Sau biến cố của gia đình, cô Hường đam mê làm thiện nguyện

17/07/2022 06:50
Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vượt qua cú sốc biến cố gia đình, cô Hường đồng cảm hơn với những số phận éo le trong xã hội. Từ đó, cô đã giúp được nhiều người khó khăn.

Trước kia, cuộc sống cô Phạm Thị Thanh Hường - giáo viên môn Vật lý tại Trường Trung học phổ thông Lạc Thủy A (tỉnh Hòa Bình) cứ thế bình lặng trôi bên những trang giáo án, lớp học và hạnh phúc bên mái ấm gia đình ở thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình).

Vào khoảng 3-4 năm về trước, gia đình cô Hường bất ngờ xảy ra biến cố khiến cho kinh tế gia đình kiệt quệ, hai vợ chồng phải gánh khoản nợ ngân hàng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Lúc mới đầu, cô Hường suy sụp vì bao nhiêu công sức mình đã đổ mồ hôi nay tan thành mây khói. Khi ấy đồng nghiệp, bà con lối xóm cũng sang động viên, giúp đỡ với tinh thần “của ít lòng nhiều”. Cô tâm sự, trước cú sốc đau đớn ấy, tính tình cô trở nên trầm lặng, ít nói hơn.

Cô giáo Thanh Hường dạy môn Vật lý tại Trường Trung học phổ thông Lạc Thủy A (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: NVCC

Cô giáo Thanh Hường dạy môn Vật lý tại Trường Trung học phổ thông Lạc Thủy A (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: NVCC

“Không hiểu sao, lúc ấy, tôi nghĩ rằng, những người có điều kiện họ chơi với nhau, còn mình nghèo sao sánh được. Để cho tâm thanh tịnh, tôi bắt đầu đi lễ chùa, nghiên cứu Phật pháp. Và tôi bắt đầu thấy thương cảm với những mảnh đời khó khăn khi có dịp được tiếp xúc, đọc thông tin về họ”, cô giáo Hường tâm sự.

Có lẽ là một cơ duyên, công việc thiện nguyện của cô Hường cũng bắt đầu từ đó. Nhưng ý tưởng cao cả ấy cũng không suôn sẻ ngay lập tức.

Ban đầu, sau khi đi đến tận nơi, hỏi thăm, xác nhận đúng gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự, cô cũng chỉ làm theo cách là chụp lại những hình ảnh, rồi viết bài đăng lên Facebook cá nhân của mình để kêu gọi.

Theo cô Hường, có lẽ khi đó chưa tạo được sự tin tưởng nên có khi chỉ vận động được một chút quà cáp hay vài chục nghìn đồng – quá khiêm tốn so với mục đích của mình.

“Làm gì cũng phải có đồng đội. Lúc đầu rất khó khăn, có lần tôi muốn chuyển một số quần áo ấm sang cho bà con ở huyện bên nhưng không ai tài trợ phương tiện đi lại, đành phải bỏ tiền túi ra.

Sau đó, khi biết được công việc của mình đang làm, nhiều cộng tác viên là bà con, bạn bè đồng cảm với mình đã nhiệt tình giúp đỡ. Các nhà tài trợ cũng dần dần tin tưởng nhóm hơn. Công việc lúc ấy mới trôi chảy, thuận lợi”, cô Hường chia sẻ.

Sau biến cố, cô Hường (thứ hai, từ trái qua) đồng cảm hơn với những số phận éo le trong xã hội. Ảnh NVCC

Sau biến cố, cô Hường (thứ hai, từ trái qua) đồng cảm hơn với những số phận éo le trong xã hội. Ảnh NVCC

Tâm sự với phóng viên, làm thiện nguyện đã ngót nghét 4-5 năm nay, cô đã chứng kiến nhiều trường hợp hết sức bi ai và đi tới cảm xúc vỡ òa hạnh phúc khi cứu được họ. Khoảng 2 năm về trước, khi biết tin một cậu học trò cũ bị tai nạn chấn thương sọ não, cha mẹ không biết lấy đâu ra tiền để chữa chạy, họ còn định bán mảnh đất của gia đình đi.

Nhưng khi cô Hường đến thăm, đăng bài viết lên mạng xã hội, các nhà hảo tâm đã đồng ý hỗ trợ em số tiền để chữa trị. Đến nay, như một phép màu nhiệm, em đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, dần dần hồi phục.

Cô Thanh Hường coi đây là ngã rẽ của cuộc đời mình. “Sau cơn bão tố, tôi đã tìm thấy niềm vui, lạc quan trong cuộc sống. Tôi tâm niệm, giúp người là giúp mình – con người luôn luôn cần nương tựa, đoàn kết vào nhau để có một tương lai hạnh phúc hơn.

Hiện câu lạc bộ Lạc Thủy chúng tôi đang có dự định lập một quỹ khuyến học để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh éo le trong huyện nhà”.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Phạm Đức Hoàng – học sinh cũ của cô Hường cho biết, cô giáo là người luôn tâm huyết, hết mực chăm lo đến học trò.

“Bản thân tôi cũng đã chứng kiến và cảm động trước những việc làm ý nghĩa của cô. Tôi và bạn bè đồng trang lứa luôn nhớ về cô như một người mẹ hiền thứ hai”, anh Hoàng bày tỏ.

Cô Hường (thứ hai, từ trái qua) tận dụng thời gian rảnh để làm công tác thiện nguyện. Ảnh NVCC

Cô Hường (thứ hai, từ trái qua) tận dụng thời gian rảnh để làm công tác thiện nguyện. Ảnh NVCC

Hiện nay, cô Hường vẫn tập trung vào nghề “gõ đầu trẻ”, cô chỉ tận dụng thời gian rảnh làm thiện nguyện và làm thêm kinh doanh để cải thiện sinh kế gia đình. Công việc bận rộn là thế, lại là giáo viên về khoa học tự nhiên, khó có thể hình dung cô lại con người có tâm hồn nghệ sĩ.

Trên trang Facebook cá nhân, cô Hường đăng tải rất bài thơ do cô sáng tác - chủ yếu về chủ đề tình cảm gia đình, đồng nghiệp, học trò – nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ bạn bè. Cô cho biết, thích làm thơ cũng từ lúc gặp biến cố gia đình.

“Lúc ấy, tôi trầm tĩnh hơn, tâm hồn như lắng lại. Trước tiên, viết ra chỉ cho mình đọc, sau rồi đưa lên mạng cho bạn bè cùng đọc”, cô Hường chia sẻ.

Kim Sơn