Ngày 30/8/2017, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Sinh học đã có buổi hội thảo góp ý dự thảo chương trình môn Sinh học cùng Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông và Ban Phát triển các chương trình môn học trước khi dự thảo đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân.
Chủ trì hội thảo là Giáo sư Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam.
Tham dự hội thảo có nhóm chuyên gia xây dựng chương trình môn Sinh học và một số nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Sinh học.
Mở đầu hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định, hôm nay, có 2 phần nội dung cần thảo luận đó là Di truyền và Sinh thái.
Theo đại diện nhóm xây dựng chương trình môn Sinh học - Giáo sư Đinh Quang Báo giới thiệu, đây là môn học truyền thống trong nhà trường phổ thông, có vai trò tác động qua lại với nhiều môn học khác (cung cấp kiến thức cho một số môn học, ngược lại, phải sử dụng kiến thức của nhiều môn học như Toán, Hóa học, Vật lý mới có thể học được môn Sinh học).
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Sinh học đã có buổi hội thảo góp ý dự thảo chương trình môn Sinh học cùng Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông và Ban Phát triển các chương trình môn học vào ngày 30/8 (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, một nét mới trong dự thảo chương trình môn Sinh học là hệ thống các chuyên đề nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức để trực tiếp định hướng, làm cơ sở cho các quy trình kĩ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến Sinh học.
Các chuyên đề hướng nghiệp hướng đến các lĩnh vực của nền công nghiệp 4.0 như: công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo,...
Góp ý cho dự thảo, Giáo sư Lê Đình Lương cho rằng, một trong những khó khăn hiện nay là cải cách giáo dục khó khả thi nếu tăng nội dung lên so với trước đây thì thời gian đào tạo sẽ rất lớn.
Do đó, chúng ta cần phải tính đến xây dựng chương trình với khối lượng giảng dạy giảm đi nhưng hiệu quả lại tăng lên.
Phó giáo sư - chuyên gia chương trình mới bày cách viết sách giáo khoa |
Đối với môn Di truyền học, Giáo sư Lương đề xuất tinh giản khối lượng dạy học chỉ còn ở 11 đề mục gồm:
Nguyên phân; Giảm phân; Các định luật Menden; Quy luật vận động của gen; Cơ sở tế bào của tính di truyền; Liên kết gen và liên kết giới tính; Đa bội thể, sai hình nhiễm sắc thể; Xây dựng bản đồ di truyền; Cân bằng di truyền trong quần thể; Di truyền ngoài nhiễm sắc thể.
Trong khi đó, Giáo sư Mai Đình Yên cho rằng, đưa phần Sinh thái học vào chương trình là hợp lý nhưng nội dung kết hợp Sinh thái học với Khoa học môi trường trong dự thảo hiện chưa phù hợp.
Do đó ông kiến nghị, phần Sinh thái học và môi trường cần gồm 6 nội dung (chủ đề) và 30 tiểu mục cụ thể.
Với tư cách là Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng chương trình môn Sinh học còn nhiều nội dung chưa cập nhật, chẳng hạn như số lượng bệnh di truyền (hiện nay đã xác định được khoảng 5.000 bệnh do di truyền, trong khi chương trình chỉ giới thiệu 9 bệnh).
Ngoài ra, cần điều chỉnh một số khái niệm, thuật ngữ, bổ sung một số nội dung về thành tựu của công nghệ vi sinh vật và trình bày một số ứng dụng để làm sao sắp xếp logic hơn.
Bên cạnh đó, Giáo sư Lê Đình Lương cũng bày tỏ sự băn khoăn về nguyên tắc khi tích hợp môn Sinh học với Lý, Hóa ở cấp Trung học cơ sở.
Chính điều này đang khiến nhiều thầy cô hoang mang vì không biết khi chương trình mới chính thức thực hiện thì sẽ dạy thế nào?
Tích hợp thì tích hợp |
Do đó, ông Lương kiến nghị, Ban xây dựng cần giải thích rõ để dư luận, đặc biệt là đội ngũ thầy cô hiểu về vấn đề tích hợp này....
Tổng kết hội thảo, Giáo sư Đặng Vũ Minh đánh giá cao tinh thần đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia với những văn bản cụ thể đồng thời hoan nghênh tinh thần cầu thị của Ban xây dựng chương trình đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong thời gian qua.
Đồng thời, ông Minh cũng hi vọng với các môn học khác thì Ban xây dựng chương trình cũng chủ động đề nghị với các chuyên gia để quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rất phấn khởi vì thông qua buổi hội thảo đã có nhiều nội dung được thống nhất.
Tổng Chủ biên cũng cũng hứa Ban soạn thảo sẽ ghi nhận và tiếp tục sửa đổi, bổ sung nội dung phù hợp đồng thời mong muốn trong thời gian tới các nhà khoa học, chuyên gia tiếp tục đồng hành cùng Ban soạn thảo kể cả việc tham gia tập huấn viết sách giáo khoa và tập huấn đội ngũ giáo viên.