Sách giáo khoa nhiều sạn, chờ đợi hiệu chỉnh thì giáo viên cần làm gì lúc này?

18/10/2020 09:08
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc giáo viên chủ động thay thế một số ngữ liệu trong sách học sinh đang học bằng ngữ liệu ở một bộ sách khác sẽ không làm thay đổi mục tiêu giáo dục cần đạt.

Thời gian qua, dư luận đã chỉ ra khá nhiều sạn trong sách giáo khoa lớp 1 đặc biệt là bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

Sách Tiếng Việt (Cánh Diều) có nhiều sai sót, hạn chế (Ảnh: sachcanhdieu.com)Sách Tiếng Việt (Cánh Diều) có nhiều sai sót, hạn chế (Ảnh: sachcanhdieu.com)

Ngày 15/10, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn.

Nhiều phụ huynh có con đang học bộ sách Cánh Diều bức xúc, hoang mang, không ít giáo viên cũng tỏ lo lắng sẽ giảng dạy học sinh thế nào trong khi sách nhiều sạn nhưng vẫn chưa có bảng hiệu đính chỉnh sửa thay thế?

Giáo viên không nên phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa được không?

Sẽ có không nhiều các thầy cô giáo, thậm chí các nhà quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục hiểu rõ ràng 2 khái niệm “chương trình giáo dục phổ thông” và “sách giáo khoa”.

Điều đã ăn sâu vào tiềm thức của giáo viên chúng ta bao năm là lấy sách giáo khoa làm tôn chỉ để dạy học chứ không phải chương trình khung.

Giảng viên một trường đại học cho biết, thế giới dạy học theo chuẩn quy định ở chương trình giáo dục.

Cái mà ta gọi là sách giáo khoa thì nó là sách của học sinh (một nước văn minh như Pháp thì nhà nước không quản lí sách giáo khoa).

Giáo viên dùng sách giáo viên và nhiều tài liệu khác để dạy học cho đạt chuẩn quy định ở chương trình giáo dục.

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới lần này là "tính mở".

Nghĩa là, nếu trước đây người ta xem sách giáo khoa là pháp lệnh thì với chương trình mới giáo viên có quyền không phụ thuộc vào sách giáo khoa. Thầy cô sẽ có quyền linh động hơn trong việc quyết định nội dung dạy học nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu.

Khi sách giáo khoa chỉ như một tài liệu tham khảo, nếu hay thì giáo viên dùng, nếu sai hay chưa hợp lý thì thầy cô được quyền linh hoạt điều chỉnh tìm ngữ liệu mới để thay thế sao cho học sinh dễ hiểu nhất.

Thay thế ngữ liệu chưa hợp lý thế nào?

Mặc dù, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn, thế nhưng đợi bảng chỉnh sửa được xây dựng xong, trình Hội đồng thẩm định và trình Bộ Giáo dục, xong đâu đó mới gửi về Sở, về Phòng thì tới được các trường cũng cả một thời gian dài sau đó.

Cách tốt nhất lúc này là Ban giám hiệu mà trực tiếp là hiệu phó phụ trách chuyên môn từng trường học sẽ cùng với giáo viên lớp 1 cần chủ động thay thế những ngữ liệu sai, chưa hợp lý của bộ sách giáo khoa Cánh Diều.

Việc làm này vừa giúp thầy cô quen với việc chủ động thay thế ngữ liệu sách giáo khoa khi cần và cũng giúp phụ huynh yên tâm không bị ảnh hưởng quá nhiều với những thông tin hiện nay về bộ sách.

Vậy, thay thế ngữ liệu thế nào cho hợp lý? Trong khi giảng dạy, nếu gặp một số từ được xem là mang nặng phương ngữ vùng miền, giáo viên giải nghĩa cho học sinh hiểu nghĩa từ và có thể thay thế bằng những từ ngữ phổ thông hoặc đặc trưng của vùng miền mình đang giảng dạy.

Ví như từ “nhá” thay bằng từ “nhai”; từ “chén” thay bằng từ “ăn”; từ “ba, má” thay bằng từ “bố, mẹ”; “hè” thay bằng từ “hiên”…

Bên cạnh đó, ngoài bộ sách giáo khoa Cánh Diều hiện vẫn còn 4 bộ sách đang được sử dụng ở nhiều trường học. Trước khi chọn một bộ sách để giảng dạy tại trường thì giáo viên cũng đã đọc và nghiên cứu tất cả những bộ sách ấy.

Những bài học nào không phù hợp thì có quyền thay thế bằng ngữ liệu khác, ở một cuốn sách khác trong 4 bộ sách còn lại.

Chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ cho phép giáo viên chủ động trong việc thay thế ngữ liệu sách giáo khoa trong việc giảng dạy để đạt mục tiêu giáo dục mà việc đánh giá, kiểm tra cũng được thay đổi.

Khi kiểm tra đánh giá học sinh, nhà trường cũng sẽ không kiểm tra kiến thức nội dung trong sách nào mà chỉ kiểm tra học sinh đã đạt năng lực và phẩm chất gì.

Vì thế, việc giáo viên chủ động thay thế một số ngữ liệu trong sách học sinh đang học bằng ngữ liệu ở một bộ sách khác sẽ không làm thay đổi mục tiêu giáo dục cần đạt theo yêu cầu.

Đỗ Quyên