LTS: Tiếp nối bài viết “Nghiên cứu đáng chú ý của thầy Trần Trí Dũng về mô hình trường học mới VNEN”, trong kì trước tác giả đã tập trung nêu lên nguồn gốc và yêu cầu khi áp dụng mô hình này.
Trong kì này, tác giả tiếp tục trả lời câu hỏi rằng giáo dục Việt Nam được gì khi áp dụng VNEN?. Mô hình này có nên triển khai diện rộng trong hoàn cảnh hiện nay?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Nghiên cứu đáng chú ý của thầy Trần Trí Dũng về mô hình trường học mới - VNEN |
Mô hình trường học mới lần đầu tiên được áp dụng ở nước Colombia.
Sau những thành công, hiện nay mô hình này đã được nhiều nước đang phát triển khác áp dụng.
Mô hình này cũng đã giành được một số giải thưởng quốc tế và được Ngân hàng thế giới cũng như UNESCO đánh giá là một trong ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện giáo dục của các nước đang phát triển.
Ngoài nghiên cứu mô hình của Colombia, mô hình trường học mới tại Việt Nam cũng dựa vào những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến của thế giới, dựa trên quy luật nhận thức và những thành tựu tiên tiến của khoa học giáo dục, được thiết kế thành các bước chung cho các nội dung học tập và hoạt động giáo dục.
Trong bài viết trước, tôi đã đề cập những quan điểm giáo dục và những yêu cầu đặt ra khi tiếp cận áp dụng mô hình VNEN.
Vì thế, để bạn đọc có cái nhìn khách quan và toàn diện đối với mô hình này, tôi xin cung cấp kết quả về những thành công đã đạt được ở các trường học khi áp dụng mô hình này và những hạn chế chưa đạt được, từ đó có những đánh giá và kiến nghị thích hợp.
Những thành tựu đạt được khi áp dụng VNEN tại Việt Nam
Khi tổng kết dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, dự án VNEN tuy triển khai trong một thời gian ngắn nhưng đã đạt được kết quả rất tốt, tạo bước chuyển quan trọng về nhận thức và cách thức thực hiện mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Học sinh đang học theo mô hình trường học mới VNEN (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Theo ông Đặng Tự Ân (Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo), chuyên gia trưởng dự án VNEN) thì trong mô hình trường học mới, do biết sáng tạo thiết kế tài liệu hướng dẫn học, được gọi là tài liệu 3 trong 1, đã tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy triệt để hơn, rộng rãi hơn trong tất cả các trường Tiểu học.
Hầu hết giáo viên đã hiểu và biết áp dụng phương pháp dạy học mới, biết chuyển từ hoạt động dạy học là chủ yếu sang tổ chức cho học sinh tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức, theo tài liệu hướng dẫn học và dưới hình thức học cá nhân, học theo cặp và học theo học nhóm.
Các nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp giáo dục sáng tạo nhằm phát triển các kỹ năng sống và các kỹ năng xã hội cho học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ vẫn tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới -VNEN |
Tất cả các trường lớp trong mô hình trường học mới có bước phát triển mới và hiệu quả mà mọi người dễ nhận thấy là sự trưởng thành, thay đổi nhanh chóng của học sinh. Các em tự tin, mạnh dạn giao tiếp ở trường cũng như ở nhà, nhất là học sinh vùng dân tộc.
Hội đồng tự quản và các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học thực sự góp phần đáng kể vào sự thay đổi nhà trường.
Qua kiểm tra thực tế, ở các trường đã chú ý và chủ động hơn trong giáo dục toàn diện học sinh, giáo viên không còn quan tâm, năng dạy chữ như mô hình truyền thống.
Giáo viên không giảng bài mà chủ động hướng dẫn hỗ trợ cho học sinh tự học, nên trong quá trình tổ chức hoạt động học tập cho học sinh, giáo viên có nhiều thời gian và cơ hội quan sát và đánh giá kịp thời quá trình học tập của các em.
Ở đây cần lưu ý rằng, chất lượng học tập theo mô hình mới phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của đội ngũ giáo viên, do đó Hiệu trưởng các trường đã duy trì sịnh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường thường xuyên và có hiệu quả.
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chính là tổ chức bồi dưỡng chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.
Bên cạnh đó, các trường cũng phải tạo sự gắn kết với cha mẹ học sinh để hỗ trợ nhà trường, đồng thời mang kiến thức thực tiễn ứng dụng vào những hoạt động cụ thể tại gia đình.
Tuy mô hình mới triển khai được 5 năm học (kể cả năm học đầu tiên 2011 - 2012 thực hiện thí điểm), nhưng đã có những kết quả và tín hiệu về khả năng giải quyết được một phần bức xúc của giáo dục.
Cái chính là mô hình biết đưa ra và kiên trì theo đuổi các biện pháp giáo dục mang tính đặc trưng của mô hình trường học mới.
