Nên thay “sáng kiến kinh nghiệm” bằng gì?

14/05/2018 08:11
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Thành thật mà nói một ý tưởng hay một kinh nghiệm hay trong giáo dục không thể nảy sinh một cách dễ dàng. Không phải cứ dạy lâu là có được.

LTS: Một trong những vấn đề mà giáo viên trực tiếp giảng dạy “kêu ca” nhiều với cơ quan quản lý là họ phải mất quá nhiều thời gian vào những công việc có tính chất “thi đua” nhưng không phục vụ trực tiếp chuyên môn hoặc không đem lại tác dụng cụ thể.

Một trong những “phong trào thi đua” đó là viết “sáng kiến kinh nghiệm”. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương – từng là giảng viên của Đại học sư phạm Hà Nội, có chia sẻ một vài ý kiến xung quanh việc viết sáng kiến kinh nghiệm.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này. 


Sáng kiến kinh nghiệm để làm gì?

Theo lẽ thường, đầu năm giáo viên sẽ phải đăng kí viết sáng kiến kinh nghiệm giống như là đăng kí danh hiệu thi đua và cuối năm, hiệu trưởng, các tổ chuyên môn sẽ “đòi” sáng kiến kinh nghiệm đó. 

Vì thành tích của đơn vị được tính dựa trên các số liệu cụ thể trong đó có mục liên quan đến sáng kiến kinh nghiệm nên đương nhiên hiệu trưởng sẽ thúc giục giáo viên phải hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm vì thế đã trở thành một thứ nghĩa vụ bắt buộc được áp đặt từ trên xuống dành cho người giáo viên. Thông thường họ sẽ phải viết theo mẫu. 

Một công việc có tính chất chuyên môn cần đến sự tự chủ, sáng tạo ở người giáo viên rốt cuộc lại trở thành một thứ nghĩa vụ được áp đặt từ trên xuống. 

Bởi thế trong thực tế nó đã biến thành thứ mang nặng tính hình thức khiến giáo viên làm theo kiểu chống đối hoặc “làm cho xong”. 

Kết quả là những sáng kiến kinh nghiệm chỉ giống như thép được tạo ra từ phong trào “toàn dân làm gang thép” trong lịch sử. Nó mang nặng tính hình thức, cóp nhặt, sao chép và không có hàm lượng chất xám đáng kể. 

Số phận các sáng kiến kinh nghiệm này sau đó về đâu? Không khó để hình dung số phận của nó. 

Thành thật mà nói một ý tưởng hay một kinh nghiệm hay trong giáo dục không thể nảy sinh một cách dễ dàng. Không phải cứ dạy lâu là có được. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thành thật mà nói một ý tưởng hay một kinh nghiệm hay trong giáo dục không thể nảy sinh một cách dễ dàng. Không phải cứ dạy lâu là có được. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Mỗi trường có hàng chục, hàng trăm giáo viên và tính trên quy một một tỉnh, thành phố hay cả nước thì số lượng sáng kiến kinh nghiệm thật khổng lồ. 

Tuy nhiên đa phần các sáng kiến kinh nghiệm kể cả sáng kiến được giải đã rơi vào quên lãng. Rất ít sáng kiến được phổ biến, ứng dụng trong thực tiễn. 

Kết quả của phong trào chỉ dừng lại các con số trong khi giáo viên phải bỏ ra một lượng lớn thời gian và công sức. 

Mặt khác, thành thật mà nói một ý tưởng hay một kinh nghiệm hay trong giáo dục không thể nảy sinh một cách dễ dàng. Không phải cứ dạy lâu là có được.

Nó cần đến sự tìm tòi, nghiên cứu của giáo viên trong thời gian dài, trong tinh thần say mê và tự do.
 
Những gì đang cản trở giáo viên Việt Nam sáng tạo?


Để có tinh thần và khả năng sáng tạo cao, tạo ra cái mới có giá trị con người phải có các phẩm chất, năng lực cần thiết. 

Những năng lực, phẩm chất này phải được hình thành, nuôi dưỡng, phát triển ngay từ nhỏ. 

Nên thay “sáng kiến kinh nghiệm” bằng gì? ảnh 2Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình... cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm

Các giáo viên cũng là những người đã sinh ra, lớn lên và trải nghiệm một nền giáo dục bất toàn vì vậy họ mang trong mình di sản ấy.

