Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán có thể làm việc ở đâu?

03/01/2024 06:32
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm trên toàn cầu cho người tốt nghiệp ngành Kế toán.

Mặc dù đứng trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tuy nhiên, theo ý kiến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học, công việc kế toán sẽ không đứng trước nguy cơ biến mất trong tương lai.

Sự phát triển công nghệ giúp cho công việc kế toán không bị giới hạn về khoảng cách

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Anh – Trưởng khoa Kế toán, Học viện Tài chính bày tỏ, chính vì nhu cầu của thị trường gia tăng trong thời gian qua nên có thêm một số trường mở đào tạo ngành học Kế toán nhưng không có sự chuẩn bị chu đáo. Điều này đã vô tình tạo ra cách nhìn nhận không tốt về chất lượng đào tạo của ngành học này đối với xã hội.

Hơn nữa, trên một số diễn đàn hiện nay có xuất hiện quan điểm về những công việc có thể bị thay thế bởi công nghệ ở tương lai, trong đó có kế toán. Thế nhưng, thực chất quan điểm này chưa thể hiện nhận thức đầy đủ về ngành nghề kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới.

Vì kế toán là công việc không chỉ đơn thuần liên quan đến việc ghi sổ, lập báo cáo truyền thống mà còn còn phải thực hiện phân tích, quản trị dữ liệu kinh tế, tài chính. Sản phẩm của kế toán còn là những báo cáo linh hoạt, hữu ích để tư vấn, tham mưu cho các nhà quản lý của các đơn vị.

Do vậy, dù trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, công việc kế toán sẽ không bị mất đi mà chỉ chuyển dịch từ những công việc truyền thống sang những công việc khác hữu ích hơn trên nền tảng tạo lập và quản trị dữ liệu, thông tin kinh tế, tài chính đóng góp cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, đơn vị.

Sinh viên Khoa Kế toán (Học viện Tài chính) trong Toạ đàm “Xu hướng công nghệ tài chính của thế giới và tác động đến Việt Nam” (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Khoa Kế toán (Học viện Tài chính) trong Toạ đàm “Xu hướng công nghệ tài chính của thế giới và tác động đến Việt Nam” (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Ngọc Anh bày tỏ, thực tế đã chỉ ra rằng, nền kinh tế của nước ta đang phát triển đã dẫn đến sự gia tăng lượng lớn doanh nghiệp mới, tạo ra nhiều nhu cầu tuyển dụng đối với người học tốt nghiệp ngành Kế toán.

Điều này có thể thấy rõ qua khảo sát hàng năm (sau 12 tháng ra trường), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán của Học viện Tài chính có việc làm thường vào khoảng trên 98% cùng mức lương khởi điểm tương đối ổn định (8-10 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh đó, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học này cũng rất thuận lợi khi có thể làm việc cả ở khu vực nhà nước lẫn tư nhân.

Cụ thể, đối với khu vực quản lý nhà nước, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán có thể làm việc ở các Bộ, ban, ngành như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính doanh nghiệp, Cục và các Chi cục thuế, Kho Bạc nhà nước, các ngân hàng nhà nước, các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,…

Còn đối với khu vực ngoài nhà nước, sau khi tốt nghiệp ra trường, người học có thể làm việc tại phòng (ban) kế toán, tài chính tại các doanh nghiệp, ban kiểm soát tại các Tập đoàn kinh tế, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty kiểm toán,…; khởi nghiệp về các dịch vụ kế toán, thuế, tư vấn.

Với những mặt thuận lợi như vậy, những năm gần đây, ngành Kế toán của trường tuyển sinh đều đạt trên 1.200 người học/năm với số điểm chuẩn đầu vào tương đối cao. Năm 2023, điểm chuẩn ngành Kế toán của Học viện Tài chính theo phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 26,15 điểm.

Hiện nay, Học viện cũng đang là một trong những đơn vị có quy mô đào tạo ngành Kế toán lớn nhất trong các cơ sở đào tạo trên cả nước.