Học sinh đi học hồ hởi, phấn khởi và thoải mái; học sinh chững chạc, tự tin trong giao tiếp, kỹ năng sống có nhiều tiến bộ; tính tự giác, tính tự quản cao hơn; học sinh hiểu rõ hơn về cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống… là những biểu hiện phổ biến, quen thuộc ở các trường có áp dụng mô hình trường học mới.
Còn những mặt hạn chế khi áp dụng VNEN là gì?
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc áp dụng VNEN cũng đã bộc lộ những khó khăn và hạn chế rõ rệt.
Cụ thể, chương trình, Sách giáo khoa khi áp dụng vào mô hình dạy học này chưa phù hợp.
Sách giáo khoa nặng lý thuyết, lượng kiến thức trong một tiết học quá nhiều; thời gian của một tiết học chỉ có 45 phút, mà trong 45 phút đó giáo viên và học sinh phải làm rất nhiều công việc, nếu giáo viên tổ chức thực hiện không tốt, sẽ dẫn đến kết quả ngược lại.
Phụ huynh mất rất nhiều tiền cho sách VNEN |
Đa số học sinh chưa xác định được động cơ, thái độ học tập; thiếu năng động, năng lực giao tiếp hạn chế, chưa mạnh dạn trình bày ý kiến của mình trước tập thể, thiếu kĩ năng tự học, tự nghiên cứu.
Một bộ phận khá đông học sinh còn yếu về ngôn ngữ nói; việc chuẩn bị bài cũ ở nhà còn hạn chế… nên để tiết dạy thành công đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để có thể huy động tất cả học sinh cùng làm việc.
Điều kiện cơ sở vật chất hiện tại chưa đảm bảo: phòng học thiếu không gian cho việc tổ chức các hoạt động theo nhóm; bàn ghế cũ và không phù hợp với dạy học theo mô hình mới; trang thiết bị cho từng phòng học cũng thiếu.
Và khó khăn lớn nhất là bản thân các giáo viên và học sinh đều phải thay đổi thói quen dạy và học cũ để đến với thói quen dạy học mới, điều này không thể thực hiện một cách chóng vánh mà cần sự kiên trì, bền bỉ.
Thực tế cho thấy khi điều kiện khó khăn, năng lực giáo viên hạn chế thì dù mô hình có tốt tới đâu thì hiệu quả của nó cũng chỉ đạt được tới một giới hạn nhất định.
Chỉ khi có đam mê, biết linh hoạt và sáng tạo thì mỗi nhà trường mỗi giáo viên mới có thể mang lại hạnh phúc và hiệu quả cho việc học của mỗi học sinh.
Ngoài các điều kiện về nhận thức, năng lực của giáo viên thì học cả ngày, yếu tố sĩ số trong mỗi lớp và cơ sở vật chất cũng có quyết định rất lớn tới đổi mới phương pháp và khả năng áp dụng thành công mô hình này.
Cần những điều chỉnh phù hợp để khắc phục hạn chế hiện tại
Qua thời gian thực hiện dự án thí điểm VNEN có thể nói đã có những thành công, nhất là học sinh say mê học, tự tin trong giao tiếp và khi đề xuất những ý kiến, tuy nhiên cũng cần xem xét lại ở những điểm sau:
Thứ nhất, một số phản ánh đã cho biết đối với những học sinh học khá thì mô hình này tỏ ra rất hiệu quả nhưng đối với những học sinh học yếu thì rất hạn chế cho việc nâng cao khả năng.
Khi học theo nhóm thì chỉ một hai học sinh học khá là làm được bài, những học sinh còn lại là chép lại của bạn, vì thế, khi áp dụng mô hình này cần phải có giải pháp thích hợp cho những học sinh học yếu.
Mô hình trường học mới sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam |
Thứ hai, chỉ nên áp dụng VNEN từ lớp 3 của bậc Tiểu học trở đi.
Mô hình VNEN nhằm tăng cường khả năng tự học của học sinh nhưng số những học sinh có khả năng tự học là ít so với tổng số các học sinh.
Để có khả năng tự học thì học sinh phải có một vốn kiến thức nhất định, vì thế nếu áp dụng mô hình này thì chỉ nên bắt đầu từ lớp 3 của bậc Tiểu học trở lên.
Thứ ba, học theo mô hình này chủ yếu là tự học nên Sách giáo khoa hay sách hướng dẫn học tập phải đảm bảo yêu cầu này.
Như thế, sách phải được thiết kế đủ độ để học sinh nắm bắt kiến thức và áp dụng nhưng tránh áp dụng rdập khuôn, máy móc để khỏi biến học sinh thành những máy sao chụp kiến thức mà thực chất là không hiểu và không nắm được bài học.
Với cách học theo mô hình này, sách giáo khoa chiếm vai trò rất quan trọng.
Thứ tư, nên thiết kế ghế ngồi dưới dạng xoay để tránh học sinh bị vẹo cổ, lác mắt.
