Sau 4 năm triển khai hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, việc đưa hoạt động giáo dục mới này vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là quyết định sáng suốt và hợp lý, giúp bổ sung những khuyết thiếu về trải nghiệm cuộc sống của học sinh, từ đó giúp hình thành phẩm chất và năng lực cần thiết để phát huy tiềm năng sáng tạo thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Cuốn sách Hoạt động trải nghiệm 5 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) đáp ứng được những tiêu chí làm nên bản chất của hoạt động trải nghiệm ở nhà trường. Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh - Chủ biên cuốn sách đã nêu cụ thể những tiêu chí đó. Đó là:
Tiêu chí “Thực tế”: Các hoạt động được thiết kế dựa trên việc khảo sát, nghiên cứu những thách thức có thật trong cuộc sống của học sinh lớp 5 nói chung, giúp học sinh có điều kiện va chạm với thực tế cuộc sống.
Tiêu chí “Kết nối tri thức với cuộc sống”: Học sinh có cơ hội huy động tổng hợp các kiến thức và kĩ năng các em được trang bị ở các môn học, đồng thời vận dụng các kinh nghiệm cá nhân đã có để xử lí tình huống, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây chính là lúc các em cảm nhận được độ “vênh” giữa kiến thức sách vở và các tình huống có thật, các mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình hoạt động, những vấn đề nảy sinh. Cái hay của hoạt động trải nghiệm nằm ở điểm này. Các em nhận ra vấn đề, trao đổi, thảo luận, hỏi ý kiến… Bạn có kinh nghiệm hơn chia sẻ với bạn ít kinh nghiệm. Thầy cô, người thân đều có thể hỗ trợ các em, gợi ý cách làm mới.
Tiêu chí “Mang lại bài học mới, kinh nghiệm mới”: Sau mỗi hoạt động trải nghiệm, học sinh luôn được đề nghị ngồi lại thảo luận để từ đó rút ra những “bí kíp” vượt khó, khái quát được kiến thức mới, có thêm kĩ năng mới thông qua việc giải quyết các nhiệm vụ một cách sáng tạo.
Tiêu chí “Giúp học sinh thể nghiệm cảm xúc tích cực”: Quá trình tham gia hoạt động cùng thầy cô, bạn bè, người thân, chia sẻ khó khăn, hợp tác giải quyết vấn đề sẽ mang lại cho học sinh nhiều cảm xúc tích cực như: vui, tự hào về bản thân, hạnh phúc vì những phát hiện mới mẻ về những người xung quanh, được truyền cảm hứng, tự tin hơn về mình… Điều này khiến các em thay đổi thái độ và hành vi, tự nguyện thực hiện các hành động phù hợp, tạo thói quen và có được một lối sống bền vững.
Bốn tiêu chí nói trên được nhóm tác giả bám sát trong mỗi hình thức và loại hình tổ chức hoạt động, đảm bảo cho các hoạt động chạm được đến từng học sinh, không rơi vào hình thức, đồng thời tạo được động lực tham gia ở các em.
Chia sẻ cụ thể hơn, tôi xin được đề cập tới một số điểm mà các tác giả tâm đắc trong cuốn sách, có khả năng tạo những điểm nhấn trong quá trình sử dụng sách, tổ chức hoạt động trải nghiệm ở nhà trường. Lưu ý đến những điểm nhấn này, các thầy cô dễ dàng nắm bắt ý tưởng của các tác giả để có thể trở thành “đồng tác giả” của chúng tôi; linh hoạt và chủ động đưa ra những ý tưởng hoạt động mới phù hợp hơn với địa phương mình, trường mình, tập thể lớp mình; phù hợp với nội dung giáo dục của địa phương vào từng thời điểm khác nhau. Tính “mở” trong sách nằm ở chính khía cạnh này.
Chú trọng việc đề xuất các dự án, các nhiệm vụ chung ở trường, ở nhà và trong cộng đồng để học sinh có cơ hội đối mặt với những vấn đề nảy sinh, qua đó rèn luyện các năng lực hợp tác, tự chủ và những đức tính cần thiết cho việc thích ứng với môi trường học tập mới trong tương lai. Chẳng hạn, chuỗi hoạt động “Cùng làm nên kỉ niệm”; các sự kiện về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”; các hoạt động thực hiện sản phẩm chung (STEM, STEAM); chuỗi “Ngày cuối tuần vui vẻ, đầm ấm” (tiếp nối với “Ngày cuối tuần yêu thương” ở lớp 4); các “buổi tối nhà em”; hoạt động tham gia kinh doanh với Hội chợ Nhân ái với các hoạt động liên tục thành chuỗi một cách logic như đi tìm ý tưởng kinh doanh, khảo sát nhu cầu của khách hàng, tìm kiếm các cách bán hàng và tiếp thị hiệu quả…; hoạt động “Chúng tôi lên tiếng vì môi trường” thông qua các kênh làm báo, làm bảng tin môi trường, tổ chức đài phát thanh…
Nhấn mạnh việc rèn luyện khả năng tự chủ của mỗi học sinh. Từ khóa “tự chủ” vang lên khắp nơi trong cuốn sách: Tự chủ trong công việc hằng ngày; tự chủ trong việc tham gia mạng xã hội và sử dụng In-tơ-nét; tự chủ trong hoạt động xã hội và trong học tập; tự chủ trong việc quản lý chi tiêu gia đình; tự chủ khi tham gia tổ chức các sự kiện truyền thống của nhà trường.