Trong khi đó, chia sẻ từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thúy Phương – Trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cho hay, kế toán là một bộ phận cấu thành hữu cơ của hệ công cụ quản lý kinh tế - tài chính, có vai trò tích cực trong quản lý, điều hành và kiểm soát không chỉ đối với các hoạt động kinh tế - tài chính nhà nước, mà còn cần thiết đối với doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ngành học Kế toán có sứ mệnh và vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực kế toán chất lượng cho thị trường lao động.

Có thể thấy, kế toán là một trong những ngành nghề phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.874 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2021 (67.371 doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển mạnh mẽ của internet với các thiết bị di động đã giúp cho hoạt động kế toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, tạo ra nhiều cơ hội việc làm toàn cầu xoay quanh các hệ thống thông tin tài chính và kế toán.

Như vậy, có thể thấy cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán là rất rộng mở, đa dạng và phong phú, tùy thuộc vào vị trí và lĩnh vực mà người lao động muốn làm việc.

Không những vậy, kế toán còn là ngành nghề có mức thu nhập khá cao và nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc. Cụ thể, mức lương của sinh viên khi mới tốt nghiệp ra trường thường dao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; nếu có từ 1 – 2 năm kinh nghiệm, mức lương sẽ từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.

Trong giai đoạn 2020-2023, cùng với sự nỗ lực rất lớn của khoa và nhà trường trong công tác tuyển sinh, khoa đã tuyển sinh đạt 515 sinh viên cho năm 2023 đối với ngành Kế toán (tăng 8,42% so với năm 2022).

Để thu hút sinh viên vào học, cô Phương cho biết thêm, nhà trường và khoa đã luôn cố gắng, nỗ lực đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo trên cơ sở ý kiến góp ý của các bên liên quan (nhà tuyển dụng, giảng viên, chuyên gia, sinh viên, cựu sinh viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp) nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong toàn quốc có khoảng 223 tổ chức cấp bằng cao đẳng về kế toán, 126 tổ chức cấp bằng đại học, 24 tổ chức cấp bằng thạc sĩ và 7 tổ chức cấp bằng tiến sỹ về kế toán. Hàng năm, có từ 50.000 đến 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành kế toán ra trường, tham gia vào thị trường lao động.

Với thực trạng trên đã dẫn đến việc nhiều cơ sở đào tạo ngành học Kế toán nói chung gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở đào tạo với nhau.

Ngoài ra, đối với việc tuyển sinh và đào tạo sau đại học, cô Phương chia sẻ, hiện khoa đang quản lý chương trình đào tạo Kế toán trình độ thạc sĩ.

Công tác tổ chức đào tạo đối với chương trình này có nhiều thuận lợi như đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đúng chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán chiếm tỷ lệ cao trong tổng số giảng viên của Khoa (41,82%), chi phí học tập với mức học phí rất cạnh tranh so với các cơ sở đào tạo khác,...

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh cũng gặp một số khó khăn do có sự cạnh tranh lớn từ các trường đại học tại thành phố lớn lân cận như Hà Nội,...

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường - Phó Trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), những năm trở lại đây, sự chuyển dịch trong xu hướng nhu cầu thị trường lao động có sự thay đổi đáng kể, chính vì vậy, thí sinh có nhiều sự lựa chọn về ngành nghề hơn trong tương lai. Tuy nhiên, đối với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, công tác tuyển sinh ngành Kế toán luôn đạt kết quả tốt.

Theo đó, điểm chuẩn vào ngành Kế toán của trường cũng là cao nhất trong các trường cùng đào tạo ngành học tương tự ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, sinh viên ngành học này sau khi tốt nghiệp ra trường hầu hết đều có việc làm ngay; nhiều sinh viên mới ra trường đã làm việc trong các công ty đa quốc gia hoặc ở các nước khác nhau trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn mở rộng cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên ngành Kế toán. Theo đó, khoa và nhà trường đã thiết kế khung chương trình học với kiến thức tương đối rộng để người học có thể nắm bắt kiến thức về kinh doanh và quản lý cũng như chuẩn bị hành trang nghề nghiệp của mình một cách tốt nhất.

