Sân khấu hóa tác phẩm văn học làm sao an toàn cho GV, hiệu quả với học trò?

02/04/2024 06:43
Sơn Quang Huyến (ghi)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để sân khấu hóa tác phẩm văn học thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng vai trò của giáo viên bộ môn vẫn là yếu tố quyết định.

Việc thực hiện sân khấu hóa tác phẩm văn học trong dạy học môn Ngữ văn không phải là mới, đã có giáo viên để học sinh diễn những cảnh bị cho là “nhạy cảm” dẫn đến bị kỷ luật là điều đáng tiếc cho cả thầy và trò.

Vấn đề đặt ra: Có nhất thiết phải sân khấu hóa tác phẩm văn học trong dạy học môn Ngữ văn? Làm sao để thực hiện sân khấu hóa tác phẩm văn học thành công?

Là người trong cuộc, cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Sân khấu hóa tác phẩm văn học hiểu đơn giản là chuyển thể văn bản văn học lên sân khấu biểu diễn. Học sinh có thể lựa chọn bất cứ một văn bản văn học thuộc bất kì thể loại nào, chuyển tác thành kịch bản, biểu diễn trên sân khấu nhưng vẫn phải đảm bảo tinh thần của nguyên tác.

Hình thức dạy học sân khấu hóa tác phẩm văn học tôi đã áp dụng từ năm 2011, với cả các lớp chuyên Văn và không chuyên Văn.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học đã được đưa vào chuyên đề 2 trong số 3 chuyên đề dạy học của lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vấn đề này là thực sự cần thiết đối với học sinh theo khối xã hội, không bắt buộc phải có với khối tự nhiên.

Thực tế, việc phủ nhận hay quá đề cao sân khấu hóa e rằng đều dẫn tới lệch lạc. Về cơ bản, xét trên phạm vi tổng thể giáo dục phổ thông, chỉ nên xem sân khấu hóa tác phẩm văn học là một trong những con đường, hình thức để dạy học Ngữ văn tích cực”.

Anh voi 12 V.jpg
Cô Đỗ Thị Thúy Dương (hàng sau thứ 8 từ trái sang). Ảnh: NVCC

Chia sẻ về việc làm sao sân khấu hóa tác phẩm văn học phát huy được tính giáo dục, tính nhân văn, an toàn cho chính giáo viên, cô Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ: “Khi tiến hành một hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, mục tiêu trước tiên cần hướng tới là xây dựng phẩm chất năng lực đặc thù của bộ môn. Điều này cần sự kiểm soát chặt chẽ về mặt kịch bản.

Muốn tổ chức tốt hình thức này cần tự đào tạo tìm hiểu kiến thức chuyên ngành; giúp học sinh hình thành kịch bản chuẩn mực.

Giáo viên phải duyệt kĩ kịch bản, đặc biệt là các cảnh có thể bị cho là "nhạy cảm", cần hướng dẫn học sinh chú ý khi tiến hành sân khấu hóa phải đảm bảo tính giáo dục sẽ đảm bảo an toàn cho chính giáo viên.

Thực tế, không phải học sinh nào cũng có năng khiếu diễn xuất và có thể nhập mình vào vai diễn để cảm thụ sáng tạo nhân vật. Vì vậy, cần có các yêu cầu chuẩn bị đọc kĩ trước tác phẩm, cùng với đó yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch sau khi tiến hành hoạt động sân khấu hóa tác phẩm, áp dụng cho tất cả học sinh tham gia dự án và học sinh xem hoạt động sân khấu hóa.

Có như vậy, sân khấu hóa mới thực sự hỗ trợ cho dạy học các năng lực đặc thù của bộ môn. Ngoài ra, để tất cả các học sinh đều phải chú ý, tham dự, nếu tổ chức ở phạm vi một lớp học, giáo viên nên để học sinh tự xây dựng tiêu chí đánh giá và yêu cầu nhận xét, cho điểm chéo.

Sân khấu hóa có lợi thế trong việc hình thành các phẩm chất năng lực chung, điển hình là năng lực hợp tác nhóm, giải quyết vấn đề. Muốn vậy, trước hết giáo viên cần phải là người quan sát nhạy bén tố chất của từng học sinh kết hợp với học sinh tự hiểu mình để phân/nhận vai trò phù hợp trong dự án.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học đòi hỏi thời gian và kinh phí để thực hiện. Để giải quyết gánh nặng thời gian và kinh tế, ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn nên có sự phân loại và đa dạng hóa phạm vi, qui mô, tính chất sao cho phù hợp với điều kiện đặc thù.

Chẳng hạn, có thể tổ chức vài năm một lần hội diễn Sân khấu hóa tác phẩm văn học; tổ chức hội thi quay kịch bản sân khấu hóa trực tuyến có bình chọn và trao giải; diễn theo chủ điểm trên lớp 1-2 lần/năm….

Xã hội hóa giáo dục cũng là một gợi ý để có nguồn đầu tư thường xuyên giúp hoạt động sân khấu hóa ở phạm vi nhà trường/liên trường trở nên chuyên nghiệp hơn.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học có thế mạnh trong việc phát huy các phẩm chất năng lực chung, ít có lợi thế trong việc giúp đa phần học sinh hiểu sâu sắc văn bản văn học.

Tuy nhiên mục tiêu của giáo dục vẫn là học để sống, để làm người tử tế, khi áp dụng hình thức này cần cơ động phù hợp với từng đối tượng dạy học để đạt đích tối ưu, có tác dụng giáo dục tốt nhất”.

Chiec luoc nga.jpg
Sân khấu hóa tác phẩm "Chiếc lược ngà" do học sinh Trung học phổ thông Chuyên Lê Qúy Đôn thực hiện. Ảnh: NVCC

Với kinh nghiệm đã nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia, cô Đỗ Thị Thúy Dương luôn ý thức tìm tòi các phương pháp, kĩ thuật, hình thức dạy học tích cực, ngoài sân khấu hóa tác phẩm văn học.

Cô Đỗ Thị Thúy Dương đã nhiều lần áp dụng dạy học theo dự án và cân đối phát triển cả năng lực đọc hiểu văn bản văn học và các năng lực chung thông qua dự án tổng hợp theo chủ đề mà sân khấu hóa là một thành tố; chẳng hạn dự án “Chiến tranh trong mắt Tôi”, Con đường Văn học – Văn hóa; Tiếng Văn Ta…

Thực tế, sân khấu hóa tác phẩm văn học đã và đang được nhiều cơ sở giáo dục thực hiện, học sinh, phụ huynh hào hứng đón nhận và tham gia cùng nhà trường.

Để sân khấu hóa tác phẩm văn học thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng vai trò của giáo viên bộ môn vẫn là yếu tố quyết định.

Sơn Quang Huyến (ghi)