Thầy cô hãy dũng cảm nói thẳng, nói thật góp ý cho Bộ Giáo dục trên Temis

10/02/2022 08:56
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức khảo sát giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho tất cả các cấp học phổ thông.

Hiện nay, tại trang web taphuan.csdl.edu.vn mục Temis, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức khảo sát giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho tất cả các cấp học, bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.

Điều này, chứng tỏ Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong giai đoạn lấy ý kiến sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ Giáo dục rất cầu thị, muốn lắng nghe ý kiến từ cơ sở về những hạn chế, vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm, xếp lương giáo viên, để việc xếp lương giáo viên sắp tới sẽ hợp lý, phù hợp.

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Dưới đây là một số nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đối với việc bổ nhiệm xếp lương giáo viên trung học cơ sở và ý kiến đóng góp của cá nhân người viết.

Thứ nhất, giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn hạng cao thì bổ nhiệm ra sao?

Tại nội dung này ở mục 3.1 và 3.2 có lấy ý kiến 2 nội dung: Giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì giữ nguyên mã số và hệ số lương hiện hưởng.

Khi giáo viên đạt các tiêu chuẩn thì bổ nhiệm vào hạng mà không phải thông qua thi, xét thăng hạng hoặc giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì tạm thời bổ nhiệm vào hạng thấp hơn liền kề.

Ở nội dung này, tôi đồng ý với nội dung thứ hai giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì tạm thời bổ nhiệm vào hạng thấp hơn liền kề.

Lý do là bởi nếu giữ nguyên mã số và hệ số lương hiện hưởng thì trường học sẽ rất có nhiều giáo viên ở các hạng, mã số khác nhau khá phức tạp về pháp lý (Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT đã hết hiệu lực).

Ví dụ giáo viên trung học cơ sở đang ở hạng II cũ (hệ số lương 2,34 - 4,98) không đạt tiêu chuẩn của hạng II mới (hệ số lương 4,0 - 6,38) thì được bổ nhiệm hạng III mới có hệ số lương tương đương, sau đó đủ tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm hạng II mới mà không phải thi hoặc xét thăng hạng.

Thứ hai, về tiêu chuẩn thời gian giữ hạng ra sao?

Ở mục 3.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về việc giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT để bảo đảm quy định về thời gian làm việc tối thiểu trong hạng tại khoản 4 mục ghi chú Bảng 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Theo tôi, đây là vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua, nhiều giáo viên đã có trình độ thạc sĩ, đại học tốt nghiệp đại học từ năm 2012 đến nay vẫn còn hưởng lương cao đẳng (hạng III cũ), đạt tiêu chuẩn hạng II (cũ và mới) từ rất lâu, nay trong quy định lại chỉ được chuyển qua hạng III mới và phải giữ hạng III mới 9 năm mới chuyển sang hạng II mới gây nhiều bức xúc trong giáo viên.

Do đó, tôi xin đề xuất đổi cụm từ "thời gian giữ hạng" bằng cụm từ "thời gian đạt chuẩn trình độ" hoặc "thời gian đạt tiêu chuẩn giáo viên hạng cao hơn liền kề" để tránh gây bức xúc trong giáo viên.

Khi đó, giả sử giáo viên tốt nghiệp đại học năm 2013 đang hưởng lương cao đẳng nếu đạt tiêu chuẩn giáo viên hạng II mới thì được bổ nhiệm hạng II mới.

Thứ ba, về vấn đề hệ số lương 2,67 đến 3,99 chuyển qua hệ số lương 4,0

Ở vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra 2 phương án để lấy ý kiến ở mục 3.4 và 3.5 gồm:

“3.4. Giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó để bảo đảm đúng với quy định về nguyên tắc xếp lương tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ hệ số lương 3,33 đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới thì được chuyển xếp lương vào hệ số 4,00)”.

Nếu đồng ý phương án này thì cả giáo viên từ 2,67 – 3,99 đều cùng chuyển qua hệ số lương bậc 1 hạng II mới là 4,0.

“3.5. Khi giáo viên đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm từ hạng I, II cũ vào hạng I, II mới nhưng hệ số lương hiện hưởng chưa ngang bằng với hệ số lương khởi điểm của bảng lương quy định cho hạng thì chưa thực hiện chuyển xếp lương mới mà giữ nguyên hệ số lương hiện hưởng (Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới, nhưng hệ số lương hiện hưởng là 3,33 thì chưa chuyển xếp lương vào hệ số 4,00 mà phải đợi đến khi được hưởng hệ số lương 3,99 thì mới được xếp lương 4,00).”

