LTS: Thời gian vừa qua, có quá nhiều bất hòa xảy ra giữa cá nhân/tập thể giáo viên với hiệu trưởng đơn vị.
Bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề mập mờ tài chính ở trường phổ thông - nguyên nhân chủ yếu gây ra rạn nứt dẫn đến sự bệ rạc của môi trường sư phạm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Có thể nói, mối quan hệ bất hòa xảy ra giữa cá nhân/tập thể giáo viên với lãnh đạo đơn vị trường học ở bậc phổ thông ngày càng gay gắt.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn ở mặt tài chính mập mờ thiên biến vạn hóa khiến nhiều giáo viên bức xúc (1), (2).
Đỉnh điểm dẫn đến “tức nước vỡ bờ” là việc tập thể giáo viên Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải treo băng rôn trong trường, yêu cầu hiệu trưởng, kế toán công khai tài chính vì họ cho rằng số tiền gần 3,6 tỉ đồng đã bị tình nghi lấp liếm một cách trắng trợn (3).
Sự việc này có thể xem là tày trời, vô tiền khoáng hậu ở một thành phố văn minh bậc nhất đất nước này kể từ sau năm 1975, theo như lời của một vị nguyên Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.
Nhiều năm trong nghề giáo, chúng tôi nhận thấy, hiện tượng hiệu trưởng và kế toán của Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải gần như (chúng tôi nhấn mạnh) là mẫu số chung của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Mẫu số ấy chính là hai chữ chữ “vua con”.
Phàm là vua thì có mọi quyền hành, kể cả quyền sinh, quyền sát trong tay. Thế nên, rất nhiều hiệu trưởng đã tự tung tự tác chính ngay trong trường học (được xem như nhà riêng) mà không thèm đếm xỉa đến sự có mặt của giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Giáo viên Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải treo băng rôn, yêu cầu công khai tài chính (Ảnh minh họa: baotintuc.vn). |
Để phác thảo diện mạo của những hiệu trưởng như vừa nêu là một điều không mấy khó khăn.
Phần đông, hiệu trưởng được bổ nhiệm không qua thi tuyển. Vì thế, nói thật là vẫn có vị thiếu năng lực chuyên môn, quản lí yếu kém và khiếm khuyết đạo đức cần có của nghề giáo.
Cá biệt, còn có hiệu trưởng chưa từng kinh qua chức quản lí, tức là chưa từng làm tổ phó/tổ trưởng chuyên môn hoặc hiệu phó chuyên môn.
Vì không thông qua thi tuyển, nên dĩ nhiên ai cũng hiểu các vị ấy (có thể) phải “đi đêm đi hôm” với cấp trên và không ngoại trừ có hiện tượng “chung chi” thì mới được bổ nhiệm.
Giáo viên Trường Trần Quang Khải treo băng rôn đòi công khai tài chính |
Vì đã bỏ qua “các bước trung gian” để lên làm lãnh đạo nên việc đầu tiên, hiệu trưởng phải tìm cách lấy lại những gì đã mất.
Có thể tưởng tượng rằng, hình hài của họ bây giờ giống một con đỉa quái thai sinh ra ba cái vòi:
Một vòi hút máu từ ngân sách nhà nước, một vòi hút máu của giáo viên và một vòi hút máu của phụ huynh học sinh.
Họ hút máu ngân sách nhà nước bằng cách nào?
Một điều rất dễ nhận ra là việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất.
Đây là công việc chính khiến họ bận rộn quanh năm suốt tháng chứ không phải việc quản lí, điều hành chuyên môn.
Tại sao họ làm rất hăng, rất nhiệt tình với những công việc này? Đơn giản, nói như cha ông ta “Có làm thì mới có ăn/Không dưng ai dễ đem phần đến cho”.
Dưới trướng của hiệu trưởng, giáo viên bị ăn chặn những khoản tiền nào?
Đó là khoản thu nhập tăng thêm cuối năm. Để có thu nhập tăng thêm, giáo viên phải tiết kiệm rất nhiều khoản, từ điện, nước, giấy in cho đến những cuộn giấy vệ sinh.
Thế nhưng, ngược lại hiệu trưởng, kế toán đã kiếm chác rất ngon lành từ những khoản lẽ ra phải được sung vào công quỹ.
Ở trường học, rất nhiều khoản chi hoa hồng được xem là miếng mồi béo bở cho hiệu trưởng và kế toán ăn chia.
Đình chỉ công tác Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải |
Đầu năm học là hồ sơ tuyển sinh của những lớp đầu cấp; đồng phục học sinh; tiền bán trú/phục vụ bán trú; bảo hiểm y tế.
Tiếp đến là các hoạt động phong trào/khen thưởng học sinh; học buổi hai/tăng tiết; học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ; hướng nghiệp; ngoại khóa (được gọi bằng cái tên mỹ miều là trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường)…
Riêng các khoản học buổi hai/tăng tiết, học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ và ngoại khóa, hiệu trưởng đã nghiễm nhiên hưởng từ 35-40% trên tổng thu (nhiều thông tin từ giáo viên cho biết), một số tiền gấp rất nhiều lần so với đồng lương hiện tại của đồng nghiệp.
Việc làm của hiệu trưởng và kế toán đương nhiên ai cũng biết là khuất tất, mờ ám. Thế nhưng, tại sao giáo viên/nhân viên lên tiếng, tố cáo chỉ là con số ít?
Phần đông, giáo viên/nhân viên chỉ quan tâm đến chuyên môn, nghiệp vụ chứ họ không mấy am hiểu đến hóa đơn, chứng từ và những vấn đề liên quan đến pháp luật.
Nhưng, điều giáo viên lo ngại nhất là sợ bị hiệu trưởng trù dập. Họ có thể bị kiểm tra, thanh tra và bắt lỗi bất cứ lúc nào từ việc đảm bảo giờ giấc, hồ sơ sổ sách cho đến phân công công việc.
Giáo viên ngán ngẩm nhất là bị phân thời khóa biểu dàn trải cả tuần, rồi giao chủ nhiệm những lớp yếu kém, phần đông có học sinh hư hỏng, vô kỉ luật.
Và cuối năm, giáo viên gần như nắm chắc họ rất khó để được hiệu trưởng đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi bức xúc, tiếng nói của giáo viên khó được sự lắng nghe, quan tâm giải quyết từ các cấp có thẩm quyền.
Đơn giản, giữa hiệu trưởng và các cấp lãnh đạo cao hơn có mối quan hệ “mật thiết” nên họ thường bao che cho nhau hoặc xử lí một cách chiếu lệ.
Từ đó, giáo viên rơi vào trạng thái bi quan, chán nản hoặc tê liệt tinh thần và mất dần sự phản kháng.
Suy cho cùng, từ việc tha hóa đạo đức nhà giáo cùng với thế lực đồng tiền xoay tròn trên lương tri và nhân phẩm của những con người có chức, có quyền, khiến họ biến chất ngay chính trong môi trường giáo dục - môi trường được xem là vô trùng không cho phép tạo ra những phế phẩm.
Tài liệu tham khảo:
(1) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tai-chinh-map-mo-thi-dung-mo-dan-chu-truong-hoc-post175594.gd
(2) http://dantri.com.vn/ban-doc/bi-to-map-mo-tai-chinh-hieu-truong-van-ha-canh-an-toan-1423846030.htm
(3) http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Giao-vien-Truong-Tran-Quang-Khai-treo-bang-ron-doi-cong-khai-tai-chinh-post186109.gd