LTS: Trước thềm khai giảng năm học mới sắp diễn ra ngày 5/9 đây, thầy giáo Trần Vũ đã có bài viết với mong muốn sau buổi lễ này, giáo viên, học sinh và phụ huynh được tham dự một buổi tọa đàm, giải đáp vấn đề mình băn khoăn trong ngành giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Trong Quyết định số 1893/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 có quy định: Các ngành học, bậc học tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2016.
Theo Công văn số: 4078/BGDĐT-VP ngày 19/8/2017 về hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng năm học 2016 – 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lễ khai giảng năm học, gồm 2 phần:
“Phần lễ tổ chức ngắn gọn, trang nghiêm gồm: chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước… và phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường”.
Sao cứ nhất định học rồi mới khai giảng? (Ảnh: tuanvietnam.net). |
Để lễ khai giảng năm học mới được long trọng, thiết nghĩ tất cả trường học trong cả nước từ trường công lập đến tư thục, từ giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non đến giáo dục thường xuyên, các trường học từ thành phố, thị xã đến những điểm trường ở vùng sâu, miền núi, hải đảo… nên được các vị lãnh đạo Đảng, địa phương, ngành Giáo dục; đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp theo đơn vị bầu cử đến dự.
Học trước, khai giảng sau là sự bất thường của trường học |
Bởi, sự hiện diện của đại biểu là niềm vinh dự cho nhà trường và còn là nguồn động viên to lớn cho thầy, trò phấn khởi bước vào năm học mới.
Nhưng, có một nội dung hết sức quan trọng trong chương trình lễ khai giảng năm học mới, thiết nghĩ rất cần được ngành Giáo dục chỉ đạo cho các cơ sở trường học tổ chức sau buổi lễ; đó là cuộc toạ đàm giữa giáo viên với đại biểu các ngành, các cấp tham dự lễ.
Bởi trong ngày khai giảng, sau phần lễ và hội các trường học vẫn còn thời gian để tổ chức toạ đàm, do Công văn 4078 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu:
“Sau ngày khai giảng, nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học ngay, đảm bảo chương trình và kế hoạch năm học đề ra”.
Tuy việc toạ đàm sau lễ khai giảng nhiều trường học đã thực hiện từ nhiều năm rồi nhưng đó chỉ là trao đổi giữa Ban giám hiệu với đại biểu tham dự, còn toạ đàm giữa đại biểu với giáo viên chưa thấy trường học nào thực hiện.
Trong bài “Thầy giáo mơ ước một lễ khai giảng giáo viên không buồn, học sinh không mệt”, trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 25/8/2016 có đoạn:
“Sau khi lễ khai giảng kết thúc giáo viên bộ môn và học sinh thường tiếp tục lên lớp học hoặc được cho nghỉ còn các vị khách mời thì được Ban giám hiệu nhà trường mời vào phòng để tọa đàm đầu năm.
Và, điệp khúc muôn thuở lại bắt đầu bằng việc báo cáo sơ lược thành tích của giáo viên, học sinh trong năm qua, dẫn đến vai trò của các Mạnh Thường Quân và các bậc phụ huynh vô cùng lớn, những mong được sự chia sẻ, đóng góp của quý vị để nhà trường tiếp tục làm tốt nhiệm vụ.
Sau khi trao đổi xong, Ban giám hiệu thường mời các lãnh đạo cấp trên đi dự bữa cơm thân mật”.
Còn trong bài viết “Thầy, cô giáo và những khát khao ngày khai giảng năm học mới”, trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/9/2015, tôi có nêu vấn đề giáo viên luôn ao ước được trao đổi với lãnh đạo các ngành, các cấp:
“Ngày khai trường năm đó, thầy- cô giáo trường tôi thật sự “nuối tiếc". Được thầy Hiệu trưởng thông báo trước là sau lễ khai giảng, đại biểu của Uỷ ban Nhân dân Tỉnh sẽ tọa đàm với thầy- cô, nhân dịp nhà trường được tặng “Cờ thi đua của Ủy ban Nhân dân Tỉnh"; thầy- cô trường tôi rất phấn khởi, bởi lẽ sẽ được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình với lãnh đạo Tỉnh.
Vì bao năm nay, đại biểu dự lễ khai giảng xong chỉ tọa đàm với lãnh đạo nhà trường còn giáo viên muốn bày tỏ thì không có cơ hội. Nghe nói có nhiều thầy, cô năm đó chuẩn bị những bức xúc của mình để được trình bày;
Thế nhưng, sau lễ khai giảng, lãnh đạo bận việc, nên tọa đàm không diễn ra. Rồi nhiều năm sau đó, ở trường tôi sau lễ khai giảng cũng không thấy có vị lãnh đạo nào dành thời gian để nghe thầy, cô “nói”.
Một năm sau bài viết, ngày khai giảng gần kề; tôi tiếp tục viết lên đây khao khát của giáo viên mong muốn lãnh đạo các cấp, các ngành khi đến tham dự lễ, ngoài việc nghe Hiệu trưởng báo cáo thành tích hoạt động dạy và học của nhà trường trong năm học vừa qua còn “sâu sát” với những tâm tư, nguyện vọng của chính phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Tất cả các trường của Hà Nội khai giảng vào sáng 5/9 |
Tuỳ theo bậc học, ngành học và đại biểu tham dự, các vấn đề trao đổi, đối thoại có thể là:
Vấn đề dạy thêm, học thêm và lạm thu trong nhà trường; việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ; tổ chức thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển Đại học, Cao đẳng trong những năm tới.
Việc thực hiện Nghị định 56/2015/NĐ- CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại viên chức ngành giáo dục và vấn đề viết sáng kiến kinh nghiệm.
Tình hình bỏ học, đuối nước, nhà vệ sinh của học sinh; vấn đề bạo lực học đường và an toàn giao thông trong trường học…
Đây là những vấn đề đã và đang gây bức xúc, tranh cãi hoặc chưa có sự đồng thuận trong xã hội, mà giáo viên, phụ huynh học sinh các trường cần được sự chia sẻ, lắng nghe của đại biểu trong dịp này.
Sao cứ nhất định học rồi mới khai giảng? |
Thiết nghĩ, những quyết sách, chủ trương đối với ngành Giáo dục nếu có sự đồng thuận, ủng hộ của đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội thì mới có đầy đủ tính khả thi để thực hiện.
Hy vọng rằng từ nay trong ngành Giáo dục sau lễ khai giảng năm học mới, các cơ sở trường học được tổ chức cuộc gặp gỡ để trao đổi, đối thoại về những vấn đề bức xúc trong ngành giữa giáo viên, phụ huynh học sinh với lãnh đạo và đại biểu các cấp.
Thực hiện điều này, tôi tin rằng giáo viên các cơ sở trường học sẽ yên lòng bước vào năm học mới với động lực mới phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.