Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Khách quan mà nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã thể hiện sự lắng nghe, chia sẻ của Bộ với giáo viên nói riêng và dư luận xã hội nói chung trước các bất cập của loạt thông tư 01-04.
Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã “giải quyết” được nhiều vấn đề bất cập của chùm thông tư 01-04.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề cần phải sửa đổi, loại bỏ khỏi dự thảo thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, nổi bật và rõ ràng nhất, chính là đạo đức nhà giáo.
Với các thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, mỗi hạng giáo viên có một quy định đạo đức riêng.
Với dự thảo Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, mỗi bậc học, giáo viên lại có một quy định đạo đức riêng.
Việc quy định đạo đức nhà giáo theo hạng, theo bậc học đều gây phản cảm với nhà giáo và dư luận xã hội.
Đã là giáo viên, phải có cùng chuẩn mực đạo đức, phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, phải là tấm gương sáng cho nhân dân nơi mình sinh sống.
Quy luật "có lên chứ không có xuống" đang cản trở đổi mới, sáng tạo của giáo viên
Từ trước tới nay, trong ngành giáo dục tồn tại một quy luật: có lên chứ không có xuống. Chính quy luật này đã và đang kìm hãm sự phát triển giáo dục.
Một giáo viên đã phấn đấu lên làm phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng là yên tâm với “nghề” quản lý cho đến khi về hưu.
Họ không cần nỗ lực hay sáng tạo trong công việc, chỉ cần “lối cũ ta về”, chất lượng quản lý chỉ cần trung bình chủ nghĩa, không bị kỉ luật, là an tâm không bị mất “nghề quản lý”.
Chính quy luật “có lên chứ không có xuống” phần nào đã cản trở các chỉ đạo cải cách của cấp trên vào trường học, có những sáng tạo của giáo viên bị "bóp chết" trong suy nghĩ.
Hạng giáo viên cũng tương tự, có lên chứ không có xuống. Giáo viên đã được bổ nhiệm hạng cao hơn, có nghĩa là từ đó nằm hạng cao đến khi về hưu. Thực tế, chưa có bất cứ giáo viên nào bị xuống hạng (trừ thực hiện chuyển đổi từ quy định cũ sang áp dụng theo các thông tư 01-04).
Với giáo viên, “hạng” đồng nghĩa với quyền lợi, lương thưởng, giáo viên hạng cao có hệ số lương cao hơn hạng thấp, dù có cùng thâm niên công tác.
Thế nhưng, không phải tất cả giáo viên có năng lực và đầy đủ điều kiện, muốn thăng hạng là được, vì còn đó những “cây đa, cây đề” chiếm chỗ, nhà trường không thể còn "biên chế" hạng cao nữa.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định: giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Vì vậy, một số địa phương đã ban hành chỉ tiêu ở các hạng, ví dụ hạng I là 5%, hạng II 15%, hạng III 80% thì giáo viên muốn thi, xét thăng hạng là rất khó.
Khoản 12, Điều 1, 2, 3 Dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư 01-04 ghi rõ: Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 11 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các trường mầm non công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức như sau:
“a) Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên trong trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) công lập thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;”
11. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 11 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các trường tiểu học công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức như sau:
“a) Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên tiểu học trong trường tiểu học công lập thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;”
Khoản 7 Điều 4: Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 10 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các trường trung học phổ thông công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức như sau:
“a) Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên trung học phổ thông trong trường trung học phổ thông công lập thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;”
Như vậy, kể cả thông tư 01-04 và dự thảo thông tư 01-04 sửa đổi, tuyệt nhiên không hề có nói đến việc “xuống hạng”, “nhường ghế” của giáo viên hạng cao, khi không còn đủ điều kiện.
Thực tế, hiện nay không ít giáo viên ở hạng cao, đang giữ chức vụ tổ trưởng, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng… là những “cây đa, cây đề”, nhưng khi được đề nghị dạy mẫu, dạy hội giảng, thi giáo viên giỏi, họ đều từ chối.
Có người khả năng sử dụng vi tính, ngoại ngữ của họ rất hạn chế, do không được đào tạo bài bản, như vậy xét về năng lực và nhiệm vụ họ không thể ở hạng I,II.
Thế nhưng, những cây đa, cây đề này vẫn “trụ hạng” vì quy luật “có lên nhưng không có xuống” tồn tại trong giáo dục trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, những giáo viên trẻ, khỏe, được đào tạo bài bản, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, nhưng không có chỉ tiêu thăng hạng, dù đáp ứng đủ tất cả các mặt từ “chuyên đến hồng”.
Việc để giáo viên "già" không còn đủ điều kiện vẫn được giữ hạng có thể là nhân văn, thế nhưng dưới góc nhìn để phát triển giáo dục, thì ngược lại nó lại không công bằng với người khác.
Đôi điều kiến nghị
Chính vì thế, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bổ sung quy định, giáo viên không thực hiện được, hoặc từ chối nhiệm vụ của giáo viên hạng cao, phải xuống hạng thấp hơn liền kề.
Muốn vậy phải bổ sung nội dung:
Căn cứ thực tế, hàng năm, người đứng đầu các trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức Lập phương án bổ nhiệm lại chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp.
Khi không còn quy luật “có lên nhưng không có xuống”, giáo viên có thể lên hạng năm nay, nhưng năm sau phải xuống hạng, buộc tất cả giáo viên hạng cao phải tận tâm, tận hiến, sáng tạo, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, xứng đáng với hạng của mình.
Có như thế, giáo viên hạng cao nhận lương cao hơn, mới xứng đáng ngân sách nhà nước bỏ ra, tạo sự công bằng trong trường học.
Bên cạnh đó, giáo viên hạng thấp hơn, thấy có cơ hội tiến thủ, không nản chí, tiếp tục phấn đấu để có thể được bổ nhiệm lại chức danh nghề nghiệp và xếp lương ở hạng cao hơn khi hằng năm nhà trường đều có thể có kế hoạch.
Có lên hạng phải, có xuống hạng, khi không còn đáp ứng tiêu chuẩn, mới đúng quy luật, mới tạo ra sự cạnh tranh công bằng, thúc đẩy giáo dục phát triển.
Tài liệu tham khảo:
- Thông tư 01-04 và dự thảo thông tư 01-04 sửa đổi.
- Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.