Cụ thể, các em sẽ được học những học phần liên quan đến tài chính, quản trị kinh doanh,...; những học phần thay đổi theo sự phát triển của nền kinh tế và công nghệ như Kế toán môi trường, Phân tích dữ liệu, Kiểm soát hệ thống thông tin kế toán trong môi trường máy tính,...

Nhờ những sự cập nhật và thay đổi chương trình học như vậy, cơ hội việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là rất lớn và đa dạng.

Mặt khác, đối với công tác tuyển sinh sau đại học, thầy Cường cho hay, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Kế toán của khoa trong thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng. Thực trạng này cũng xảy ra ở nhiều trường đại học đang đào tạo ngành học này có thể là do tình hình kinh tế của người dân trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn.

"Điểm riêng" trong đào tạo ngành Kế toán ở từng cơ sở giáo dục đại học

Về công tác đào tạo, thầy Ngọc Anh nhấn mạnh, Học viện Tài chính có bề dày, uy tín trong đào tạo ngành học Kế toán với 60 năm truyền thống. Hơn nữa, hệ sinh thái đào tạo ngành học này cũng được xây dựng khá hoàn chỉnh, tiên tiến, hiện đại; chương trình đào tạo được đổi mới, cải tiến thường xuyên; có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong việc hỗ trợ đào tạo cho người học từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức, doanh nghiệp.

Với bề dày đào tạo đó, khoa còn có thuận lợi khi có một cộng đồng cựu sinh viên ngành Kế toán rất lớn (gần 60.000 người) đã hỗ trợ cho khoa rất nhiều trong việc phát triển chương trình, tổ chức thực hành, thực tập, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên.

Đặc biệt, việc tổ chức đào tạo ngành Kế toán của trường cũng có nhiều điểm riêng so với các cơ sở đào tạo khác.

Thầy Ngọc Anh chia sẻ, Học viện Tài chính là đơn vị có thế mạnh đào tạo rất chuyên sâu, uy tín về tài chính và thuế, do đó, việc đào tạo ngành Kế toán cũng được trường gắn liền với việc đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực này. Nhờ vậy, sinh viên của khoa tốt nghiệp không chỉ làm về kế toán mà còn làm tài chính và thuế rất giỏi.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của ngành Kế toán thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ nên khoa cũng là đơn vị có trình độ của giảng viên thuộc tốp đầu cả nước với 04 giáo sư và 15 phó giáo sư và 35 tiến sĩ.

Đối với mục tiêu phát triển trong việc đào tạo ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), thầy Cường cho biết, trong tương lai, công việc kế toán sẽ sử dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo một cách thông minh để nâng cao hiệu quả so với cách làm việc truyền thống.

Do đó, khoa đã luôn chủ động tìm kiếm các đơn vị phối hợp trong đào tạo, tiến hành triển khai nhiều chương trình và hoạt động thực tế gắn chuyển đổi số trong công tác đào tạo để sinh viên ra trường có thể linh hoạt hơn, kịp thời thích ứng được với thời đại công nghệ số.

Không những vậy, đội ngũ giảng viên của khoa đều tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo tại các nước tiên tiến trên thế giới nên có khả năng dự báo thị trường và đưa ra quyết định phù hợp giúp sinh viên hiểu rõ và đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động.

Còn với Khoa Kế toán của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), về công tác đào tạo, cô Phương bày tỏ, trong giai đoạn 2023-2027, ngành Kế toán của khoa đang tập trung phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, xác định được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đáp ứng được quá trình hội nhập toàn cầu và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động mạnh đến ngành nghề kế toán.

Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Kế toán của khoa sẽ được thiết kế, đổi mới theo hướng lựa chọn các học phần nhằm đáp ứng được chuẩn đầu ra.

Và đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực này; quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán - kiểm toán, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Để ngành học này ngày càng được phát triển, cô Phương mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành Kế toán đối với các trình độ của giáo dục đại học.

Bởi, kế toán là một nghề có tính chất chuyên môn nghề nghiệp rất cao, thế giới đã xây dựng chuẩn nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện các trường đại học ở Việt Nam đang tự xây dựng chương trình đào tạo riêng mang phong cách, đặc thù của từng trường và chưa có căn cứ nào để đánh giá mức độ phù hợp.

Tường San