LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, một tác giả có nhiều bài viết tâm huyết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài viết này, thầy Ngọc đề cập đến vấn đề chưa rõ ràng trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc coi thi bài thi tổ hợp trong kỳ thi quốc gia khiến nhiều thầy cô băn khoăn, thắc mắc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Là cán bộ quản lý ở trường trung học phổ thông chuẩn bị tham gia coi thi tại kỳ thi quốc gia năm 2017 (từ ngày 21/6 đến 24/6), tôi đã đọc, nghiên cứu rất kỹ Quy chế 04/2017/TT- BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Qua đó, phát hiện điểm chưa rõ ràng tại khoản i, điểm 5, điều 14 (Trách nhiệm của thí sinh) của Quy chế trên đối với 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nhiều giáo viên thắc mắc về quy định thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài trắc nghiệm. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và thời đại) |
Khoản i quy định: “Không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm.
Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm thi đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi”.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trước đây và Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia 3 năm qua, quy định mọi thí sinh “Không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm” là phù hợp.
Bởi khi đó, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan như: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học và kể cả 2 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan của năm nay: Toán, Ngoại ngữ với thời gian làm bài không dài chỉ từ 60 đến 90 phút.
Nhưng kỳ thi năm nay có thêm 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Mỗi bài thi tổ hợp có 3 môn thi thành phần, thời gian làm bài dành cho mỗi môn thi thành phần là 50 phút, khoảng cách giao nhau giữa môn thi trước và môn thi tiếp theo là 10 phút để các cán bộ coi thi thực hiện công việc:
“Ngay khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần nào thì thu đề thi và giấy nháp của thí sinh thi môn thi đó, đồng thời phát đề thi của môn thi thành phần kế tiếp theo đúng lịch thi đã quy định”.
(Khoản n, điểm 1, Điều 22 - Trách nhiệm của cán bộ coi thi và các thành viên khác trong Ban coi thi).
Các giải pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ thi quốc gia 2017 |
Quy định về thời gian làm 2 bài thi tổ hợp như vậy, đồng nghĩa với việc tất cả thí sinh phải ngồi ròng rã suốt 180 phút (kể từ khi phát đề môn thi thành phần thứ nhất) trong phòng thi, liệu có phù hợp với tâm sinh lý của con người, của thí sinh hay không?
Trong khi đó, ở Ngữ văn, môn thi tự luận duy nhất, thời gian làm bài là 120 phút, theo Quy chế thì thí sinh làm bài khoảng 80 phút có thể ra ngoài phòng thi đi vệ sinh, uống nước… sau đó quay trở lại làm bài tiếp hoặc ra ngoài khu vực thi nếu như hoàn thành xong bài thi.
Mặc dù, tại khoản k, điểm 5, Điều 14 có nêu: “Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát”.
Nhưng với thời gian ngồi làm bài quá lâu (3 tiếng đồng hồ) nhiều thí sinh có nhu cầu đi vệ sinh, uống nước, nhất là vào thời gian giao nhau 10 phút giữa môn thi này với môn thi kia cùng một lúc thì điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát có giám sát thí sinh nổi không?
Tôi được biết, nhiều thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đang tranh luận và rất phân vân về việc 10 phút giao nhau giữa môn thi trước và môn thi kế tiếp có nên cho phép đồng loạt hay giới hạn thí sinh ra ngoài phòng thi… hay không?
Qua văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi hiểu là mọi thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm các bài thi tổ hợp, trừ những trường hợp thật sự cần thiết (như khoản k đã quy định).
Công an bảo vệ đề thi quốc gia 24/24h, 60% câu hỏi ở mức kiến thức cơ bản |
Có một số giáo viên còn lo ngại sâu xa, nếu không đồng bộ, thống nhất trong cách thực hiện Quy chế, nếu thiếu chặt chẽ trong khâu giám sát thí sinh khi ra ngoài phòng thi... ở các bài thi tổ hợp thì dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát.
Thậm chí đây là “kẽ hở” để thí sinh có thể trao đổi bài lẫn nhau (vì các phòng thi cùng một quy luật đánh số báo danh, cùng một loại mã đề thi giống nhau…).
Nỗi lo xa này không phải không có căn cứ.
Bài viết này của tôi thể hiện băn khoăn, phân vân chung của nhiều cán bộ, giáo viên chuẩn bị tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới rất gần.
Kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có ngay hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất về điểm chưa rõ ràng nêu trên đến tất cả Hội đồng coi thi Trung học phổ thông quốc gia của 64 tỉnh thành.