Quy mô tuyển sinh tăng mạnh, Trường ĐH Nguyễn Trãi lý giải nguyên nhân

19/09/2023 06:38
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hai năm liên tiếp (2021, 2022), chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật của Trường Đại học Nguyễn Trãi tuyển vượt chỉ tiêu. 

Năm học 2022-2023 “trắng” giáo sư

Trường Đại học Nguyễn Trãi (Nguyen Trai University - viết tắt NTU) được thành lập theo Quyết định số 183/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ và chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, trường đang đào tạo 7 ngành chính bao gồm: Nghệ thuật (Thiết kế đồ họa), Kinh doanh và quản lý (Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán), Máy tính và công nghệ thông tin (Công nghệ thông tin), Kiến trúc và xây dựng (Kiến trúc, Thiết kế nội thất), Nhân văn (Ngôn ngữ Nhật), Khoa học Xã hội và hành vi (Quốc tế học), Báo chí và thông tin (Quan hệ công chúng).

Trường Đại học Nguyễn Trãi đào tạo theo mô hình đại học ứng dụng (70% thực hành, 30% lý thuyết). Hiện, Thạc sĩ Vũ Thị Kim Oanh là Chủ tịch Hội đồng trường, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận là Hiệu trưởng.

Theo đề án tuyển sinh các năm 2021, 2022, 2023 của Trường Đại học Nguyễn Trãi cho thấy, số lượng chuyên ngành đào tạo của trường có sự thay đổi.

Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Website trường.

Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Website trường.

Cụ thể, năm 2021, Trường Đại học Nguyễn Trãi đào tạo 10 chuyên ngành bao gồm: Thiết kế đồ họa, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Công nghệ thông tin, Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Ngôn ngữ Nhật, Quốc tế học và Quan hệ công chúng.

Năm 2022, Trường Đại học Nguyễn Trãi có thêm 5 chuyên ngành mới bao gồm: Hàn Quốc học, Trung Quốc học, chuyên ngành Anh học, Quản trị du lịch, Kiến trúc - Nội thất.

Đến năm 2023, nhà trường quy hoạch lại thành 7 ngành chính với 10 chuyên ngành, bỏ các ngành liên quan đến Quốc tế học bao gồm: Hàn Quốc học, Trung Quốc học và chuyên ngành Anh học.

Bên cạnh đó, số lượng giảng viên cơ hữu của trường cũng có sự biến động. Cụ thể, trong năm học 2020-2021, nhà trường có 112 giảng viên cơ hữu theo ngành (1 giáo sư, 7 phó giáo sư, 21 tiến sĩ, 76 thạc sĩ và 7 cử nhân). Ngoài ra, nhà trường còn có 105 giảng viên thỉnh giảng.

Đến năm học 2021-2022, nhà trường chỉ còn 109 giảng viên bao gồm: 1 giáo sư, 4 phó giáo sư, 19 tiến sĩ, 78 thạc sĩ và 7 cử nhân (giảm 3 giảng viên). Năm học này, nhà trường có 69 giảng viên thỉnh giảng.

Năm học 2022-2023, số lượng giảng viên cơ hữu theo ngành của trường tăng lên 117 giảng viên, gồm: 0 giáo sư, 6 phó giáo sư, 13 tiến sĩ, 84 thạc sĩ và 14 cử nhân (tăng thêm 8 giảng viên so với năm học trước). Trong năm học 2022-2023, trường có 84 giảng viên thỉnh giảng.

Cơ cấu giảng viên cơ hữu Trường Đại học Nguyễn Trãi qua các năm học.

Cơ cấu giảng viên cơ hữu Trường Đại học Nguyễn Trãi qua các năm học.

Quy mô tuyển sinh tăng mạnh, một số ngành không có tiến sĩ chủ trì

Cũng trong đề án tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Trãi 3 năm gần đây, quy mô tuyển sinh và đào tạo của trường có gia tăng về chỉ tiêu tuyển sinh.

Nếu năm học 2021-2022 nhà trường được phê duyệt 450 chỉ tiêu thì năm học 2022-2023, nhà trường được phê duyệt 1.150 chỉ tiêu, tăng tới 700 chỉ tiêu so với năm trước (tương đương tăng gần 156%). Năm 2023-2024, chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng lên 1.744 (tăng 549 chỉ tiêu, tương đương tăng hơn 47,7% so với năm học liền kề trước đó).

Tính đến ngày 22/3/2023, Trường Đại học Nguyễn Trãi đang đào tạo 1.808 học viên, sinh viên. Trong đó, có 95 học viên theo học thạc sĩ, 1.713 sinh viên đại học.

Điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất của Trường Đại học Nguyễn Trãi dao động từ 17-19,75 điểm. Trong đó, chuyên ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Quan hệ công chúng (19,75 điểm). Chuyên ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất là Kế toán (17 điểm).

Tại Đề án tuyển sinh 2023 được công bố ngày 23/05/2023 của Trường Đại học Nguyễn Trãi, đã thống kê đầy đủ chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2021 và năm 2022 tại các ngành/chuyên ngành trong trường.

Quy mô đào tạo của trường tính đến ngày 22/3/2023. Ảnh chụp màn hình.