Sáng tạo trở thành một thử thách lớn đối với giáo viên. 

Tất nhiên, trong đó sẽ có những giáo viên biết phản tỉnh để tự học hỏi, hoàn thiện bản thân hoặc là đi du học, tiếp xúc với giáo dục nước ngoài để so sánh và cải thiện. 

Cho dù có phẩm chất và năng lực sáng tạo đi nữa, khi làm việc tại trường học, người giáo viên đang vấp phải những lực cản lớn hạn chế sáng tạo. 

Thứ nhất, cơ chế quản lý hành chính giáo dục hình tháp kiểu tập trung cao độ đã làm cho cơ quan quản lý giáo dục can thiệp rất sâu vào nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục của các trường và giáo viên. 

Điều này đã khiến cho giáo viên luôn đặt trong tâm trạng “sợ hãi”, lo ngại đổi mới vì sợ rằng mình sẽ…sai, sẽ bị thanh tra, kiểm tra, phải giải trình này khác.

Phản ứng tự vệ sẽ khiến cho giáo viên trung thành nhất nhất với những chỉ đạo chuyên môn của phòng, sở.

Cách thức làm việc này lâu dần làm triệt tiêu tinh thần phê phán, sáng tạo của giáo viên. 

Thứ hai, cơ chế một chương trình-một sách giáo khoa được sử dụng ở Việt Nam trong một thời gian dài đã khiến cho tư duy coi sách giáo khoa là tập hợp chân lý rất nặng nề. 

Vì thế, các bài giảng của giáo viên về cơ bản cho dù là ở địa phương nào, cấp học nào cũng là một sự rút gọn, tóm tắt sách giáo khoa. Giáo viên bám theo sách giáo khoa dạy từng dòng, từng mục thậm chí tệ hơn là từng câu chữ. 

Sách giáo khoa trở thành tiêu chuẩn tuyệt đối để dựa vào đó xác định tính đúng sai trong bài giảng của giáo viên.

Nên thay “sáng kiến kinh nghiệm” bằng gì? ảnh 3Tại sao sáng kiến kinh nghiệm lại được ưu ái hơn các phong trào thi đua khác?

Trong vô thức cả cơ quan quản lý giáo dục và giáo viên, học sinh, phụ huynh đều quan niệm rằng nội dung giáo dục chính là nội dung sách giáo khoa;

Và bài giảng của giáo viên cùng lắm chỉ là sự minh họa,diễn giải sinh động, dễ hiểu sách giáo khoa. 

Khi còn dẫn sinh viên đi thực tập sư phạm, không biết bao nhiêu lần tôi phải nghe những lời phàn nàn đau khổ của sinh viên về chuyện giáo viên hướng dẫn phê bình sinh viên vì dạy không bám sát sách giáo khoa, vì dám tự ý thay đổi vài ý trong sách giáo khoa hay đề mục…

Sách giáo khoa về bản chất chỉ là một phương án gợi ý về nội dung giáo dục và là sản phẩm của một nhóm tác giả biên soạn. 

Vì vậy tính chính xác hay tính chân lý của nó chỉ có tính chất tương đối, có nhiều kiến thức, nhất là kiến thức trong môn xã hội một thời gian sau sẽ trở nên lạc hậu hoặc không phù hợp.

Chính vì vậy mà sách giáo khoa mới liên tục được viết lại và cùng một nhóm tác giả nhưng sách sau có thể viết rất khác phiên bản sách trước đó đối với cùng một nội dung. 

Hơn nữa, sách giáo khoa sẽ không thể nào tránh được hạn chế về lối viết liệt kê tri thức và khô khan do cố gắng đảm bảo tính khách quan kiểu học thuật. 

Chính vì vậy mà ở các nền giáo dục tiên tiến người ta chỉ coi sách giáo khoa là một trong những tài liệu tham khảo chủ yếu. Giáo viên có thể sử dụng nhiều nguồn giáo tài khác nhau trong đó có sách giáo khoa để giảng dạy. 

Thứ ba, ở Việt Nam cả cơ quan quản lý, giáo viên và học sinh đều chưa có tư duy rành mạnh về việc giáo viên có quyền chủ động nội dung giáo dục. 

Từ trước đến nay người thầy được quan niệm giống như một người thợ dạy. Nhiệm vụ của họ là truyền đạt nội dung kiến thức có trong chương trình và sách giáo khoa. 