Do khi học theo mô hình này học sinh phải ngồi học quay mặt vào nhau, nên chuẩn bị cho mình một tâm thế nhất định trước khi học.
Đặc biệt, khi theo dõi giáo viên giảng bài trên bảng thì học sinh phải ngoẹo cổ, xoay lưng, như thế là dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của các em. Do đó, cần phải thiết kế ghế ngồi dưới dạng xoay để khắc phục tình trạng này, mặc dù tốn kém cho việc đầu tư cơ sở vật chất.
Thứ năm, Sách giáo khoa và chất lượng giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu áp dụng VNEN; đây là hai nhân tố cốt lõi quyết định chất lượng giáo dục.
Mục đích của VNEN là cung cấp khả năng "tự học"
Trên thực tế, ở một số tỉnh trong cả nước đã quyết định dừng việc học theo mô hình này mà lí do chủ yếu là do việc học của học sinh không hiệu quả.
Thậm chí, các phụ huynh đã làm băng rôn, viết khẩu hiệu yêu cầu dừng áp dụng, khóc trong phòng họp khi nói lên ý kiến; tất cả những vấn đề này cần phải được xem xét lại khi cân nhắc có chính thức áp dụng mô hình này hay không.
Trước những vấn đề trên, quan điểm của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ là Bộ Giáo dục và đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
Trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người |
Theo đó, "Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan", Bộ trưởng cho biết.
Chúng ta biết, theo khuyến nghị của UNESCO, một trong những "vũ khí" mà con người thế kỷ 21 cần có, đó là khả năng học tập suốt đời.
Để có thể học tập suốt đời, học sinh phải được trang bị những kỹ năng tự học, ở đây, tự học trở thành yếu tố nổi bật nhất của mô hình VNEN.
Trong quá trình tự học, vai trò chủ thể tích cực của học sinh được phát huy cao độ, các em không còn thụ động nghe giáo viên giảng bài nữa, đó là xu thế tất yếu của dạy học.
Để sự tự học của học sinh thành công, cần những điều kiện nhất định như: sĩ số học sinh vừa phải (dưới 25 em chẳng hạn) để thuận lợi cho việc tổ chức nhóm; học sinh được giáo viên và tài liệu học tập (tài liệu này theo mô hình VNEN được gọi là "Sách hướng dẫn học") hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết, phù hợp với trình độ các em.
Hay học sinh phải có những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để tự học bài mới; có những điều kiện, phương tiện thích hợp để tiến hành hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm; biết làm việc cá nhân, nhóm để chiếm lĩnh bài học; và học sinh được giáo viên hỗ trợ kịp thời, đúng mức khi gặp khó khăn...
Ngược lại, việc tự học sẽ khó thành công nếu: lớp có sĩ số quá đông, điều đó làm cho việc tổ chức nhóm phù hợp là cực kỳ khó; giáo viên không nắm vững trình độ từng cá nhân học sinh trong lớp nên đưa ra nội dung, "lộ trình", hướng dẫn không phù hợp (ví dụ, nội dung quá sức với trình độ, năng lực hiện có của học sinh); giáo viên không có kỹ năng tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh (ví dụ, tổ chức nhóm quá đông nên dễ xuất hiện học sinh "chầu rìa").
Hay giáo viên không kịp thời phát hiện ra những khó khăn mà học sinh gặp phải để hỗ trợ (có giáo viên chỉ biết ngồi chờ các em tự học mà chưa biết kịp thời hỗ trợ những em gặp khó khăn).
Học sinh bị hổng kiến thức, chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng làm việc nhóm (thực tế cho thấy, nay có một tỷ lệ nhất định những em không theo kịp chương trình giáo dục Tiểu học, khả năng giao tiếp chưa tốt, chưa biết làm việc nhóm...); và ngôn ngữ học sinh phát triển chưa đầy đủ (vùng cao chẳng hạn) để làm việc với sách "hướng dẫn học", để tương tác với các bạn và giáo viên cũng là những nguyên nhân việc tự học khó thành công.
Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? |
Giáo dục Việt Nam đã quá lạc hậu, nhất là mặt tổ chức lớp học và phương pháp dạy học.
Mặc dù lý luận của chúng ta, nói chung cập nhật những lý thuyết tiến bộ nhưng thực tiễn giáo dục lại chưa theo kịp những lý luận đó.
Mô hình VNEN thật sự là một cơ hội để chúng ta biến lý luận thành thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và kết quả giáo dục.
Vì thế, có quan điểm đã cho rằng, mô hình VNEN là một xu thế tất yếu, nhiều nước trên thế giới làm được thì Việt Nam cũng phải làm được.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khảo cứu và đánh giá lại mô hình sau quá trình thực hiện dự án.
Đối với những trường học đã và đang áp dụng VNEN cần đánh giá lại và đúc rút kinh nghiệm.
Bài viết thể hiện nhận thức, góc nhìn, quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả.