĩ cần phải lên án gay gắt việc này để chấm dứt đi một tiền lệ xấu. Thầy cô như cha mẹ nên không thể nhận quà, nhận phong bì từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, công sức của phụ huynh.

Điều này sẽ giúp những đứa trẻ nghèo đến trường với tâm thế thoải mái không bị mặc cảm vì cha mẹ chưa lo nổi tiền trường để đóng.

Phan Tuyết