Sáng tạo của họ vì thế chỉ gói gọn lại ở việc đổi mới phương pháp truyền đạt hoặc cùng lắm là tìm kiếm thêm thông tin bổ sung, minh họa cho bài viết trong sách giáo khoa sinh động thêm mà thôi. 

Chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi thấy các giáo viên giỏi được giải thực chất phần lớn là các giáo viên làm vừa lòng ban giám khảo khi đã minh họa và diễn giải mềm mại, sinh động nội dung sách giáo khoa

Nếu xét theo tiêu chuẩn giáo dục hiện đại là giáo viên phải có năng lực chế biến, thiết kế nội dung giáo dục cho phù hợp với mục tiêu và một nhóm đối tượng học sinh nào đó thì họ chưa đạt yêu cầu. 

Có khả năng tự chủ về nội dung giáo dục sẽ là một trong những thử thách lớn nhất đối với đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay. 

Thứ tư, giáo viên ở Việt Nam thiếu không gian và cơ hội để sáng tạo.

Cho dù hàng năm có vô vàn phong trào thi đua và các cuộc thi như thi giáo viên giỏi, sáng kiến kinh nghiệm, hội giảng chuyên đề…, giáo viên ở trường phổ thông vẫn không có các tổ chức học thuật, các câu lạc bộ giáo viên để tập hợp, sinh hoạt chuyên môn. 

Họ cũng rất ít có cơ hội để tổ chức, tham gia vào các hội thảo phục vụ chuyên môn, viết bài cho các tập san về giáo dục. 

Nên thay “sáng kiến kinh nghiệm” bằng gì? ảnh 4Nhiều giáo viên vẫn hăng say viết sáng kiến kinh nghiệm

Ở Nhật Bản chuyện giáo viên phổ thông là thành viên của các tổ chức chuyển môn thuần túy của địa phương hay toàn quốc và công bố các bài viết trên các tạp chí dành cho giáo viên rất phổ biến. 

Một bộ phận không nhỏ các giáo viên này được gọi là các “nhà thực tiễn” khi họ liên tiếp công bố các bài viết tóm tắt thực tiễn giáo dục của bản thân trên các tạp chí. 

Ở Việt Nam do hạn chế trong nhận thức về quyền tự chủ nội dung giáo dục, thực tiễn giáo dục của giáo viên gần như không tồn tại. Giáo viên chủ yếu trao đổi với nhau về giáo án-tức là mới chỉ dừng lại ở ý tưởng thực hiện bài giảng. 

Nên thay “sáng kiến kinh nghiệm” bằng gì?

Lao động của người giáo viên cần được đánh giá đúng và được đãi ngộ xứng đáng.

Những cuộc thi như thi giáo viên gỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi dạy chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm và kể cả các chỉ số thi đua khác như bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh tốt nghiệp, đỗ đại học… chưa thể đánh giá hết và đúng mức cống hiến của giáo viên. 

Cần phải có các tiêu chí khác để đánh giá bổ sung hoặc thay thế. Ví dụ đánh giá khả năng sáng tạo của giáo viện dựa trên việc họ tham gia vào các câu lạc bộ chuyên môn như thế nào, có những bài viết, công bố nào, tạo ra thực tiễn giáo dục như thế nào và thực tiễn giáo dục đó có ảnh hưởng như thế nào tới học sinh và đồng nghiệp khác…

Đánh giá giáo viên cần đi vào thực chất thay vì mang tính chất áp đặt và kiểm soát. Cần mạnh dạn bỏ đi các phong trào thi đua vô bổ và tạo ra môi trường tự do thực sự để giáo viên sáng tạo. 

Xã hội đang ngày càng được thông tin hóa mạnh mẽ. Quan niệm về trường học và người thầy đang ngày càng mở rộng.

Vai trò của người giáo viên nếu chỉ dừng lại ở việc truyền đạt tri thức và nhất là các tri thức được gói gọn trong sách giáo khoa sẽ đẩy nghề giáo viên bước vào ngõ cụt trong thời đại thông tin hóa và trí tuệ nhân tạo đang ngày một được ứng dụng rộng rãi. 

Hãy cải cách giáo dục mạnh mẽ và thực sự để người giáo viên được tự chủ cả về nội dung và phương pháp giáo dục qua đó hình thành và phát triển các thực tiễn giáo dục để thúc đẩy cải cách giáo dục từ dưới lên. 

Nguyễn Quốc Vương