Học sinh lớp 5 sau một thời gian được tham gia hoạt động trải nghiệm ở các lớp trước, nay đã lớn lên về thể chất và nhận thức, hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm vai trò của người tham gia tổ chức hoạt động để các khối lớp nhỏ hơn hoặc bạn bè tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đặt gánh nặng lên vai các em mà hỗ trợ từng bước của công việc tổ chức bằng những chỉ dẫn rất cụ thể.
Ở đây, tôi xin đặc biệt nhấn mạnh nội dung Tự chủ khi sử dụng In-tơ-nét. Qua khảo sát, chúng tôi thấy học sinh lớp 5 chưa thực sự tham gia mạng xã hội nhiều. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề các bậc cha mẹ khá quan tâm khi học sinh vào trung học cơ sở. Với việc thiết kế các phiếu khảo sát, phỏng vấn người xung quanh ở các độ tuổi khác nhau về việc chủ động quản lý thời gian sử dụng máy tính, vào mạng; về các tình huống tiềm ẩn nguy hiểm trong quá trình tham gia mạng xã hội, học sinh có cơ hội suy nghĩ, tìm hiểu vấn đề một cách kĩ lưỡng, thú vị. Điều này giúp các em chuẩn bị tâm thế cho chính mình khi bước vào môi trường học tập mới trong tương lai. Môi trường học tập đó không chỉ là trường trung học cơ sở mà còn là các môi trường có những hình thức học tập khác biệt như học trực tuyến, học cùng câu lạc bộ, học ở các trung tâm….
Đặc biệt chú trọng những hoạt động kết nối cảm xúc giữa thầy và trò, giữa các thành viên trong tập thể lớp với những hoạt động thiết thực như Tâm sự thầy trò; Cùng làm nên kỉ niệm; Sứ giả tình bạn… Các gợi ý trong sách sẽ giúp thầy cô giáo và học sinh thực hiện được các hoạt động đi vào thực chất, không rơi vào chủ nghĩa hình thức, không kêu gọi “biết ơn” thầy cô một cách dập khuôn, giáo điều. Học sinh có cơ hội quan sát thầy cô, cùng thực hiện nhiều hoạt động chung giúp các em khám phá được nhiều điều mới mẻ ở thầy cô mà nếu chỉ học trên lớp các em không bao giờ biết đến. Thầy cô cần hiểu học sinh để gần gũi, hướng dẫn. Nhưng một mặt, thầy cô cần giúp học sinh hiểu mình.
Các hoạt động này đi sâu vào việc xây dựng cảm xúc tích cực giữa thầy, trò và giữa các học sinh; trang bị kĩ năng xử lý các mâu thuẫn nảy sinh theo các bước như lắng nghe, để tâm đến cảm xúc của thầy, của bạn; đặt mình vào vị trí người khác để điều chỉnh suy nghĩ, thái độ, hành vi của mình. Khi hiểu mình, hiểu thầy, hiểu bạn – học sinh sẽ nhận ra được những bài học mới, thêm gắn bó và trân trọng các thành viên trong tập thể lớp của mình. Tình cảm gắn bó này sẽ là chỗ dựa vững chắc để các em bước lên cấp học mới, đến với môi trường học tập mới, tập thể lớp mới một cách hào hứng, tự tin hơn.
Chú trọng hướng dẫn học sinh nhìn thấy cả quá trình rèn luyện từ lớp Một đến hiện tại và thấy được sự tiến bộ của bản thân bằng các hoạt động thu thập tư liệu của bốn năm học trước, trưng bày theo hướng bậc thang trưởng thành để học sinh cảm nhận sự tự hào về mình, nhìn thấy sự tiến bộ dù bé nhỏ của mình trong cả chặng đường học tập, rèn luyện cùng tập thể. Đây là điểm quan trọng khiến các em có thêm động lực “tăng tốc”, “bứt phá” để về đích. Trong cuốn sách có những trò chơi nho nhỏ như “Ngày trước…, bây giờ…” hay thiết kế những bậc thang trưởng thành bằng bìa các-tông để thấy rõ những nỗ lực của bản thân mình từ trước tới nay.
Tính kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội: Hệ thống các hoạt động trải nghiệm sau giờ lên lớp tạo điều kiện để học sinh chia sẻ, thuyết phục người thân và cộng đồng cùng hành động; giúp các em kết nối tri thức với cuộc sống. Qua đó, học sinh xây dựng được thói quen quan tâm tới cộng đồng, những người sống quanh mình. Với từng người thân trong gia đình, sự quan tâm của học sinh không chỉ dừng lại ở hỏi thăm, chăm sóc mà còn đề xuất, tổ chức hoạt động chung để kết nối các thành viên.
Với cộng đồng, học sinh bước đầu cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng và đóng góp vừa sức mình vào các hoạt động chung như tham gia lễ hội, giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chia sẻ cộng đồng… Việc mở rộng không gian trải nghiệm của học sinh trong thời gian tới chắc chắn sẽ được các tổ chức, cá nhân trong xã hội thấu hiểu để chung tay, tạo điều kiện cho các em thực sự vận dụng kiến thức trong sách vở vào thực tế cuộc sống.
Nhóm tác giả mong đợi các thầy cô giáo sẽ đọc kĩ sách giáo khoa, nhưng còn đọc kĩ sách giáo viên hơn để nắm được các quy trình chặt chẽ của từng loại hình, nội hàm của các chuỗi hoạt động lớn, nhỏ, từ đó có thể “giành lấy quyền chủ động”, trở thành “đồng tác giả” với chúng tôi, đề xuất các kịch bản hoạt động thú vị, mới mẻ hơn cho học sinh của mình. Một cuốn sách giáo khoa chỉ có thể phát huy hiệu quả khi có được những đồng tác giả như thế.