Sáng kiến kinh nghiệm, sao lại bị phản đối dữ dội thế?

25/08/2018 06:53
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Trong giáo dục và đào tạo, sáng tạo là rất cần thiết. Thế nhưng, tại sao “sáng kiến kinh nghiệm” lại bị phản ứng dữ dội từ giáo viên?

LTS: Những ý tưởng sáng kiến trong việc giảng dạy rất cần thiết tuy nhiên giáo viên lại ngán ngẩm việc làm "sáng kiến kinh nghiệm".

Thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra nguyên nhân và kiến nghị để phát huy những sáng tạo của giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sống là sáng tạo, nhờ sáng tạo, sáng chế, phát minh, mới làm thay đổi lịch sử nhân loại.

Trong bất cứ lĩnh vực lao động, sản xuất nào, sáng tạo luôn cần thiết, nhờ sáng tạo mà năng suất lao động tăng lên, giá thành sản phẩm hạ xuống, đáp ứng nhu cầu, nâng cao cuộc sống của người lao động. 

Trong giáo dục và đào tạo, sáng tạo càng cần thiết. Thế nhưng, tại sao “sáng kiến kinh nghiệm” lại bị phản ứng dữ dội, chẳng ai khác, là giáo viên?

Trong giáo dục và đào tạo, sáng tạo rất cần thiết. Ảnh minh hoạ: http://khoahocthoidai.vn
Trong giáo dục và đào tạo, sáng tạo rất cần thiết. Ảnh minh hoạ: http://khoahocthoidai.vn

Người ta hồ hởi khi đón nhận tin vui “May quá, lao động tiên tiến không cần sáng kiến kinh nghiệm”, …

Phải chăng sáng tạo hay “sáng kiến kinh nghiệm” trong giáo dục đào tạo là không cần thiết?

Xin thưa, không phải cần thiết, mà là rất cần thiết! 

Phía sau cánh cổng của các trường thành công, một phong trào sáng tạo từ người đứng đầu cho đến… bác bảo vệ cúi đầu chào học sinh mỗi sáng đến trường. 

Nguyên nhân nào “sáng kiến kinh nghiệm” bị phản ứng ?

Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thành nhiệm vụ thì phải có “sáng kiến kinh nghiệm”.

Vì thế giáo viên có “mùa viết sáng kiến kinh nghiệm” cuối năm, vô hình trung gây áp lực không đáng có lên giáo viên, đấy cũng chính là nguyên nhân chủ yếu giáo viên phản ứng với “sáng kiến kinh nghiệm”. 

Sáng kiến kinh nghiệm, sao lại bị phản đối dữ dội thế? ảnh 2Có thầy cô nào biết, sáng kiến kinh nghiệm đạt giải đã đi về đâu không?

Mặt khác, các “sáng kiến kinh nghiệm” của ngành chủ yếu là cất trong kho, sau đó là … nhà máy tái chế giấy, vì thế “sáng kiến kinh nghiệm” trở nên “hư vô”, dù đã tốn không ít tiền bạc, sức lực, tâm trí của người viết chân chính. 

Bên cạnh đó, các sáng kiến của giáo viên thường chỉ được công nhận ở cấp cơ sở, còn cấp tỉnh chủ yếu chỉ dành cho … cán bộ quản lý ; dị nghị tất yếu nảy sinh và phát triển.

Khi niềm tin bị đánh cắp, tiêu cực dễ phát sinh. 

Từ đó “sáng kiến kinh nghiệm” chỉ là “sự xào nấu” để cho có, ý nghĩa tích cực của “sáng kiến kinh nghiệm” không còn nữa.

Người viết đã từng chứng kiến “sáng kiến kinh nghiệm” của địa phương mình, nhưng nội dung, tên trường, tên lớp ở một miền rất xa của đất nước!

Việc có một sáng kiến trong lao động, sản xuất đã khó, trong giáo dục lại càng khó hơn bội phần.

Kiểm nghiệm kết quả sáng kiến của giáo viên không dễ đong đếm được trong thời gian ngắn, trồng người cần cả trăm năm mà. 

Chỉ cần giáo viên có một sáng kiến về cách dạy bài mới, câu hỏi bài cũ, lời động viên tích cực trong một tiết dạy, nhiều khi đã mở ra một tương lai mới cho học trò.

Vì thế “sáng kiến kinh nghiệm” phải viết là “sáng kiến, kinh nghiệm”, “sáng kiến” tích lũy thành “kinh nghiệm”. 

Người đi trước viết lại kinh nghiệm cho người bước sau, kể cả những sai lầm.

Vì vậy “sáng kiến, kinh nghiệm” là điều không thể thiếu với giáo viên có tâm với nghề. 

Giải pháp nào cho “sáng kiến, kinh nghiệm” đi vào cuộc sống giáo dục và đào tạo? 

Sáng kiến kinh nghiệm, sao lại bị phản đối dữ dội thế? ảnh 3Nên thay “sáng kiến kinh nghiệm” bằng gì?

Lựa chọn được ban giám khảo “sáng kiến, kinh nghiệm” có tâm, có tầm trong các lĩnh vực họ phụ trách là yêu cầu trước tiên.

Cần chuyển các “sáng kiến, kinh nghiệm” đến ban giám khảo nghiên cứu, thẩm định trước khi tập trung chấm (thường thời gian chấm rất ngắn, chỉ như là cưỡi ngựa xem hoa). 

Giới thiệu các “sáng kiến, kinh nghiệm” dự thi trên website của đơn vị tổ chức trước khi chấm, lấy ý kiến nhận xét, phản hồi của giáo viên.

Việc này sẽ giúp phát hiện các “sáng kiến kinh nghiệm” xào nấu, đạo văn.  

Kiên quyết loại bỏ các “sáng kiến, kinh nghiệm” xào nấu, đạo văn.

Có hình thức kỷ luật thích đáng với đối tượng này, nếu là cán bộ quản lý thì cách chức, là giáo viên thì cấm đăng ký thi đua  “chiến sĩ thi đua cơ sở ” ba năm trở lên. 

Giới thiệu các “sáng kiến kinh nghiệm” đạt giải trên trang web của Trường của Phòng, Sở giáo dục và đào tạo, báo chí địa phương.  

Việc làm này đơn giản, nhưng lan tỏa “sáng kiến, kinh nghiệm” đến với cộng đồng giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. 

Có như thế sáng kiến, kinh nghiệm mới đi vào cuộc sống, mới tôn vinh được những nhà giáo chân chính, có tâm, có tầm, vì học sinh thân yêu. 

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-88-2017-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-56-2015-ND-CP-danh-gia-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-357228.aspx

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=80079

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-91-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-thi-dua-khen-thuong-315685.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-08-2017-TT-BNV-huong-dan-Nghi-dinh-91-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-thi-dua-khen-thuong-365900.aspx

Sơn Quang Huyến