Quy mô đào tạo của trường tính đến ngày 22/3/2023. Ảnh chụp màn hình.

Đáng nói, có những ngành số thí sinh trúng tuyển nhập học vượt số chỉ tiêu mà nhà trường được phê duyệt nhưng cũng có ngành, số thí sinh trúng tuyển nhập học rất thấp.

Cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu của trường là 450 thí sinh nhưng có tới 543 thí sinh trúng tuyển nhập học.

Trong đó, ngành có sự chênh lệch lớn nhất là ngành Nhân văn, chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật với chỉ tiêu tuyển sinh là 50 người nhưng có số sinh viên trúng tuyển nhập học là 164 người (vượt 114 sinh viên).

Năm 2022, Trường Đại học Nguyễn Trãi tiếp tục tuyển vượt chỉ tiêu ở chuyên ngành này. Trong khi chỉ tiêu của trường là 70 sinh viên nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 261 sinh viên, vượt 191 sinh viên.

Đáng chú ý, khi tìm hiểu về đội ngũ giảng viên trong Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Nguyễn Trãi, đối với một số ngành có số lượng sinh viên nhập học vượt so với chỉ tiêu cho thấy không có giảng viên có trình độ tiến sĩ chủ trì ngành.

Chẳng hạn, năm 2022, ngành Ngôn ngữ Nhật được đề án thống kê chỉ có 8 giảng viên, trong đó có 6 giảng viên trình độ thạc sĩ, 2 giảng viên trình độ đại học, không ghi nhận có giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Năm 2023, ngành Ngôn ngữ Nhật của Đại học Nguyễn Trãi được phê duyệt 100 chỉ tiêu và số lượng giảng viên toàn thời gian của ngành này đã tăng lên 14 người, trong đó có 8 giảng viên trình độ thạc sĩ, 6 giảng viên trình độ đại học, tiếp tục không ghi nhận có giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Năm 2021, nhiều ngành của Trường Đại học Nguyễn Trãi tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2023.

Năm 2021, nhiều ngành của Trường Đại học Nguyễn Trãi tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2023.

Chỉ trong vòng 1 năm chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng lên 700 sinh viên. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2023.

Chỉ trong vòng 1 năm chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng lên 700 sinh viên. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2023.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Viết Tĩnh - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết: “Số thí sinh trúng tuyển nhập học nhiều hơn chỉ tiêu là điều bình thường, nhà trường vẫn đáp ứng được chất lượng đào tạo.

Vì trên thực tế, quy mô đào tạo của trường còn có thể lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường tuyển thêm giảng viên cơ hữu để đảm bảo chất lượng”.

Tiến sĩ Lưu Viết Tĩnh - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Website trường.

Tiến sĩ Lưu Viết Tĩnh - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Website trường.

Về tài chính, Trường Đại học Nguyễn Trãi thống kê, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường năm 2021 là 23,9 tỷ đồng; tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm là 16,5 triệu đồng/sinh viên.

Năm 2022, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường 24 tỷ đồng; tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm là 33 triệu đồng.

Như vậy, chi phí đào tạo trung bình của một sinh viên trong năm 2022 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021.

Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, học phí các ngành Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Kiến trúc, Kiến trúc nội thất của Trường Đại học Nguyễn Trãi tăng từ 640.000 đồng/tín chỉ lên 860.000 đồng/tín chỉ.

Học phí dự kiến năm 2023 của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi là 860.000 đồng/1 tín chỉ. Ảnh chụp màn hình.

Học phí dự kiến năm 2023 của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi là 860.000 đồng/1 tín chỉ. Ảnh chụp màn hình.

Lý giải về điều này, Tiến sĩ Lưu Viết Tĩnh cho thông tin: “Chỉ tiêu tuyển sinh thay đổi là do trường mở rộng quy mô đào tạo và tuyển thêm rất nhiều giảng viên cơ hữu.

Nhà trường cũng chú trọng đầu tư vào chất lượng đào tạo, đã tuyển và mời nhiều giảng viên thỉnh giảng chất lượng cao, trong đó có cả giáo sư và phó giáo sư.

Chính vì thế, chi phí để đào tạo trung bình cho một sinh viên cũng tăng lên gấp đôi. Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, cử sinh viên đi học và cũng đang nghiên cứu để hợp tác với các đơn vị nước ngoài”.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn thấp, năm 2022 chưa tới 34%

Theo số liệu thống kê của Trường Đại học Nguyễn Trãi, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong 3 năm gần đây đều đạt từ 89% trở lên.

Trong đó, có những chuyên ngành đạt 100% bao gồm: Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Nhật, Quan hệ công chúng.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của trường tương đối thấp. Có thể đối chiếu với đề án tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Trãi năm 2018, số sinh viên nhập học năm 2018 của trường là 203 sinh viên; trong khi số sinh viên tốt nghiệp năm 2022 chỉ là 69/203.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Nguyễn Trãi cho hay: “Sở dĩ số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thấp là do nhiều bạn lựa chọn nghỉ học để đi du học, đi nước ngoài. Đây cũng là vấn đề khiến nhà trường băn khoăn, cần nâng cao chất lượng đào tạo”.

Nhật Lệ