Sống được bằng lương vẫn là niềm hy vọng, mong mỏi của nhà giáo!

14/02/2021 06:05
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong mỏi của nhà giáo có cuộc sống tốt hơn để họ toàn tâm, toàn ý đầu tư cho chuyên môn của mình là mong mỏi chính đáng suốt hàng chục năm qua.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành các Thông Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập khiến nhiều giáo viên lại bàn tán về tiền lương hàng tháng của mình trong thời gian tới đây.

Có người cho rằng lương tới đây khi trả theo hạng, theo vị trí việc làm thì thu nhập của giáo viên sẽ cao hơn, có người lại sợ các Thông Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ vừa ban hành thì có người sẽ xuống hạng, lương sẽ thấp đi bởi tới đây phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ không còn.

Nỗi trăn trở của giáo viên về lương, cùng các văn bản hướng dẫn về tiền lương trong thời gian qua như một ma trận nên nhiều thầy cô cứ hy vọng rồi lại băn khoăn. Trong khi, câu hỏi bao giờ giáo viên sống được bằng lương vẫn đang để ngỏ suốt hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa có một lời giải đáp thỏa đáng.

Chuyện tăng lương cho giáo viên vẫn là vấn đề nan giải (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Chuyện tăng lương cho giáo viên vẫn là vấn đề nan giải (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Có bao nhiêu nhà giáo “sống được” bằng lương của mình?

Trong mặt bằng chung về tiền lương, phụ cấp hàng tháng thì giáo viên cũng không phải là thấp nhất so với đội ngũ công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước vì ít nhiều có thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên (đã có chủ trương cắt vào 01/7/2020 nhưng hiện đang được giữ nguyên).

Nhưng, thực tế cho thấy phần lớn giáo viên trên cả nước, nhất là những giáo viên trẻ đang sống vất vả với đồng lương hàng tháng của mình. Nếu không làm thêm, nếu không có một nghề tay trái, hoặc có chồng (vợ) là một người làm ở ngành nghề khác thì cuộc sống của nhiều thầy cô sẽ rất chật vật.

Lương giáo viên của một cử nhân sư phạm mới ra trường, hưởng lương bậc 1 và hệ số 2,34 hiện nay trên 3 triệu đồng, muốn được lên lương bậc 2 phải mất thêm 4 năm nữa để có thu nhập hàng tháng khoảng 4 triệu đồng.

Người có thâm niên 15 năm công tác được hưởng lương bậc 5 thì thu nhập hàng tháng khoảng trên dưới 7 triệu đồng.

Trong số tiền lương ấy còn rất nhiều khoản phải đóng góp hàng tháng. Đặc biệt, với đội ngũ nhà giáo hiện nay so với các ngành nghề khác còn có rất nhiều khoản phải chi bởi đây là ngành có những đặc thù riêng biệt.

Hàng tháng, giáo viên vẫn liên tục phải trích ra một khoản tiền lương để đầu tư cho chuyên môn của mình như: in ấn giáo án, đề kiểm tra cho học trò, sắm sửa máy tính, máy in, làm đồ dùng dạy học hàng ngày…mà những ngành nghề khác thì các khoản này đều được đơn vị, cơ quan đầu tư.

Cũng vì vậy mà phần lớn giáo viên phải tìm đến nghề “tay trái” để nuôi nghề tay phải (nghề dạy học) của mình.

Có người dạy thêm, có người viết thuê sáng kiến kinh nghiệm, viết báo cáo thi giáo viên giỏi cho đồng nghiệp để kiếm thêm thu nhập.

Có người buôn bán nhỏ, có người bán hàng online, có người làm ruộng và cũng có những thầy cô tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ để đi chạy xe ôm, dọn dẹp nhà cửa cho người khác…hòng kiếm thêm một chút tiền thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.

Đối với việc dạy thêm thì cũng chỉ tập trung được một vài môn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp và ở những khu vực có điều kiện, những giáo viên ở nông thôn, giáo viên dạy môn phụ gần như chỉ trông chờ vào đồng lương hàng tháng mà thôi…

Trong khi đó, có nhiều giáo viên phải lập nghiệp xa quê, lúc đầu phải thuê nhà, phải tích cóp, phải vay nợ ngân hàng để trang trải những lúc gia đình có việc. Vì thế, gần như phần lớn đội ngũ nhà giáo hiện nay đều phải vay ngân hàng để đắp đổi cuộc sống…

Phần nhiều những gia đình mà cả 2 vợ chồng đều là nhà giáo thì đang sống một cuộc sống “giản dị, khiêm tốn” nhất có thể - dù mỗi khi đi làm bước ra khỏi nhà nhìn ai nấy đều rất tinh tươm, gọn gàng…

Giáo viên sống được bằng lương là mong mỏi chính đáng của nhà giáo

Tất nhiên, giáo viên cũng đang sống bằng lương của mình nhưng nhiều thầy cô đang sống khá chật vật khi các con của mình càng lớn thì chi phí chuyện học hành càng nhiều.

Trong thời buổi ngày nay, ai cũng mong muốn mình có cuộc sống “tạm ổn định” để làm trọn vai trò, thiên chức của một nhà giáo, nhất là trong khi ngành giáo dục luôn có những đổi mới trong từng học kỳ, từng năm học.

Trách nhiệm, áp lực về công việc của giáo viên ngày càng lớn hơn bởi xã hội đòi hỏi nhiều hơn, học sinh cũng có nhiều em giỏi hơn, chủ động hơn và yêu cầu của lãnh đạo ngành cũng cao hơn…

Công việc của giáo viên hàng ngày không còn đơn thuần là một bài giảng, một giáo án nói từ năm này sang năm khác. Vì thế, sự đầu tư cho chuyên môn là công việc hàng ngày, đòi hỏi người thầy phải trau dồi, học hỏi để đáp ứng yêu cầu công việc.

Vì vậy, mong mỏi của nhà giáo có cuộc sống tốt hơn để toàn tâm đầu tư cho chuyên môn là mong mỏi chính đáng suốt hàng chục năm qua. Thế nhưng, bao giờ giáo viên sống được bằng lương vẫn là câu hỏi chưa có lời giải trong nhiều năm qua.

Chợt nhớ, ngày 17/11/2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ với 13 thầy cô vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc mới được công nhận chức danh…

Trong buổi gặp gỡ này, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 thì nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Bây giờ, đã gần 15 năm trôi qua, ngành Giáo dục cũng đã có thêm 2 Bộ trưởng nữa là ông Phạm Vũ Luận và ông Phùng Xuân Nhạ nhưng chuyện giáo viên sống được bằng lương vẫn còn là một ẩn số.

Trong khi, những năm gần đây thì Bộ có nhiều lần tham mưu, ban hành một số văn bản có liên quan đến tiền lương của giáo viên nhưng mọi chuyện cũng chưa đâu đến đâu, thậm chí là nếu thực hiện đúng theo Luật Giáo dục năm 2019 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo đã bị cắt từ ngày 01/7/2020 và tất nhiên lương giáo viên sẽ bị giảm bớt.

Kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, trả lương theo vị trí việc làm vẫn chưa thực hiện được theo lộ trình, thôi thì giáo viên vẫn tiếp tục hy vọng vậy…!

LÊ MINH