Thực hiện theo phương án này thì giáo viên hạng II cũ phải hưởng lương có hệ số lương đến 3,99 mới được chuyển qua hệ số lương 4,0.

Theo tôi, vẫn nghiêng về phương án 2 hơn hoặc phương án sửa đổi hệ số lương ở hạng II mới, nếu để giáo viên từ hệ số lương 2,67 – 3,99 thì quá bất công, gây bức xúc, bất mãn trong giáo viên.

Thứ tư, quy định về nhiệm vụ giáo viên

Ở mục III. Nội dung xin ý kiến khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến giáo viên về việc quy định nhiệm vụ của giáo viên. Theo đó, lấy ý kiến về 2 mục là quy định nhiệm vụ chung cho tất cả giáo viên các hạng, giáo viên ở hạng cao thì quy định thêm một số nhiệm vụ phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp, yêu cầu về năng lực và sự thăng tiến nghề nghiệp của giáo viên (như quy định hiện hành) hoặc nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công.

Ở đây tôi đồng ý với ý kiến thứ nhất, giáo viên ở hạng cao thì phải thực hiện nhiệm vụ ở hạng cao hơn, không thể quy định là nhiệm vụ là sau khi bổ nhiệm.

Quy định bổ nhiệm xong mới phân công nhiệm vụ là không phù hợp, có thể xảy ra tình trạng “chạy” bổ nhiệm xong không thực hiện nhiệm vụ hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.

Thứ năm, minh chứng bổ nhiệm các hạng

Tại mục 1.3 lấy ý kiến về việc giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ trước khi bổ nhiệm vào hạng.

Điều này tôi cho rằng, trong thời đại số, quản lý bằng công nghệ thông tin, chỉ cần vào phần mềm quản lý cán bộ, viên chức là thông tin về giáo viên khá đầy đủ, về nhiệm vụ hoặc các nội dung khác do thủ trưởng đánh giá, không nên quy định giáo viên phải có nhiều minh chứng không cần thiết.

Thứ sáu, quy định đạo đức nhà giáo

Tại mục 2. Về quy định đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về việc quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho tất cả giáo viên các hạng, không yêu cầu mức độ cao hơn đối với giáo viên ở hạng cao và quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung như sau: “Giáo viên phải thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo”.

Điều này tôi hoàn toàn tán đồng, thời gian qua quy định giáo viên hạng cao có đạo đức cao hơn giáo viên hạng thấp khiến giáo viên bức xúc.

Thứ bảy, giáo viên hạng I có thể chỉ cần trình độ đại học mà không cần phải thạc sĩ?

Ở mục 3. Về quy định trình độ đào tạo của giáo viên hạng I

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến Quy định trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I là đại học hoặc quy định trình độ đào tạo của giáo viên trung học phổ thông hạng I là thạc sĩ.

Điều này, tôi tán đồng với nội dung thứ nhất, giáo viên hiện nay chỉ cần quy định trình độ đào tạo của giáo viên hạng I là đại học là phù hợp, không nhất thiết phải có trình độ thạc sĩ và cũng phù hợp với thực tiễn, do lịch sử để lại.

Thứ tám, quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Ở mục 4. Về quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về việc mỗi cấp học có 01 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 01 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy hoặc đối với những giáo viên đã có ít nhất 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng bất kỳ (tương ứng với cấp học đang giảng dạy) thì không yêu cầu phải có chứng chỉ theo quy định mới hoặc đối với những giáo viên đã có ít nhất 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh của hạng bất kỳ nhưng không tương ứng với cấp học đang giảng dạy thì yêu cầu phải có chứng chỉ theo quy định mới.

Ở đây, tôi tán thành nội dung thứ hai là đối với những giáo viên đã có ít nhất 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng bất kỳ (tương ứng với cấp học đang giảng dạy) thì không yêu cầu phải có chứng chỉ theo quy định mới điều này là phù hợp.

Nên bổ sung trường hợp giáo viên đang dạy ở trung học cơ sở có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nếu chuyển xuống tiểu học thì không cần phải học lại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục còn lấy ý kiến những vấn đề khác và đề xuất của giáo viên.

Giai đoạn này Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến giáo viên về việc sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.

Thầy, cô có thể vào địa chỉ https://temis.csdl.edu.vn/temis/survey?question để nhanh chóng đóng góp ý kiến và nêu những hạn chế trong quá trình xếp lương để việc xếp lương mới được hoàn thiện, hợp lý và công bằng hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM